Đền ơn - Đáp nghĩa

Nghi Xuân: Liệt sỹ Hoàng Thế Vinh và những dòng nhật ký

“… Trong những ngày như thế ta muốn nói hết những gì của tâm trạng lòng ta đối với người thân, người yêu hoặc bạn bè thân thích, khi đó biết bao nhiêu nỗi niềm, buồn vui lẫn lộn trong những tháng ngày chinh chiến xa cách quê hương. Bởi vậy từ nay, với quyển sổ nhỏ này, ta sẽ ghi lại những sắc nét đượm tình, những ngày tháng đáng nhớ, những kỉ niệm êm đềm của cuộc chiến chinh phong trần, với bao nhiêu niềm yêu thích hay cay đắng ngọt bùi”.

hatinh24h hatinh24h 01

Đó là lời giới thiệu trong quyển nhật kí khá đặc biệt của một chiến sĩ mãi mãi ở tuổi thanh xuân. Ông là liệt sỹ Hoàng Thế Vinh , sinh  ngày 2/10/1955, quê ở xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Học hết lớp 7 (tương đương tốt nghiệp THCS bây giờ), ông đã vào Nam chiến đấu, nghe theo tiếng gọi non sông, cất bước ra đi. Sau khi góp phần chiến thắng vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, ông  tiếp tục lên đường đi chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Đến ngày 4 /11/1977  Hoàng Thế Vinh đã ngã xuống tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Thuộc đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4. Chức vụ Tiểu đội trưởng. Lúc ông hi sinh vừa tròn 22 tuổi.

Những lời nói đầu trong quyển Nhật ký của Liệt sỹ Hoàng Thế Vinh

Năm 1978, gia đình  nhận được giấy báo tử của ông. Như bất kì ai có con cháu hi sinh khác, ông bà, cha mẹ và anh chị em của ông đau khổ biết chừng nào. Một người con trai cả với bao nhiêu hi vọng được mọi người mong ngóng, chờ đợi. Bà Hoàng Thị Bình, chị gái của liệt sĩ kể lại: “Hoàng Thế Vinh không những là người thông minh mà còn rất khôi ngô, lại có nhiều tài lẻ như thổi sáo rất giỏi, hát rất hay. Mỗi lần nhắc đến ông, mọi người trong gia đình và hàng xóm láng giềng vẫn nhắc đến các tài lẻ ấy. Cho nên ông  được rất nhiều cô gái thời đó yêu say đắm. Hơn nữa ông Vinh khi ở nhà đang ít tuổi nhưng suy nghĩ rất chín chắn, nói chuyện có duyên, trong hành xử thì luôn có trước có sau nên rất được mọi người yêu quí. Sau này ông đi chiến đấu là người có tài bắn súng rất giỏi. Đồng đội, đồng chí cùng đi chiến đấu với liệt sỹ Hoàng Thế Vinh kể rằng ông bắn súng chỉ thua Trung đoàn phó mà thôi. Điều đó cũng được ghi trong quyển nhật kí và qua mấy lá thư viết cho em trai là ông Hoàng Xuân Quang”.

Những bức thư gửi về người thân của liệt sỹ Hoàng Thế Vinh

Trên tay tôi là quyển nhật kí rất dày. Nửa trước được liệt sĩ ghi những chặng đường, nơi ông và đồng đội đã đi qua. Là nỗi nhớ khôn nguôi về người vợ chưa cưới, về gia đình, làng xóm, về những gì thân thuộc, nơi có tuổi thơ cùng bạn bè chơi trong đêm trăng thanh gió mát cùng nhau ra biển ngắm trăng:

Hai mươi tháng chạp xa rồi
Bồi hồi khi phải xa rời quê hương
Nghi Xuân  – mang nặng tình thương
Nuôi ta từ thủa ấu đường bé thơ
Đêm qua trong giấc mộng mơ
Thấy mình về lúc ban trưa –  quê nhà…
(Xa đất mẹ – Hà Tĩnh)

Nhớ ngày chuyên nghiệp nắng mưa
Đông Lầu, Đồng Quốc ta chưa phai lòng
Đêm nào ngọn gió Nam đưa
Thỏa tình bãi cát trăng vừa mọc lên
Rồi ngày song phượng sao quên
Ngày vui đất khách – như “tiên giáng trần”
(Nhớ về quá khứ)

Đây là nỗi nhớ khôn nguôi khi xa cách người yêu, xa những kỉ niệm đẹp đẽ giữa hai người. Giây phút cùng  tâm sự, cùng đi dạo dưới ánh trăng, tất cả như ùa về trong tim của người chiến sĩ, làm cho người lính chiến càng nhớ da diết:

Ôi, nhớ những đêm trường tâm sự
Trái tim non trào ứ niềm thương
Giờ đây xa cách đôi đường
Lòng xao xuyến nhẹ nhớ thương u sầu
(Tình không quên)

Bên cạnh đó, những vần thơ ứa lệ được ông thể hiện khi người bạn tri kỷ của mình hi sinh trong trận đánh ở Xuân Lộc:

Hồng ơi sao đến nỗi này
Âm dương cách biệt mẹ thầy sầu thương
Từ nay chia cắt đôi đường
Tau đâu còn thấy đoạn trường khi xưa
Hôm qua đang lúc ban trưa
Mi còn ôm súng say sưa diệt thù
Xông pha khói lửa mịt mù
Trên đường chiến thắng quân thù đồ vây
Nào ngờ khi đã về đây
Bỗng nghe mi chết phút giây bàng hoàng
Trời ơi sao nỡ phụ phàng
Trái tim non trẻ sỗ sàng lắm sao…
(Khóc Dương Thanh Hồng)

Điều đó cũng được ông ghi lại bằng những tâm tư đầy xúc động:“…vừa xắn ống quần lên vuốt một cái là bầy nhầy những sên. Gớm quá! Càng ngồi nó lại đến càng đông. Sên chui vào cả cổ, cả lưng. Sên bò lên mặt nghe buồn buồn. Ban đầu thì cố sức mà bắt, nhưng sau vì mệt quá thì kệ nó. Cho chúng mày cắn tự do. Lúc hành quân không có thì giờ đứng lại mà bắt vì hễ hở ba lô của người đi trước thì y như lạc còn khi nghỉ được 10 phút thì không sức nào mà bắt cho lại nó. Bắt được chân này thì chân kia chúng đã bu lại như đỉa đói. Nhiều quá. Sên bò rào rào trên lá khô, bắn lách tách trên cành lá. Thật là một đêm đầy kinh khủng hãi hùng”. Còn đây là cảm xúc khi ông và đồng đội chiến đấu, giáp mặt kẻ thù: “Xung quanh tôi lại thêm rất nhiều đồng đội hi sinh. Có người bị pháo hất tung lên 5, 6m, có người bị mảnh pháo cắt gọn đôi chân. Lòng căm thù trào dâng cao độ. Tôi bất chấp súng đạn địch cứ tiến, không còn nghĩ đến chết là gì nữa. Tôi xem nó là một việc hết sức bình thường. Nó có thể đến bất cứ lúc nào đối với người lính. Tôi đang ngắm bắn vào cái lô cốt trước mặt thì bỗng như có ai bưng đất đổ lên người kèm theo một tiếng nổ chói tai. Tôi ngoái cổ lại thì một hố pháo đã khoét sâu phía sau chân tôi không đầy 2m. Lại một người tôi không rõ là ai gục bên miệng hố…”.

Mặt sau của nhật kí, ông  ghi lại những trang văn, bài thơ, bài hát, những câu nói nổi tiếng trong nước và thế giới…

Điều nổi bật trên những trang nhật kí và trong các lá thư gửi cho em trai, liệt sỹ Hoàng Thế Vinh  luôn hướng về quê hương, hướng về làng Cổ Đạm , cái nôi của làn điệu Ca trù, nơi ông cất tiếng khóc chào đời với niềm hân hoan của dòng tộc, của ông bà, cha mẹ; nơi có những câu Kiều thân thuộc  mà ông đã nhắc đến trong nhật kí, nơi Uy Viễn tướng công một thời ngang dọc với đời. “Nhớ khi sớm sớm, chiều chiều/ Trên quê vang vọng giọng Kiều của ai/ Nhớ sao những buổi ban mai/ Ấm lòng con, mẹ ủ khoai quê nhà.” Những lần hành quân luôn mệt mỏi nhưng người con yêu nước, yêu quê ấy vẫn luôn hướng về quê, nghĩ và nhớ về quê: “Vẫn tiếp tục hành quân trong rừng, vùng này tôi chẳng rõ là đâu, chỉ biết cỏ cây hoa lá bạt ngàn. Thỉnh thoảng lại đi tắt qua một cánh đồng đang gặt dở. Mùi thơm của ruộng lúa bốc lên làm cho tôi nhớ nhà da diết. Ôi cũng những cánh đồng, con mương và mái nhà tranh quen thuộc, cũng những đàn chim đi nhặt thóc vương… nhanh thật. Mới đó mà đã một vụ lúa qua rồi”. Niềm nhớ thương đau đáu ấy ngày càng được ông bộc lộ rõ theo năm tháng. Nhất là sau khi ông gần như tin tưởng là tết năm 1977 sẽ được về phép thăm gia đình thì lại phải lên đường đi chiến đấu lần hai.  Liệt sỹ Hoàng Thế Vinh  yêu quê, nặng tình với quê, với gia đình. Chàng thanh niên mới mười chín, hai mươi tuổi mà  thâm trầm, sâu sắc. Lúc nào cũng lo cho cha mẹ, lo cho các em và mọi người ở quê  đói rét. “ Em thấy đấy. Quê ta chưa có bao giờ đói như mấy năm nay. Một cái đói rất khủng khiếp mà chắc rằng mùa sau vẫn còn đói hơn nữa vì lúa bị chết hết. Hơn nữa sức cha nay có hạn em ạ. Chắc ở nhà những năm tháng đói, khổ, túng nghèo sức lực của cha mẹ ta lại càng hao hụt đi hơn nữa”. Liệt sỹ Hoàng Thế Vinh dặn em trai rằng khi ông đi chiến đấu ở biên giới không được nói với gia đình biết mà nên ghi thư về động viên cha mẹ thường xuyên. Những lời hỏi thăm, chỉ bảo, an ủi, động viên mỗi lúc em trai  gặp khó khăn trên chặng đường vừa nhập ngũ,  những lời tâm sự của ông Vinh giống như lời của người cha với con trai mình vậy. “Ước mơ và lí tưởng của người ta cũng khác nhau, và rồi làm gì thì làm, đứng ở cương vị nào thì đứng nhưng mục đích cuối cùng vẫn là phục vụ Tổ quốc phải không em? Đành rằng ở mỗi cương vị có tầm quan trọng và sướng khổ khác nhau nhưng hoàn cảnh thế nào thì ta phải xoay xở lấy hoàn cảnh đó. Và cuối cùng ước mơ nó cũng có thể trở thành hiện thực đối với những người có nghị lực và quyết tâm…”. Thật xúc động vô cùng khi nghĩ về người chiến sĩ, liệt sĩ ấy: Đẹp trai, tài giỏi, sống có tình có nghĩa, yêu quê, thương quê, gắn bó với quê và gia đình như vậy và đến nay  hơn 40 năm rồi, ngày 10/3/2015 vừa qua, liệt sỹ Hoàng Thế Vinh  mới được trở về quê mẹ và an táng tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.


Chân dung liệt sỹ Hoàng Thế Vinh

Liệt sỹ Hoàng Thế Vinh đã hi sinh vì Tổ quốc, vì thế hệ trẻ chúng ta. Ngày nay, đất nước đang đổi mới. Chúng ta không còn cảnh sống lầm than, gian khổ nữa. Cho nên, đọc những dòng nhật kí này, tôi và không ít bạn trẻ không khỏi giật mình bởi nhiều lúc mình cảm thấy chán nản trước những khó khăn trong cuộc sống. Đôi khi vất vả trong cuộc hành trình mưu sinh ta gần như có suy nghĩ tiêu cực, chán nản, buông xuôi, nhưng khi được đọc những dòng nhật kí này, một sức mạnh vô hình nâng bước tôi đi. Lòng tự hào về quá khứ của cha ông, niềm tự tin để mình cất bước trên những chặng đường mới. Đó là nhờ vào linh hồn bất tử mà  liệt sĩ Hoàng Thế Vinh đã thắp lửa. Những dòng chữ ấy được liệt sỹ viết ra bằng tất cả tâm huyết, vượt những khó khăn, gian khổ trên chặng đường hành quân và nó được trộn lẫn với mồ hôi, nước mắt, máu, tuổi thanh xuân và chính mạng sống của mình.

Bích Hồng – Minh Hà/ Trí Việt 24h

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP