Tin Hà Tĩnh

Ngư dân Hà Tĩnh vào mùa sứa biển

Tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch hàng năm, ngư dân Hà Tĩnh lại rộn ràng chuẩn bị ngư cụ cho mùa đánh bắt sứa biển.

Sứa biển là loài nhuyễn thể được dùng làm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, bổ mát vào mùa hè. Thời điểm này được coi là chính vụ đánh bắt. Tuy giá trị không cao bằng các loại cá như cá chim, cá thu… nhưng sứa biển lại là loài dễ đánh bắt, ít rủi ro vì không phải ra khơi xa.

Mùa sứa thường bắt đầu từ độ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch, tháng Tư, khi mùa hè bắt đầu, những cơn mưa nhiều hơn kéo theo sấm chớp trên mặt biển, sứa có hiện tượng “teo” dần và chết. Năm nay, ngư dân cho hay, mùa sứa bắt đầu muộn hơn do thời tiết lạnh kéo dài.

Tạm gác lại những chuyến ra khơi dài ngày, thuyền của gia đình anh Nguyễn Văn Vệ (thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) chuyển sang đánh bắt ven bờ để săn sứa biển.

Ra khơi từ lúc tinh mơ đến khi trời sáng thì trở về, chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ, gia đình anh Vệ bắt được 16 con sứa. Không kể lớn hay bé, thương lái thu mua ngang giá 40.000 đồng/con.

Sứa biển vào mùa tuy dễ đánh bắt nhưng lại cực kỳ vất vả mới đưa sứa lên thuyền được bởi một con sứa to có thể nặng từ 50 - 60kg. Theo nhiều ngư dân, năm nay sứa tuy không được mùa nhưng lại được giá hơn mọi năm.

Anh Lê Doãn Khoa thôn Yên Điềm chia sẻ, nếu như những năm trước, mỗi lần quăng lưới có thể thu về từ 50 con sứa nhưng chuyến đi biển năm nay chỉ thu được được khoảng chục con. Sứa biển hiếm hơn nên giá cũng được đẩy lên cao hơn, từ 15.000 đồng/con lên 40.000 đồng/con.

Mặc dù giá trị thu mua không cao như các loại hải sản khác nhưng mỗi vụ nếu chăm chỉ ngư dân cũng thu về được hơn trăm triệu đồng.

Sau khi sứa cập bến, thương lái tiến hành thu mua và sơ chế ngay trên bờ biển. Người dân vùng biển Thịnh Lộc gọi mùa thu hoạch sứa biển là mùa hái "vàng trắng". Ngay trên bãi biển, từng con sứa to, nặng hàng chục ki lô gam bắt đầu được cắt ra thành từng tảng nhỏ, sau đó bà con dùng cát để làm sạch nhớt.

Vất vả nhất là công đoạn chà nhớt bởi nếu không chà sạch thì sứa đến tay người tiêu dùng sẽ không đảm bảo an toàn thực phẩm, nhiều người không quen khi chạm vào sứa cũng dễ bị gây ngứa. Sau công đoạn chà nhớt, sứa được đem xuống biển rửa sạch rồi được thương lái thu mua về.

Không chỉ mang lại nguồn lợi cho người đánh bắt, sứa biển còn tạo việc làm, đưa lại lợi nhuận cao cho đội ngũ thu mua, chế biến. Chị Lê Thị Phương (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) làm nghề thu mua sứa biển lâu năm cho biết, sau khi cắt sứa thành từng miếng nhỏ thì tiếp tục rửa sạch rồi mang về nhà sơ chế.

Sứa được ngâm trong hỗn hợp nước lá dung, lá sim và lá lấu. Ít nhất phải ngâm hai ngày, mỗi ngày đều phải thay nước một lần mới đảm bảo an toàn.

Không chỉ ngư dân ở vùng biển Lộc Hà mà nhiều nơi khác như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đều chung niềm vui được mùa sứa biển. Các sản phẩm chế biến từ sứa biển nay trở thành món ăn được nhiều người yêu thích.

Sứa biển Hà Tĩnh không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh mà còn được đóng gói xuất đi các nước lân cận như Trung Quốc, Lào, Thái Lan.

Cùng với việc khuyến khích ngư dân tranh thủ thời tiết để khai thác sứa biển, chính quyền các địa phương ven biển cũng phối hợp với ngành thuỷ sản Hà Tĩnh khuyến cáo ngư dân và cơ sở chế biến giữ gìn vệ sinh môi trường trong thu hoạch, chế biến, tránh gây ô nhiễm môi trường, nhất là đối với những bãi biển phục vụ khách du lịch./.

Tác giả: Hoàng Ngà

Nguồn tin: TTXVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP