Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống chữa bệnh cứu người tại vùng quê nghèo xã Thạch Kênh, Thạch Hà (Hà Tĩnh), ngay từ nhỏ, hình ảnh những người dân quê “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc” vất vả mưu sinh, nhưng lúc đau ốm không dám đến nhà thương vì quá nghèo đã ăn sâu vào tâm trí của Giáo sư Trần Hậu Khang. Những hình ảnh đó là động lực thôi thúc ông đến với ngành Y để nối nghiệp chữa bệnh, cứu người theo truyền thống gia đình.
Là sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, năm 1980, Giáo sư Trần Hậu Khang đã thi đậu và theo học bác sĩ nội trú. Khác với bạn bè cùng khóa chỉ lựa chọn theo học Nội khoa, Ngoại khoa, ông lựa chọn cho mình một lối đi riêng, đó là ngành Da liễu.
Hoàn thành xuất sắc chương trình nội trú, ông được trường Đại học Y Hà Nội giữ lại làm giảng viên Bộ môn Da liễu. Năm 1994, ông được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Da liễu Quốc gia và Phó Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu Trường Đại học Y Hà Nộị. Không dừng lại ở đó, ông còn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ nền y học của các nước trên thế giới. Ông đã nhiều lần được cử đi học tập, nghiên cứu tại nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản…. Với những kiến thức đã học được cùng với sự say mê trong thực hành lâm sàng, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Trong 30 năm gắn bó với nghề, dù đảm nhận bất cứ trọng trách và cương vị công tác nào, Giáo sư Trần Hậu Khang luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp. Trong vai trò một người thầy thuốc, ông luôn coi bệnh nhân như chính người thân của mình, thường xuyên chia sẻ, động viên làm giảm bớt áp lực, xóa đi cảm giác lo lắng, phiền muộn của người bệnh. Ông luôn trăn trở làm sao có thể tìm ra những phương pháp chữa bệnh hiệu quả để nỗi lo bệnh tật của người dân được đẩy lùi.
Trong vai trò là người thầy giáo, ông luôn truyền đạt những kiến thức cho sinh viên qua những bài giảng, bài học thực tế trên thực địa. Ngoài công tác giảng dạy, ông còn tham gia biên soạn, chủ biên, đồng chủ biên 20 cuốn sách về chuyên ngành Da liễu. Trên bước đường nghiên cứu, ông đã hoàn thành hơn 100 đề tài trong lĩnh vực da liễu. Nhiều đề tài có giá trị thực tiễn và đã được báo cáo tại các Hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Với uy tín về chuyên môn, ông đã được Tổ chức Y tế thế giới mời làm cố vấn về Bệnh phong và Da liễu khu vực châu Á – Tây Thái Bình Dương; được mời tham vấn, tham gia viết tài liệu hướng dẫn về nhiều bệnh da liễu trong khu vực…
Có thể nói, trong suốt hơn ba thập kỷ qua, trải qua hơn 10 năm làm Phó Viện trưởng Viện Da liễu, 7 năm làm Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, 16 năm làm lãnh đạo bộ môn Da liễu trường Đại học Y Hà Nội, Giáo sư Trần Hậu Khang đã có nhiều đóng góp to lớn cho ngành Da liễu Việt Nam; đã đưa ngành Da liễu Việt Nam hòa nhập cùng khu vực và thế giới.
Với uy tín của mình, Hội Da liễu Việt Nam và Bệnh viện Da liễu Trung ương đã vinh dự được đăng cai tổ chức Hội nghị Da liễu Đông Nam Á (2009) và Hội nghị Da liễu châu Á – Úc (2014). Đây là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập của ngành Da liễu Việt Nam.
Đối với cá nhân Giáo sư Trần Hậu Khang, do có những đóng góp to lớn đối với ngành Da liễu Việt Nam và thế giới, ông đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Huy chương Sáng tạo tuổi trẻ của Trung ương Đoàn, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ, Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân. Ngoài ra, ông còn nhận được Giải thưởng xuất sắc Báo cáo Khoa học quốc tế tại Nhật Bản và là người Đông Nam Á đầu tiên được trao Giải thưởng cống hiến của Liên đoàn Da liễu thế giới.
Bạn đồng hành tin cậy của những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn
Với Giáo sư Trần Hậu Khang, nhân cách, tài năng và đức độ của Giáo sư Lê Kinh Duệ là tấm gương sáng để ông luôn phấn đấu, học tập và noi theo. Giáo sư Trần Hậu Khang cho rằng, y đức lớn nhất của người thầy thuốc chính là khám chữa bệnh bằng tình yêu thương, cảm thông, chia sẻ với người bệnh. Ông tâm sự “ Người thầy thuốc phải biết tạo niềm tin với người bệnh. Điều quan trọng nhất là lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, tư vấn đầy đủ để họ tin tưởng, xóa đi những lo lắng, phiền muộn vì bệnh tật”.
Có lẽ cũng vì sự đồng cảm, vì cái tâm nhân ái và vì tình thương đối với người bệnh, mà khi ở cương vị người thầy giáo, ngoài kiến thức chuyên môn, ông luôn chú trọng đến việc dạy cho sinh viên của mình biết sẻ chia, cảm thông với nỗi đau của người bệnh. “Một con người bao giờ cũng được tạo bởi hai phần thế chất và tinh thần. Bởi vậy, muốn chữa khỏi bệnh ở phần thể chất thì hãy làm cho tinh thần họ được lành lặn và khỏe khoắn. Đó mới là điều cần và đủ của người thầy thuốc” – Giáo sư Trần Hậu Khang tâm sự.
Mấy chục năm làm nghề thầy thuốc, Giáo sư Trần Hậu Khang luôn làm tốt việc tư vấn cho bệnh nhân, ngay cả với những bệnh nhân ở vào hoàn cảnh bi đát nhất, khi họ mắc các bệnh được cho là trầm trọng như: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm bì cơ, xơ cứng bì, vẩy nến… và đặc biệt là bệnh phong. Có lẽ sự nhạy cảm trong tâm hồn ông, sự yêu thương con người nơi ông đã tiếp thêm cho người bệnh nghị lực vượt qua bệnh tật và những trớ trêu của số phận.
Bên cạnh sự chia sẻ, cảm thông với người bệnh, Giáo sư Trần Hậu Khang còn được biết đến như một người thầy thuốc giàu lòng nhân ái, thường xuyên tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh từ thiện, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, tặng quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các bệnh nhân phong – một căn bệnh vẫn còn bị xã hội kỳ thị.
Giáo sư Trần Hậu Khang chia sẻ: “Hơn nửa đời người gắn bó với nghề Y, bản thân tôi cũng có nhiều trải nghiệm buồn, vui. Tôi hiểu nỗi đau, nỗi mất mát của người bệnh. Chính vì vậy, trong quá trình công tác, bên cạnh các hoạt động chuyên môn, tôi đã vận động, kêu gọi được các tổ chức từ thiện quốc tế giúp đỡ kinh phí để tổ chức hiệu quả nhiều lớp dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho các bệnh nhân phong nghèo, tàn tật; đồng thời hỗ trợ kinh phí ăn ở, chữa bệnh cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh nặng điều trị tại Viện Da liễu Trung ương”.
Giáo sư Trần Hậu Khang khám bệnh cho các bệnh nhân nghèo tỉnh Hà Tĩnh
Đi nhiều, thấu hiểu tận cùng những nỗi khổ của những bệnh nhân phong tại các tỉnh, thành trên cả nước, thời gian gần đây, khi đã nghỉ công tác quản lý, Giáo sư Trần Hậu Khang vẫn tích cực tham hoạt động chuyên môn: Khám chữa bệnh, giảng dạy, đào tạo tại trường Đại học Y Hà Nội; hỗ trợ chuyên môn cho các nhóm y tế tình nguyện; tổ chức nhiều chương trình khám chữa bệnh từ thiện; tặng quà, hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa nhà cửa cho một số bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tính đến nay, cá nhân Giáo sư Trần Hậu Khang và gia đình đã hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhiều ngôi nhà tình nghĩa cho các bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại một số tỉnh, thành trên cả nước.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề Y, dù bận nhiều công việc, nhưng chưa khi nào Giáo sư Trần Hậu Khang muốn dừng lại, bởi nhiều bệnh nhân vẫn chờ và cần ông.
Giúp người bệnh có được một cuộc sống như bao người bình thường khác, để nỗi đau ngày một giảm đi và nụ cười nhân lên gấp bội là sứ mệnh và là niềm hạnh phúc lớn lao của Giáo sư Trần Hậu Khang – người thầy thuốc Nhân dân của ngành Da liễu nói riêng và của toàn ngành Y tế Việt Nam nói chung./.
Khánh Lan