Người dân thị trấn Lộc Hà viết đơn “cầu cứu” Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. |
Hàng trăm hộ dân ở xã Thạch Bằng (nay là thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà) nộp tiền cho xã nhiều năm nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSD đất). Sau nhiều lần lên thị trấn, huyện để đòi quyền lợi không được, mới đây nhiều hộ dân đã viết đơn “cầu cứu” ngài Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Cụ thể, trong đơn người dân viết: “Kính thưa Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi là công dân xã Thạch Bằng (nay là thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà). Vào năm 2015 và 2016, được nghe thông báo của UBND xã Thạch Bằng về việc tiến hành cấp đất ở trong địa bàn xã nên chúng đến ủy ban xã nộp tiền để được cấp đất, các gia đình đã nộp số tiền từ 80 triệu đồng đến 125 triệu đồng có phiếu thu và chữ ký, dấu đỏ của lãnh đạo xã đó là: Ông Phan Đình Cương - Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng; ông Phạm Công Thành - kế toán, người lập phiếu; bà Phan Thị Ái - thủ quỹ.
Ông Cương hứa sau khi nộp tiền sẽ cấp giấy CNQSD đất và bàn giao đất cho người dân. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi nộp tiền đã 5 - 6 năm nhưng vẫn chưa nhận được giấy CNQSD đất.
Cuối năm 2019, xã Thạch Bằng đã trở thành thị trấn Lộc Hà, người dân chúng tôi đến gặp ông Văn Thành Đô - Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Hà nhưng được ông Đô trả lời là về nộp tiền theo giá đất mới lần 2, còn về phần tiền cũ đã nộp trước đó xã sẽ trả lại cho người dân.
Thế nhưng, ông Đô không hứa là ai sẽ trả và trả vào lúc nào, nếu có trả thì người dân chúng tôi không đồng ý nhận lại tiền mà phải cấp đất cho người dân, để làm nhà riêng cho các con, vì 2 - 3 thế hệ sống cùng trong một nhà, sinh hoạt chật hẹp.
Tiền của chúng tôi nộp lên UBND xã tính đến nay cũng đã 5 - 6 năm, thậm chí chúng tôi còn phải đi vay ngân hàng để nộp tiền đất, hiện giờ lãi mẹ đẻ lãi con cũng đã rất nhiều mà chính quyền lại bắt ép chúng tôi phải nạp lại tiền lần 2 theo giá đất mới, và tiền cũ không được tính thì phải chăng chính quyền đang ép người dân chúng tôi vào đường cùng.
Nay người dân chúng tôi làm đơn này “cầu cứu” Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh soi xét thỏa đáng để người dân chúng tôi được cấp đất và giấy CNQSD đất theo giá đất năm 2015 và 2016 mà chúng tôi đã nộp tiền cho xã và có phiếu thu”.
Đơn “cầu cứu” của người dân. |
Ông Phan Văn Quýnh (thôn Phú Đông, một trong số những hộ dân viết đơn “cầu cứu”) cho biết: “Phần đa người dân chúng tôi đều có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu làm ruộng hoặc đi làm thuê để kiếm sống. Năm 2015, để có số tiền hơn 120 triệu nộp cho xã chúng tôi đã phải phải đi vay mượn khắp nơi, thậm chí có nhà phải thế chấp bìa đất vay tiền ngân hàng để mong muốn có suất đất, tách riêng cho con cái”.
“Thời điểm hiện tại người dân chúng tôi muốn có đất thì phải nộp gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần số tiền trên. Trong khi nhiều hộ dân không có đủ tiền để nộp thì huyện thông báo sẽ cắt không cấp đất nữa, còn số tiền hơn 120 triệu đồng đã nộp hơn 5 năm cho xã thì cũng không biết khi nào mới được giải quyết. Người dân chúng tôi bây giờ chỉ biết “cầu cứu” Chủ tịch tỉnh, chứ đi lên xã, lên huyện đến mòn cả đường vẫn không được giải quyết”, ông Quýnh nói.
Trước đó, như Báo GD&TĐ thông tin, năm 2015, UBND xã Thạch Bằng (nay là thị trấn Lộc Hà) thông báo, cấp hàng trăm lô đất cho con em địa phương theo chủ trương xét giao đất ở có thu tiền. Người được xét duyệt là con em địa phương đã lập gia đình nhưng chưa có đất ở.
Sau khi nhận được thông báo, chính quyền xã đã tiến hành xét duyệt các hộ nộp hồ sơ đăng ký. Sau xét duyệt, UBND xã Thạch Bằng đã có văn bản thông báo đến hàng trăm người dân đủ điều kiện giao đất và cấp giấy CNQSD đất. Đồng thời yêu cầu những người này đến UBND xã để nộp tiền - giá đất tại thời điểm thông báo là từ 80 - 170 triệu đồng/suất.
Đến cuối năm 2019 (hơn 4 năm sau khi thu tiền đất) hơn 100 hộ dân đã nộp tiền vẫn không được cấp giấy CNQSD đất mà không hề biết lý do? Quá sốt ruột, các hộ dân lên UBND xã hỏi thì nhận được trả lời, “đang làm, về chờ”.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, người dân lại nhận thông báo của UBND huyện Lộc Hà phải nộp tiền theo giá đất hiện tại năm 2010, với giá gấp đôi thậm chí gấp 3 lần thời điềm xã thông báo và thu tiền của người dân.
Tác giả: Huy Hiếu – Mỹ Hoa
Nguồn tin: Báo GD&TĐ