Đó là lời tâm sự của Đại tá Nguyễn Văn Thích – nguyên lái xe tại Cục Liên lạc đối ngoại Bộ Quốc phòng và có một thời gian dài lái xe cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hiện ông đã nghỉ hưu và sống cùng gia đình tại số nhà 14, ngõ 21, đường Nguyễn Công Trứ, phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh). Ở tuổi 86, nhưng khi nhắc đến Đại tướng, ông vẫn nhớ như in: “Đại tướng là người tài đức vẹn toàn, không chỉ quyết đoán mà rất tôn trọng ý kiến tập thể, suốt đời liêm khiết, giản dị, thanh bạch, không bao giờ đòi hỏi cho riêng mình. Gia đình Đại tướng là gia đình trí thức, đầm ấm.. Được lái xe cho Đại tướng là niềm tự hào, hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm lính của tôi”.
Anh Nguyễn Văn An (con trai út của cụ Nguyễn Văn Thích) xúc động kể lại: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời anh là vinh dự được 2 lần cùng bố ra thăm gia đình Đại tướng ở nhà riêng số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Đại tướng sống dân dã, tình cảm. Nghe tin bác mất, lòng tôi quặn đau, những kỷ niệm ngày xưa ùa về, như vẫn thấy Bác ở đâu đây. Bức hình tôi vinh dự được chụp với Đại tướng, bác Nguyễn Huyên cùng bố khi ra Hà Nội dự kỉ niệm 90 năm ngày sinh của Đại tướng được bố và tôi gìn giữ như một báu vật. Mấy ngày nay, khi nghe tin Đại tướng mất, bố tôi thơ thẫn, đứng ngồi không yên, thỉnh thoảng ông lại khóc…”.
Những nén hương thành kính, đau buồn trước sự ra đi của Đại tướng
Được dự lễ dâng hương tại Văn phòng Hội CCB thành phố Hà Tĩnh, tôi mới cảm nhận hết tình cảm của những cựu binh dành cho Đại tướng. Buổi lễ diễn ra rất trang nghiêm, tất cả những mái tóc hoa râm xếp hàng ngay ngắn, lặng lẽ tiến vào bàn thờ, thành kính thắp hương tưởng nhớ Người.
“Nghe tin Đại tướng mất, Hội CCB Hà Tĩnh lập bàn thờ, tổ chức nghi lễ và thắp hương để tỏ lòng tôn kính đối với Đại tướng – vị tướng của nhân dân. Bàn thờ sẽ được duy trì cho đến ngày tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng. Cũng trong thời gian này, hội CCB các huyện, thị trấn, lực lượng công an, Bộ CHQS tỉnh cũng đã lập bàn thờ Đại tướng ở nơi làm việc một cách trang trọng nhất – Đại tá Hoàng Trọng Thâm – Phó Chủ tịch Hội CCB Hà Tĩnh cho biết.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương – Trường THCS Tân Vịnh (Lộc Hà) chia sẻ: Mấy ngày nay, tôi luôn theo dõi thông tin trên mạng, ti vi, báo, đài để kể cho học sinh nghe về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng. Em Phan Thị Huyền Trang – học sinh lớp Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh xúc động: “Ngày đầu tuần, cả trường lặng im nghe thầy hiệu trưởng đọc tiểu sử và thông báo tin buồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất. Trong những giờ Văn, cô giáo kể cho chúng em nghe về cuộc đời, thân thế sự nghiệp của Đại tướng, lòng biết ơn vị tướng của nhân dân”.
Đại tá Nguyễn Văn Thích và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
“22 năm trong quân ngũ, đây có lẽ là tin buồn nhất đối với tôi khi nghe tin Đại tướng – người “anh cả” của quân đội nhân dân Việt Nam mất. Tiếc thương và nhớ mãi hình ảnh Người” – Thiếu tá Nguyễn Khánh Long (Bộ CHQS Hà Tĩnh) chia sẻ. Đối với Binh nhất Trần Đức My Lô (Trung đội Cảnh vệ, Ban tác huấn, Bộ CHQS tỉnh) thì: “Đại tướng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Chúng tôi nguyện phấn đấu rèn luyện, học tập thật tốt để xứng đáng với công ơn của Người”.
Như cánh chim đại bàng bay về nơi vô tận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi nhưng tên tuổi, nhân cách, sự nghiệp của Người vẫn sống mãi với non sông, đất nước và nhân dân Việt Nam. Từ mảnh đất Hà Tĩnh, tất cả nhớ về Người với tấm lòng thành kính, nghiêng mình kính cẩn trước một nhân cách vĩ đại – người Đại tướng của nhân dân.
Trà Giang
Báo Hà Tĩnh