Kinh tế

Người bán 400 tấn cam/ngày ở chợ Long Biên: Thương lái TQ biết VN có gì ngon nhất

“Nông sản Việt Nam đang ví mình như gái quê, danh giá chờ họ đến nhà tán tỉnh và mua đi. Chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại điều này”.

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thành Thực - một thương nhân tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, với chủ đề "Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt".

Các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018

Trải qua kinh nghiệm hơn 20 năm làm thương lái xuất nông sản sang Trung Quốc, bà cho biết mình từng bán được 400 tấn cam một ngày ở chợ Long Biên (Hà Nội), từng xắn tay đi mua cả nông trường những năm 2000. Năm 2002, có ngày bà cũng xuất khẩu 200-300 kg vải thiều.

70% nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng bà nhận thấy rất hiếm thương lái Việt chủ động xuất hàng sang Trung Quốc mà chủ yếu gom hàng cho phía đối tác Trung Quốc. Hiện nay thương lái Trung Quốc đã sang tận nơi, đặt hàng tận vườn.

"Thương lái Trung Quốc vào đến tận vùng sâu, vùng xa, đến bất cứ ngõ hẻm nào của Việt Nam và họ giỏi hơn chúng ta, họ biết Việt Nam có gì ngon nhất, thời điểm nào thu hoạch để thu mua", bà nói.

Theo bà, muốn bán hàng thì bất kỳ thương lái nào cũng phải đưa hàng ra chợ, xem nhu cầu thế nào. Hiện trên thế giới, Trung Quốc được coi là cái chợ lớn, có nhu cầu đa dạng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nông sản Việt, thương lái Việt không hề có một gian hàng nào, chúng ta chỉ ngồi nhà bán hàng, chờ họ đến thu mua. Chính vì thế chúng ta bị động về chiến lược và bị ép giá.

“Chúng tôi vẫn nói rằng nông sản Việt Nam đang ví mình như gái quê, danh giá chờ họ đến nhà tán tỉnh và mua đi. Chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại điều này”, bà nói.

Cũng theo bà Thực, trong thương mại nông sản hiện nay, Việt Nam cần nhìn nhận Trung Quốc là bạn hàng, là thị trường tiêu dùng lớn nhưng cũng là đối thủ lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam khi nền sản xuất, công nghệ trong nông nghiệp của họ đã đi trước khoảng 20 năm.

Vải Việt Nam chất lượng cao, ngon ngọt đều được thương lái Trung Quốc thu gom

Theo bà, Việt Nam mới chỉ làm tốt ở khâu nguyên liệu và nếu muốn dẫn dắt thị trường thì người Việt cần dẫn dắt cả khâu sản xuất. Điển hình như, Trung Quốc - thị trường lớn về tiêu dùng, họ biết cách chế biến và xuất đi khắp các nước và họ sẵn sàng đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam quan tâm cung ứng thì bỏ lỡ các khâu khác.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành Central Group (Thái Lan) cũng cho rằng Việt Nam có nhiều loại nông sản ngon, lợi thế cạnh tranh mà các nước không có được. Vấn đề của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay là các địa phương, người sản xuất không tiếp cận được thị trường khiến tiềm năng trong nông sản chưa được khai phá.

Điều này làm người nông dân ở thế bị động, ít có vai trò và không có kết nối thị trường mà phụ thuộc vào thị trường tự do hoặc thương lái nên không có kế hoạch sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp Việt chưa thấu hiểu thấu đáo đối tác, thị trường khi xuất hàng thường khó thông quan bởi vi phạm một số quy định tại thị trường quốc tế. Điều này gây tổn thất cho Việt Nam. "Như các bạn thấy uy tín mà tổn hại mất rất nhiều thời gian xây dựng lại", vị này bày tỏ.

Nhấn mạnh đến vấn đề tăng giá trị cho sản phẩm, ông Hải cho rằng, tuy hàng nông sản Việt Nam được khách hàng hàng quốc tế đánh giá cao về khả năng cung ứng nhưng chủ yếu là xuất thô không có thương hiệu thương mại.

Nếu không tạo sự khác biệt, Việt Nam sẽ mất lợi thế xuất khẩu. Các doanh nghiệp nên tập trung tìm hiểu thị trường đầu tư khâu chế biến đóng gói để tăng lợi nhuận khi xuất khẩu đồng thời có cơ hội đầu tư bền vững.

Ngoài ra, việc kết nối thị trường tiêu thụ, giải quyết khâu logistic cũng là một bài toán.

"Nhiều năm nay chúng ta thường giải cứu nông dân, điểm chung là người nông dân bị động bởi họ phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do, thương lái, họ không có kế hoạch canh tác", ông Hải dẫn chứng.

Ông Vũ Trường Ca - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lina Network cho rằng, dù nông nghiệp Việt Nam đang được Chính phủ đẩy mạnh hỗ trợ, có nhiều chính sách giúp đỡ người nông dân, chúng ta hiện nay luôn gặp phải trường hợp được mùa mất giá, được giá mất mùa, hay mất mùa và mất luôn cả giá, và thường xuyên phải tiến hành giải cứu.

"Như vậy có thể thấy, nông nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường", ông nhận định.

Vì vậy, ông cho rằng, chúng ta cần phải tìm hiểu xem thị trường cần gì. Thị trường cần phải có sản phẩm minh bạch, bất biến, an toàn, chuẩn hoá, truy xuất mọi lúc mọi nơi.

Tác giả: Diệu Thùy

Nguồn tin: Báo Infonet

  Từ khóa: thương lái , xuất khẩu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP