Trở về nước sau lần qua Thái Lan phẫu thuật vào năm 2014, Tố An, một người chuyển giới nữ nổi tiếng trong giới LGBT (đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới (nam hoặc nữ)) rất hài lòng với cơ thể mới của mình. Tuy nhiên, một sự cố xảy ra khiến chị rất lo lắng là vùng kín của mình có hiện tượng chảy máu.
Khó khăn tìm chỗ khám
Hốt hoảng, chị tìm đến hai bệnh viện (BV) phụ sản có uy tín để nhờ bác sĩ xem xét bởi đã dốc hết tiền cho ca phẫu thuật, chưa thể quay trở lại Thái Lan. Tại đây, do lo ngại không có chuyên môn trong việc điều trị hậu phẫu dạng này nên BV đã từ chối.
Một người chuyển giới nữ cho rằng họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận dịch vụ y tế. Ảnh: HL |
Chợt nhớ có người quen làm ở một BV, Tố An tìm đến và được bác sĩ tiếp nhận xem xét. Hóa ra những vệt máu đó là máu khô còn sót lại trong cơ thể sau hậu phẫu, do đi đứng vận động nhiều nên chảy ra, không có gì đáng lo ngại. Từ đó trở đi, BV này đã trở thành địa chỉ Tố An rỉ tai cho những người chuyển giới khác đến khám.
Tố An chia sẻ chị em chuyển giới nữ thường qua Thái Lan để phẫu thuật hoàn toàn. Trường hợp có vấn đề sau hậu phẫu không phải là hiếm. Cách đây không lâu, một cô gái nhiễm trùng đường tiểu, bọng đái bị căng nên gia đình đưa đến một BV. Các bác sĩ vẫn tiếp nhận và cho xả nước tiểu ra nhưng lúng túng không biết xử trí tiếp theo như thế nào vì không phải chuyên môn nên gia đình phải cầu cứu Tố An. Tố An hướng dẫn gia đình chỉ còn nước bay qua lại Thái Lan.
Tố An cũng chia sẻ hiện vẫn có những cơ sở nhận “chuyển giới” như phẫu thuật ngực ở Việt Nam nhưng là hoạt động chui và trong giới biết với nhau. Cùng với quyền xác định lại giới tính đã có hiệu lực và Luật Chuyển đổi giới tính đang được thảo luận, Tố An hy vọng hệ thống y tế của Việt Nam sẽ cởi mở với cộng đồng LGBT và mở ra các cơ sở hợp pháp, đủ điều kiện can thiệp giúp người chuyển giới, tránh những tai nạn đáng tiếc.
Người chuyển giới nữ trình bày khó khăn khi tiếp cận dịch vụ y tế tại hội thảo do nhóm G-Link và Trung tâm Sức khỏe nam giới tổ chức. Ảnh: HL |
Ngoài ra, không phải ai cũng có điều kiện phẫu thuật hoàn toàn, hình dáng bên ngoài và họ cũng gặp không ít bất tiện. Hải Nam, một người chuyển giới nam, kể hầu hết người chuyển giới nam thường chỉ tự tiêm hormone và tập gym, ép ngực để cho cơ thể nam tính chứ không phẫu thuật bộ phận sinh dục. “Tuy nhiên, do cơ thể nam mà đi khám phụ khoa ở BV nên thường vấp phải ánh mắt kỳ thị và cực hình hơn là bị gọi tên trên giấy tờ giữa chốn đông người” - Nam nói. Hoặc ngược lại trên giấy tờ vẫn là nam, bộ phận sinh dục vẫn là nam nhưng vóc dáng giống phụ nữ vì chăm chỉ tiêm hormone cũng vấp phải khó khăn tương tự khi đi khám nam khoa.
Nhiều phòng khám thân thiện hơn
Theo BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, BV Bình Dân (TP.HCM), do xã hội vẫn còn tâm lý phân biệt đối xử với người chuyển giới nên họ thường ngại đến các cơ sở khám chữa bệnh chính thống của Nhà nước mà thường tìm đến những phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, có khá nhiều phòng khám tư không đủ điều kiện khám và điều trị cho loại bệnh nhân này dẫn đến tiền mất tật mang.
BS Dũng thừa nhận BV chuyên về nam khoa và tiếp nhận tất cả bệnh nhân nhưng chưa có quy trình riêng cho người chuyển giới. Thực tế, người chuyển giới vẫn còn ngại đến khám và điều trị.
Hiện tại, BV vừa cho ra mắt phòng khám dành riêng cho người chuyển giới, đồng tính vào chiều thứ Năm hằng tuần để điều trị các vấn đề bệnh lý cho đối tượng này. “Các bác sĩ tại phòng khám đã được huấn luyện và thông qua phác đồ điều trị cho loại bệnh nhân này. Quy trình khá đơn giản khi chỉ cần đăng ký trước theo số điện thoại 02866861267 và sau đó đến trực tiếp phòng khám. Khu vực đặt phòng khám riêng sẽ tránh được sự kỳ thị, tò mò không đáng có với bệnh nhân” - BS Dũng thông tin.
Khi điều trị về nội tiết thay thế (tức hormone), các bác sĩ phải được huấn luyện về chuyên ngành, có kinh nghiệm điều trị, chứng chỉ hành nghề có được cho phép điều trị trên loại bệnh nhân này hay không. Bởi điều trị nội tiết không đúng chỉ định hoặc không cân nhắc các chống chỉ định thì có thể gây ra tình trạng thuyên tắc mạch, ung thư tuyến vú, đa hồng cầu hoặc gây ra chứng ngưng thở ban đêm. BS MAI BÁ TIẾN DŨNG, Trưởng khoa Nam học, |
Mới đây, với mong muốn giúp cộng đồng LGBT tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn, Trung tâm Sức khỏe nam giới Men’s Health Center đã cam kết với nhóm G-Link chuyên hỗ trợ cộng đồng LGBT miễn phí các dịch vụ như tầm soát HIV cho cộng đồng LGBT và người có nguy cơ bị lây nhiễm cao; thăm khám và tư vấn điều trị về bệnh lý xã hội dành cho người đồng tính và những người có nguy cơ lây nhiễm các bệnh như giang mai, sùi mào gà, lậu…; tư vấn, chăm sóc và tham vấn cho người chuyển giới về nội tiết tố sinh dục, chức năng các cơ quan trong cơ thể ảnh hưởng bởi nội tiết tố sinh dục.
Trưởng nhóm G-Link Lê Minh Thành cho hay các phòng khám thân thiện với cộng đồng LGBT rất cần thiết. “Hiện lo sợ bị kỳ thị nên nhiều người trong cộng đồng LGBT tự tìm cách điều trị bệnh hoặc tìm đến phòng khám không đủ điều kiện, để bệnh càng trầm trọng và lây lan. Phòng khám với bác sĩ có chuyên môn, thân thiện sẽ giúp họ an tâm điều trị bệnh khi mới phát hiện” - Thành nói.
Biến chứng do tự chữa bệnh BS Mai Bá Tiến Dũng chia sẻ từng tiếp nhận những trường hợp người đồng tính đến khám bệnh và điều trị trễ rất đau lòng. Cách đây không lâu, có một giảng viên thường xuyên quan hệ với bạn tình cùng giới và phát hiện ra có những nốt mụn cơm, vết loét trên quy đầu của dương vật. Thay vì đến BV chuyên khoa thì anh này tự mua thuốc uống. Bệnh tình diễn tiến nặng hơn, anh mới tìm đến khám tại BV. Trường hợp của anh, bác sĩ phải dùng phác đồ mạnh tay, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và kéo dài thay vì đẩy lùi bệnh nhẹ nhàng trong thời gian đầu. Một trường hợp thanh niên nam chỉ vừa qua tuổi 20, quan hệ với bạn tình bị mắc bệnh sùi mào gà gây biến chứng ung thư dương vật mới đến khám. Do phát hiện khá trễ nên bác sĩ bắt buộc phải cắt bỏ đi phần dương vật, xạ trị và hóa trị mới giữ được tính mạng cho bệnh nhân. |
Tác giả: GIA NGHI
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM