Đại danh y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác đã có nhiều đóng góp to lớn cho nền y học Việt Nam, để lại cho đời một bộ sách đồ sộ, quý giá: "Y TÔNG TÂM LĨNH" với hàng ngàn bài thuốc hay, phát hiện bổ sung thêm 350 vị thuốc mới, để đồng nghiệp cùng thời và các thế hệ mai sau cùng nghiên cứu sử dụng.
Ông là tấm gương sáng về y đức, y đạo, y thuật để người đời noi theo, là hiện thân của một nhân cách lớn về lòng cương trực và chí khí thanh cao, được người đời tôn kính, ngưỡng mộ chín điều: "Y HUẤN CÁCH NGÔN" của ông để lại là khuôn phép, nguyên tắc trong hành nghề Y Dược. Mãi mãi là kim chỉ nam về y đức cho những người thầy thuốc chân chính.
Nhân 229 năm ngày mất Đại Danh y Lê Hữu Trác (1791-2019), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Hương Sơn đã phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.
Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Từ năm 2015 đến nay, UBND huyện Hương Sơn đã phối hợp tổ chức lễ hội chu đáo, trang trọng nhằm tri ân công lao to lớn của vị Đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời cũng là dịp để nhân dân trong vùng cũng như du khách gần xa gặp gỡ, giao lưu cầu mong những điều tốt lành trong đầu xuân năm mới.
Lễ hội thường được tổ chức trong 3 ngày: 13,14,15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ngoài các nghi thức lễ cúng giỗ ở Khu Di tích (xã Quang Diệm), Khu mộ (xã Sơn Trung) còn có lễ cầu siêu thả hoa đăng ở bến sông Chùa Tượng Sơn (Sơn Giang). Đây là ngôi chùa do thân mẫu của cụ Lê Hữu Trác phát khởi xây dựng.
Theo gia phả, dòng họ Lê Hữu ở huyện Hương Sơn, chùa Tượng Sơn được kiến dựng vào thời Hậu Lê, đời Lê Dụ Tông (đầu thế kỷ VIII) do bà Đặng Phùng Hầu, vợ của Tả hiệu điểm Tham đốc quận công Bùi Tướng Công, là bà ngoại của Danh y Lê Hữu Trác nêu ý tưởng xây dựng. Sau đó, con gái của bà là Bùi Thị Thưởng, vợ của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu tiếp tục hoàn thành ý nguyện của mẹ và sáng lập chùa. Chùa được kiến tạo dưới sự chỉ đạo của hai người con của bà Bùi Thị Thưởng là Lê Hữu Tán và Lê Hữu Trác, với mục đích thờ Phật, thờ tổ tiên hai họ Bùi và Lê Hữu.
Những năm trước, bên cạnh các hoạt động lễ nghi, nhiều lễ hội như đua thuyền, đấu vật, văn nghệ... được tổ chức kéo dài cả tuần lễ trước đó. Nhưng năm nay, dịch bệnh do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) bùng phát, theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ VH-TT&DL, BTC đã dừng hết tất cả các phần hội, thay vào đó chỉ còn lại phần lễ nghi truyền thống. Tuy nhiên, người dân và các em học sinh, thanh niên trong vùng vẫn đến vãn cảnh, dâng hương....
Đặc biệt năm nay, rất nhiều người dân đã đến dâng hương, cầu mong cụ Lê Hữu Trác phù hộ cho quốc thái dân an, dịch bệnh Corona sớm bị đẩy lùi.
Em Trần Dương Khánh Huyền, học sinh lớp 11 Trường THPT Hương Sơn tâm sự: “Năm nào đến dịp giỗ, em và các bạn cũng tới khu mộ, khu di tích Hải Thượng Lãn ông để dâng hương cho cụ. Nhưng năm nay, chúng em cầu mong cụ phù hộ để các nhà khoa học sớm tìm ra thuốc đặc trị với căn bệnh Corona đang phát tán từ Vũ Hán (Trung Quốc).
|
Cán bộ và nhân dân địa phương tập trung về đông đủ, dâng hương tưởng nhớ Đại danh y Lê Hữu Trác trong nhân dịp 229 năm ngày mất của cụ. |
|
|
Cán bộ, nhân dân địa phương thường xuyên tới Khu di tích để nghiên cứu tìm hiểu về các tài liệu y học, vườn cây thuốc nam cũng như các kỷ vật do đại danh y để lại. |
|
Năm nay, mọi người đều cầu mong cụ Lê Hữu Trác phù hộ để các nhà khoa học sớm tìm ra thuốc đặc trị với căn bệnh Corona đang phát tán từ Vũ Hán (Trung Quốc). |
Tác giả: Hương Nguyễn
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn