Đỉnh đèo Hải Vân rạng sáng 6/10, trời mưa như trút, hàng trăm người chạy xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê tạm dừng nghỉ, ăn uống chút ít chuẩn bị hành trình “đổ đèo” vào địa phận Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế.
Trong gió rít, tiếng loa của tình nguyện viên thông báo “Sau 10 phút nữa xe bán tải sẽ mở đường, rọi đèn cho bà con xuống chân đèo Hải Vân vào địa phận Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế” vừa dứt, tiếng động cơ xe máy vừa đồng loạt khởi động, giọng một phụ nữ thất thanh “cứu con tôi với!”.
Giữa đám đông người xe, một bà mẹ bồng đứa trẻ đã ngất lịm trong lớp áo mưa kín mít lao thẳng về phía các tình nguyện viên. Rất nhanh, một tình nguyện viên, cũng là y tá lao đến ôm lấy đứa nhỏ từ tay người mẹ, chạy vội vào một quán nước.
Cháu bé ngất lịm được lực lượng y tế tình nguyện trên đỉnh đèo Hải Vân kịp thời cứu chữa. |
Lập tức, các y tá, bác sỹ tình nguyện tại đây khẩn cấp sơ cứu. Khoảng 10 phút sau, cháu bé hồi tỉnh, khóc lớn khi không thấy mẹ đâu, xung quanh chỉ toàn người mặc đồ bảo hộ y tế. Qua kiểm tra, nhóm tình nguyện nhận định cháu bé ngất xỉu do tụt đường huyết vì quá đói và mệt sau chặng đường dài.
Người mẹ quê tỉnh Nghệ An nước mắt hòa nước mưa kể lại, trên đường đi cháu bé nôn ói, không ăn được gì. Khi đến đỉnh đèo Hải Vân thì hết nôn ói, chị mở chiếc áo mưa ra xem thì con đã ngất lịm. Thật may mắn là trong đoàn tình nguyện hỗ trợ người dân có các y, bác sỹ nên cháu bé được cứu kịp thời.
Đón con từ nhân viên y tế, đút cho bé từng muỗng súp ấm nóng, người mẹ nghẹn ngào: “Vợ chồng em chạy xe máy từ Bình Phước về, trên đường gặp nhiều khó khăn, đến đây tưởng đã mất con. May mắn các y bác sỹ cứu giúp”.
Run rẩy bưng bát súp nóng từ lực lượng tình nguyện, chị Vừ Thị Giống (22 tuổi, quê tỉnh Điện Biên) cố ăn vội để có sữa cho đứa con 2 tháng tuổi bú.
Chị Giống kể, cách đây 2 tháng, chị sinh con ở tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh căng thẳng, vợ chồng không có việc làm nên quyết định chạy xe máy chở con về Điện Biên.
“Số con em thật khổ. Hôm em chuyển dạ, chồng chở đến bệnh viện nhưng trong lúc chờ làm thủ tục thì em sinh cháu ngay vỉa hè. Sau 2 tháng cố trụ lại Bình Dương nhưng không có việc làm, vợ chồng em quyết định chạy xe máy chở con về quê”, chị Giống chia sẻ.
Chồng chị Giống, anh Giàng A Sen (26 tuổi) cho biết, cả hai đều là trẻ mồ côi, vào Bình Dương làm việc, gặp và yêu thương, cưới nhau. Khi chưa bùng phát dịch, vợ chồng cũng lo được cuộc sống, nhưng mấy tháng nay thì bế tắc, đành dắt díu nhau về quê.
Đứa trẻ 2 tháng tuổi cùng bố mẹ vượt hàng nghìn cây số từ Bình Dương về Điện Biên. |
Trong đoàn hàng nghìn người từ các tỉnh về quê tránh dịch, rất nhiều hoàn cảnh thương tâm, có con nhỏ nhưng vì cuộc mưu sinh nơi đất khách quá bế tắc, họ đành chấp nhận cực nhọc, thậm chí cả hiểm nguy, rủi ro đề về nương náu nơi quê nhà.
Chia sẻ khó khăn với người hồi hương, chính quyền Đà Nẵng hỗ trợ vận chuyển miễn phí, tổ chức dẫn đường cho người dân khi qua địa bàn thành phố. Các lực lượng tình nguyện cũng trực xuyên đêm tại các chốt, cung ứng thức ăn, nước uống và hỗ trợ y tế cho những trường hợp cần giúp đỡ.
Theo Trạm Cảnh sát Giao thông cửa ô Hòa Nhơn (Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng), ước tính trong đêm 5/10 đến sáng 6/10, có khoảng hơn 2.000 người chạy xe máy về quê ngang qua địa bàn thành phố. Lực lượng CSGT đã hỗ trợ dẫn đường cho các đoàn người từ khu vực chốt giáp địa phận tỉnh Quảng Nam đến đỉnh đèo Hải Vân, giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tác giả: XUÂN TIẾN
Nguồn tin: Báo VTC News