Sinh ra và lớn lên tại xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, 19 tuổi, chị Nguyễn Thị Thanh lập gia đình về quê hương Mai Phụ. Vốn xuất thân từ nông dân nghèo, bước đầu tạo dựng cuộc sống, chị Thanh mưu sinh bằng bắt hến ven sông đem ra chợ bán. Đến năm 2002, khi các thương lái từ Thái Bình tìm đến vùng sông nước Mai Phụ để mua Ngao, Hến, chị Thanh đã xuất hiện ý tưởng sản xuất kinh doanh, nhưng ngặt nỗi trong tay lúc đó không có tiền làm vốn liếng nên gặp không ít khó khăn.
chị Nguyễn Thị Thanh (người đi sau)
Qua sinh hoạt chi hội phụ nữ thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ được biết quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh là nơi cho phụ nữ nghèo vay vốn làm ăn để phát triển kinh tế, chị Thanh viết đơn xin gia nhập thành viên. Lần đầu tiên được vay số tiền 1,5 triệu đồng, thời điểm đó số tiền này là rất lớn đối với chị, chị Thanh đem thuê những người trong làng cùng bắt hến, sau đó thu mua và bán cho thương lái. Thấy có lãi, chị Thanh vừa mừng vừa lo, ngày làm, đêm bắt tay lên trán suy nghĩ: Liệu có đủ hàng để cung cấp lâu dài cho thương lái không, khi mà nguồn hến tự nhiên dần cạn kiệt. Xuất phát từ suy nghĩ đó, hai vợ chồng quyết tâm mạo hiểm ra Thái Bình, Nam Định tìm hiểu học tập kinh nghiệm. Nhận thấy nghề này ít gây ô nhiễm môi trường mà rất có lãi nên về quê mở rộng quy mô. Từ đó chị Thanh được xã Mai Phụ cho thuê đất để thực hiện ý tưởng nuôi trồng và kinh doanh ngao hến. Trời không phụ lòng người, từ nuôi trồng và kinh doanh hến hàng năm đều mang lại nguồn lợi kinh tế cho gia đình chị.
Sau 10 năm xây dựng, mô hình kinh tế nuôi trồng và kinh doanh hến của chị Thanh đã tạo công ăn việc làm cho 6 lao động thường xuyên, 40 lao động thời vụ với mức lương từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại mô hình cá thể, năm 2010, chị Thanh liên kết với với 10 hộ khác thành lập HTX Hùng Thuận nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản. Chị thuê thêm 9 ha đất bãi bồi ven sông của xã Hộ Độ, xã Thạch Môn, đồng thời trực tiếp mua giống từ Thanh Hóa về ươm thả quanh năm. Ban đầu diện tích nuôi trồng là gần 6 ha, vốn mua giống từ 50 đến 70 triệu đồng/năm. Sản phẩm không chỉ cung cấp thị trường trong huyện mà còn cung cấp cho 11 huyện trong tỉnh và vươn ra các tỉnh, thành phố khác. Nhờ vậy, mỗi năm mô hình kinh tế của chị Thanh cho doanh thu ước tính trung bình khoảng 2,8 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng khoảng 500 triệu đồng. Đến thời điểm này, giá trị tài sản mà chị Thanh mua sắm và làm nên mô hình ước tính hơn 2 tỷ đồng.
Có thể khẳng định rằng chị Thanh và gia đình có được cơ nghiệp như ngày hôm nay là không chỉ nhờ vào bàn tay khối óc, nghị lực vươn lên mà còn nhờ nguồn vốn từ quỹ phát triển phụ nữ cho vay ban đầu đã làm động lực xoay chuyển cuộc đời làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Không những gia đình chị Thanh, mà cùng với những người dân, anh em họ hàng trong thôn xóm thoát khỏi cảnh nghèo khó, bần hàn, biến mảnh đất chết thành mảnh đất mang lại của cải trù phú.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn và kết quả đạt được trong những năm gần đây là động lực tiếp thêm sức mạnh cho chi Thanh xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô nuôi thêm các mặt hàng như vẹm xanh, dút, cua.v.v. nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường thủy sản hiện nay. Bên cạnh đó, chị Thanh cũng đang có dự định xây dựng nhà hàng ăn uống để kinh doanh chính sản phẩm của mình làm ra, qua đó quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến mọi người./.
Ngọc Quang