Theo đó, trong đề thi khảo sát chất lượng học kì II vừa qua dành cho học sinh khối 12 của Trường THPT chuyên Hưng Yên, tại phần Đọc - hiểu đã đề cập đến quá khứ vô cùng vất vả nhưng có sức mạnh lay động người hâm mộ của thủ môn Bùi Tiến Dũng - người hùng đang được nhắc đến nhiều nhất hiện nay.
Bùi Tiến Dũng đã có một tuổi thơ vô cùng khó nhọc, đã có lúc vì nhà quá nghèo, mà ước mơ bóng đá tưởng như buộc phải gác lại, nhường chỗ cho xi măng, gạch vữa và những buổi cuốc mướn làm thuê… Thế nhưng, vì may mắn và vì nghị lực vượt khó, vượt khổ, Bùi Tiến Dũng đã vượt qua nghịch cảnh như một giấc mơ.
“Câu chuyện cổ tích dành cho U23 Việt Nam hết qua chương hào hùng này lại tới chương lẫy lừng khác. Chiến thắng sau loạt luân lưu nghẹt thở trước U23 Qatar đưa niềm tự hào của Đông Nam Á vào tới trận chung kết châu lục. Và với riêng Bùi Tiến Dũng, hai lần thành người hùng sau những màn đấu súng trước Iraq và Qatar như một sự chiều lòng của số phận, sau quá khứ cơ cực, khó khăn và nhiều nước mắt.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng của U23 Việt Nam và câu chuyện về quá khứ lay động người hâm mộ. |
Làng Bào, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa là nơi Tiến Dũng cùng em trai Tiến Dụng sinh ra và lớn lên. Tiến Dũng là con thứ hai trong gia đình 3 chị em dân tộc Mường. Nhà Dũng nghèo. Bố mẹ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tuổi thơ em gắn với bờ tre, gốc rạ, với những củ sắn, củ khoai trở thành bữa ăn quen thuộc từng ngày, từng tháng….
Mâm cơm của những chàng trai đang tuổi ăn, tuổi lớn chỉ độc một đĩa thịt lợn mỡ và chút ít canh, rau cho đủ bữa qua ngày. Tiến Dũng cùng những đồng đội thuở ấy phải chia nhau từng muôi cơm, miếng thịt. Những buổi sáng đi học văn hoá, anh chỉ có nắm xôi tí hon ăn cho đỡ nóng ruột. Thậm chí có hôm, Dũng phải bấm chặt bụng nhịn đói. Bóng đá trở lại với Tiến Dũng chẳng dễ dàng. Nhưng anh chẳng bao giờ trách rằng mình cơ cực đến vậy. Với Tiến Dũng, được đá bóng đã là điều may mắn, được ăn thịt, dù là thịt mỡ cũng là niềm hạnh phúc vô bờ bến”, trích đoạn đề thi.
Theo cô Nguyễn Thị Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hưng Yên, tác giả của đề thi này là thầy Tiết Tuấn Anh, một trong những giáo viên giỏi ở tổ Ngữ Văn của trường.
“Thầy Tuấn Anh ra đề thi này vì lòng cảm phục của mình với thủ thành của đội tuyển U23 Việt Nam và vì tình yêu với bóng đá”, cô Thúy nói.
Trao đổi với PV Dân trí sáng 8/2, thầy Tuấn Anh chia sẻ, đề thi được thầy thực hiện để đưa vào kì thi khảo sát học kì II dành cho học sinh khối 12 của trường vào ngày 2/2 vừa qua. Từ đoạn trích trên, tác giả đề thi đã mổ xẻ nhiều câu hỏi, sao cho đảm bảo tính khoa học nhưng khách quan và kiểm tra, đánh giá được năng lực học sinh.
“Nhiều người nhận xét, câu chuyện về U23 như một kì tích, một cơn địa chấn và bước ngoặt lớn trong lịch sử bóng đá của nước nhà.
Tuy nhiên tôi nghĩ sự kiện này không chỉ có ý nghĩa về mặt bóng đá mà còn là yếu tố giúp con người Việt Nam khơi gợi dậy về lòng yêu nước và tinh thần dân tộc bởi trái tim mọi người như cùng chung nhịp đập. Tất cả mọi người đều hướng về đội bóng và ở đây, đội bóng đại diện cho đất nước”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.
Đề thi có hình ảnh Bùi Tiến Dũng của Trường THPT chuyên Hưng Yên |
Cũng theo tác giả đề thi, thành tích của U23 Việt Nam còn lớn hơn cả bóng đá, đó là kết nối những trái tim đất Việt.
Riêng với thủ môn Bùi Tiến Dũng, sở dĩ thầy lấy nguồn cảm hứng từ thủ thành để đưa vào đề thi bởi ngoài tài năng, điều khiến anh cảm động nhất là nhân cách, vẻ đẹp tâm hồn của cầu thủ này. Tiến Dũng hội tụ nhiều phẩm chất tốt đẹp khiến mọi người- nhất là giới trẻ, có thể coi đây là tấm gương để học tập.
“Đặc biệt trong bối cảnh nhiều em đang xa rời quỹ đạo của đạo đức như hiện nay, rất cần những tấm gương như thế này để học tập, không chỉ về tài năng mà còn nhân cách, đạo đức.
Hào quang của Bùi Tiến Dũng chỉ một phần nhưng muốn được mọi người trân trọng, bên cạnh tài năng cần phải có đạo đức. Đó là sự hiếu thảo, ý chí nghị lực phi thường, khiêm tốn, cần cù, chịu khó học hỏi để luôn cố gắng vươn lên để tỏa sáng như Dũng”, thầy Tuấn Anh cho biết.
Cũng theo tác giả đề thi, hiện tại các bài thi đang được giáo viên chấm, điểm thi có tính phân hóa tốt. Thầy chia sẻ: “Khi nhận đề, nhiều học sinh khá thích thú bởi đây là vấn đề thời sự, bắt mạch được sự kiện vừa diễn ra và có tầm lan tỏa rất lớn. Nhiều người chỉ nghĩ đến việc tung hô các cầu thủ qua ánh hào quang nhưng tôi nghĩ cái chính là khai thác được những gì đọng lại để xây dựng tâm hồn con người sao cho bên cạnh yếu tố vật chất, vẫn có những điều tốt đẹp hơn về mặt tâm hồn”.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí