Bị can Ngân được đưa về trại tạm giam (ảnh minh hoạ)
Ông Hoàng Hiệu, thôn trưởng thôn 7 và một số người đại diện cho người dân các thôn 3,4,5,6,7 xã Cổ Đạm gửi đơn đến các cấp các ngành kiến nghị về việc hàng chục héc ta lúa của họ bị thiệt hại do kiểu làm ăn tắc trách của doanh nghiệp và UBND huyện Nghi Xuân.
Ai cho doanh nghiệp mở đường hại dân?
Cánh đồng của bà con các thôn nói trên là đất một vụ lúa, cho năng suất cao. Giữa cánh đồng có rào Mỹ Dương là tuyến thoát nước tiêu úng cho nhiều xã. Vụ Đông Xuân 2010 – 2011, bỗng nhiên một con đường ngăn dòng chảy rào Mỹ Dương được đắp lên để doanh nghiệp Thanh Thành Đạt và một doanh nghiệp khai thác đá khác vận chuyển vật liệu. Khi mưa nhiều, nước dâng cao nhấn chìm cả cánh đồng trong biển nước. UBND huyện Nghi Xuân đã chỉ đạo cho phá đập Cầu Đồng Trá để cứu lúa. Tuy nhiên, do rào Mỹ Dương đã bị ngăn cản nên nước chảy chậm, gây ngập úng, phá hủy của bà con 25 ha lúa. Việc này khiến cho cuộc sống của hàng trăm hộ nông dân Cổ Đạm lâm vào khó khăn.
Trước đây, khi doanh nghiệp mới đắp đường, họ có lắp 3 ống cống nhỏ, tác dụng thoát nước rất kém. Sau sự cố gây ngập úng ruộng của dân, doanh nghiệp mới làm 3 ống cống lớn hơn và một đoạn cầu ngắn. Tuy nhiên, theo nhiều người dân và ông Nguyễn Thái Tứ, Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm thì tuyến đường nói trên vẫn là một chướng ngại vật ngăn cản dòng nước tiêu úng, do nâng chiều cao lòng mương lên khoảng 50 cm.Trước sự phản đối quyết liệt của bà con, nhưng thay vì yêu cầu công ty phải phá bỏ hay chuyển con đường “chết người” này sang một vị trí khác thì ông Nguyễn Hiền Lương, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân lại huy động máy xúc một khoảng trên đường do doanh nghiệp đắp để khơi rào Mỹ Dương.
Trong vụ Đông – Xuân năm 2010-2011, hàng chục ha lúa của người dân đã bị mắt trắng vì ngập trong nước. Ông Hoàng Hiệu cho biết: “Do quá bức xúc trước sự thiếu kiên quyết của UBND huyện, người dân xã Cổ Đạm đã góp tiền thuê người đến quay phim ghi lại cảnh ngập úng này để gửi các cơ quan chức năng” (ảnh do người dân cung cấp)
Tuy nhiên, theo người dân thì hành động này của vị chủ tịch huyện chẳng khác nào “muối bỏ biển” vì hàng chục ha lúa của nhân dân vẫn bị nhấn chìm trong nước. Trong đơn kêu cứu gửi các cấp của người dân xã Cổ Đạm có đoạn viết: “Trước những việc làm sai trái của doanh nghiệp để trục lợi và sự thiếu kiên quyết của UBND huyện đã gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với hàng trăm hộ dân và hàng ngàn nhân khẩu. Tập thể nhân dân chúng tôi vô cùng bức xúc và thất vọng…”
Sự im lặng “khó hiểu”!
Sau khi bị mất trắng do mưa lũ và cả do “nhân tai”, người dân các thôn 3,4,5,6,7 xã Cổ Đạm đã gửi đơn thư, kiến nghị tới các cấp chính quyền từ xã lên tỉnh, song đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức.
Ông Nguyễn Thái Tứ – Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm: “Theo tôi, sau khi nhiều ha lúa của dân bị ngập, huyện nên có phương án hỗ trợ 50% thiệt hại cho người dân”
Ngày 14/3/2011, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân có công văn chỉ đạo trưởng phòng Kinh tế hạ tầng và phòng Nông nghiệp và PTNT kiểm tra làm rõ, tham mưu cho UBND huyện để trả lời công dân và báo cáo Thường trực tiếp công dân tỉnh về sự việc nói trên trước ngày 10/4/2011.Thế nhưng cho đến tháng 9/2011, sau gần nửa năm trôi qua, người dân Cổ Đạm vẫn đang “dài cổ” chờ văn bản trả lời của UBND huyện Nghi Xuân. Ông Nguyễn Thái Tứ, Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm cho biết sự việc người dân phản ánh là đúng sự thật. Ông Tứ cho rằng việc doanh nghiệp đắp đường chở vật liệu đã ngăn cản dòng chảy rào Mỹ Dương, góp phần gây ra ngập úng làm cho hàng chục ha lúa bị mất trắng. Theo ông, đúng ra, trước sự việc người dân bị thiệt hại như vậy, huyện Nghi Xuân nên có phương án hỗ trợ cho bà con, có thể ở mức 50% sản lượng thu được. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía UBND huyện.
Chúng tôi tiếp tục thông tin về sự việc này
Quang Đại – Hà Vy/Tầm Nhìn