Xã hội

Người đàn ông vô danh bất tỉnh bên vệ đường giữa trời nắng

Khi được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thân nhiệt của bệnh nhân lên đến 41 độ C, nghi bị sốc nhiệt.

Khoảng 10h ngày 4/7, người dân phường Định Công phát hiện người đàn ông trung niên nằm bên vệ đường nên báo công an phường. Ông được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai gần đó cấp cứu.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng cấp cứu tổng hợp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê, thân nhiệt lên đến 41 độ C. Sau hơn một giờ tích cực hạ nhiệt, hiện thân nhiệt bệnh nhân đã xuống 38,5 độ. Ông vẫn đang hôn mê.

Bệnh nhân đang hôn mê dù thân nhiệt đã hạ. Ảnh: H. H.

Công an đang xác định thân nhân bệnh nhân. Theo bác sĩ, với biểu hiện ban đầu, rất có thể bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng. Việc chẩn đoán chính xác đang chờ kết quả xét nghiệm. Tình trạng hôn mê, thân nhiệt đến 41 độ C ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các nội tạng của bệnh nhân.

Theo tiến sĩ Tuấn, việc sơ cứu ban đầu với người bị sốc nhiệt rất quan trọng. Người bị sốc nhiệt, say nắng có thể có biểu hiện mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa… Khi đó cần ưu tiên hạ thân nhiệt cho người bệnh. Cụ thể, đưa người bệnh đến khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp chườm mát vào cùng cổ, nách, bẹn; lau toàn thân bệnh nhân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt. Có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Trong khi đó, gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi nhiệt độ cao, tốt nhất là ở trong môi trường mát. Nếu phải đi ra ngoài trời, nên mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF trên 30. Chú ý uống nhiều nước để tránh mất nước. Mỗi ngày nên uống ít nhất 8 cốc nước, nước trái cây, hoặc nước rau, khuyến khích sử dụng đồ uống thể thao giàu chất điện giải. Tránh chất lỏng có cafein hoặc cồn bởi có thể khiến bạn mất nhiều dịch hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn do nhiệt.

Nếu bạn sinh sống trong một căn hộ hoặc ngôi nhà không có quạt hay máy lạnh, hãy cố gắng dành 2 giờ trong khoảng thời gian nóng nhất ngày để tới môi trường có máy điều hòa hay nơi râm mát... Nhà nên đóng cửa rèm, che chắn cửa hoặc hạ mành trong thời gian nóng nhất ngày, mở cửa sổ vào ban đêm để tạo sự thông gió.

Tác giả: Phương Trang

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP