Nông Thôn Hà Tĩnh

Ngư dân Hà Tĩnh “vỡ mộng” tàu 67

“Giấc mộng tàu 67”

Thực hiện chính sách vay vốn theo Nghị định 67, nhiều ngư dân của huyện Nghị Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu.
Sau nhiều vất vả và chi phí tốn kém là đủ thủ tục vay vốn đóng tàu vỏ thép, thế nhưng nhiều ngư dân rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

Ngày 7/7/2014 nhằm từng bước tái cơ cấu thủy sản, nhất là hoạt động vươn khơi, bám biển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/NĐ – CP. Theo đó, hàng loạt chính sách khuyến khích ngư dân đầu tư đóng tàu to, thuyền lớn từ các nguồn vốn ưu đãi được triển khai trên địa bàn cả nước.

Ông Lê Văn Thắm vẫn không khỏi hi vọng

Cũng giống như nhiều ngư dân khác trên cả nước, hàng trăm ngư dân xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) hồ hởi làm hồ sơ để mong được vay vốn đóng mới tàu ra khơi, bám biển. Năm 2015, Xuân Hội có 9 ngư dân được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn ưu đãi đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Theo đó, đã có 6 tàu được ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn, trong đó có một tàu vỏ thép mang số hiệu HT 96716TS của ngư dân Lưu Văn Truyền hoàn thành và hạ thủy ngày 25/6.

Bên cạnh niềm vui của những ngư dân được các ngân hàng kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện để vay vốn đóng mới tàu vỏ thép thì còn không ít ngư dân “vỡ mộng” vì ngân hàng từ chối cho vay.

Đến xã Xuân Hội những ngày này, chúng tôi cảm nhận rất rõ nỗi niềm của không ít ngư dân. Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Văn Thắm chia sẻ: “Được sự quan tâm, động viên của UBND huyện tôi cùng nhiều ngư dân hăng hái làm hồ sơ gửi lên ngân hàng để được hỗ trợ vay vốn theo nghị định 67. Cùng lượt với tôi, rất nhiều ngư dân đã được ngân hàng BIDV tạo điều kiện. Tôi cùng 3 ngân dân gốm anh Hùng và anh Tuấn gửi hồ sơ đến ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam chi nhánh bắc Hà Tĩnh (Vietcombank). Mới đầu, họ nhiệt tình lắm, hỗ trợ chúng tôi để sớm hoàn thành hồ sơ hợp lệ. Nhưng ngân hàng cho biết với số tiền trên 10 tỉ chi nhánh Bắc Hà Tĩnh không đủ thẩm quyền nên phải gửi ra trụ sở chính ở Hà Nội để phê duyệt. Từ ngày tiếp cận ngân hàng đến nay, chúng tôi đã chờ gần 7 rồi vẫn chưa thấy có kết quả gì. Mới đây, ngân hàng lại có công văn xuống bảo là tạm ngừng cho vay vì chưa xác định được nguyên nhân cá chết tại khu vực biển miền Trung. Chúng tôi không biết làm sao”.

Ngư dân “dài cổ” chờ đợi

Nhận được thông tin một số ngư dân của xã Xuân Hội sau nhiều vất vả và chi phí tốn kém để làm thủ tục vay vốn đóng tàu vỏ thép nhưng đến nay vẫn đang “dài cổ” chờ đợi. Phóng viên tạp chí NTM tìm về xã Xuân Hội (Huyện Nghi Xuân) để tìm hiểu nguyên nhân.

Xuân Hội được coi như đất mũi do là xã nằm ngoài cùng, tiếp giáp với biển và cửa sông Cửa Hội. Hôm nay đến Xuân Hội, thấy nơi đây đã thay đổi nhiều. Tại cảng, có nhiều tàu thuyền neo đậu, tấp nập kẻ ra người vào. Lân la hỏi chuyện về Nghị định 67, chúng tôi hiểu bên cạnh niềm vui, hi vọng của không ít ngư dân được hưởng lợi từ Nghị định 67 thì còn không ít ngư dân vẫn “thất thỏm” lo âu.

Theo tìm hiểu của phóng viên tạp chí NTM hiện Xuân Hội có 3 ngư dân chưa được hỗ trợ vay vốn từ Nghị định 67, dù họ đã ròng rã chờ đợi gần 7 tháng trời. Cụ thể đó là những ngư dân: Nguyễn Văn Hồng, Lê Văn Thắm, Trần Quốc Tuấn, cả ba hộ dân này đều nạp hồ sơ vay vốn ở ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Bắc Hà Tĩnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tiến Hưng – Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: “Hiện, Nghi Xuân có 9 ngư dân được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đủ điều kiện để vay vốn đóng mới tàu thép. Đến nay đã có 6 ngư dân được hỗ trợ vay vốn. Không những ngư dân mà phía lãnh đạo huyện cũng đang rất lo lắng cho 3 hộ dân chưa được ngân hàng Vietcombank phê duyệt cho vay. Ngay sau khi nhận được thông tin ngân hàng Vietcombank gửi công văn trả lời của Ngân hàng trong việc cho vay theo nghị 67 tạm dừng vì chưa tìm ra nguyên nhân cá chết tại khu vực biển Miền Trung, UBND huyện đã có công văn trình lên UBND tỉnh”.

Ông Hưng còn chia sẻ thêm, dù không muốn đem ra so sánh nhưng thực sự chúng tôi rất buồn, cùng thời điểm ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã nhanh chóng tiếp cận ngư dân, giải quyết vướng mắc để tạo điều kiện cho 6 ngư dân được vay vốn ,trong khi đó đã gần 7 tháng trôi qua ngay từ ngày đầu tiếp cận ngư dân đến nay ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Hà Tĩnh vẫn chưa có câu trả lời cho ngư dân. Điều buồn nhất là thời gian trả lời từ phía ngân hàng này quá lâu khiến cho ngư dân không kịp trở tay. Giá như họ trả lời sớm hơn để ngư dân còn có hướng chuyển sang ngân hàng khác sẽ tốt hơn.

Không chấp thuận cho vay vì….Formosa

Phải thừa nhận Nghị định 67 của Chính phủ đối với ngư dân là hết sức “đúng” và “trúng”, đáp ứng được nguyện vọng của ngư dân trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Anh Nguyễn Như Hòa (một ngư dân xã Xuân Hội) chia sẻ: “Được làm chủ trên những con tàu khang trang, vừa khai thác nguồn lợi thủy sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo anh em ngư dân ai cũng mong. Cũng buồn lắm, nghe tin anh em của mình mòn mỏi chờ đợi gần nửa năm với bao hi vọng, tiền bạc đổ vào giờ chưa biết được vay hay không. Đa phần anh em đều phải ra tận Nghệ An, Hải Phòng …để mua mẫu thiết kế chi phí lên tới 40 đến 50 triệu/ thiết kế chứ không phải ít đâu”.

Thay thế tàu có mã lực cao hơn, hiện đại hơn là nguyện vọng của ngư dân xã Xuân Hội

Mang những băn khoăn, lo lắng của ngư dân, chính quyền địa phương chúng tôi tìm đến ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam chi nhánh bắc Hà Tĩnh để tìm câu trả lời.

Trước đó, ngày 20/6 theo công văn số 388A/ VCB.BHT v/v trả lời của Ngân hàng trong việc cho vay theo Nghị Định 67 phía ngân hàng cho biết, nội dung chính ảnh hưởng đến việc phê duyệt dầu tư dự án là sự kiện cá biển chết hàng loạt tại các tỉnh Miền Trung chưa được cơ quan có thẩm quyền làm rõ nguyên nhân, ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng thủy sản của người dân và tính hiệu quả của ngư dân khai thác tại khu vực miền Trung”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Trường Hạnh – Giám đốc ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam chi nhánh Bắc Hà Tĩnh cho biết: “Sau sự cố cá chết ở các tỉnh miền Trung, phía ngân hàng đã tiến hành làm việc và thẩm định lại và thấy giá lượng khai thác và tiêu thụ thấp hơn 50 đến 70%, sự sụt giảm về sản lượng, giá cả hải sản như vậy ngân hàng nhận thấy không đủ điều kiện để cho ngư dân vay vốn”.

Như vậy, đến thời điểm hết ngày 18/9 khi phóng viên tạp chí NTM có mặt tại xã Xuân Hội, 3 ngư dân cùng chính quyền địa phương nơi đây vẫn chưa hết hi vọng sẽ được ngân hàng Vietcombank xem xét cho vay để đóng mới tàu. Ấy vậy mà, chúng tôi thật ngờ ngàng trước câu trả lời từ phía lãnh đạo ngân hàng từ chối cho vay vì ….Formosa.

Quỳnh Nga – Bùi Ánh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP