Xã hội

Nghệ An: “Rừng bị phá trơ trọi, kiểm lâm mới biết”

“Dù đã ban hành các văn bản chỉ đạo nhưng tại sao nhiều diện tích rừng vẫn bị phá trơ trọi? Có phải chúng ta làm ngơ?”, đại biểu HĐND huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hùng băn khoăn.

Phải chăng chúng ta làm ngơ?

Chiều 19/12, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu thừa nhận, năm 2017, tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 730 vụ vi phạm lâm luật, lâm sản, tổng thu nộp ngân sách hơn 11 tỷ đồng.

Đại biểu chất vấn vì sao rừng bị "chảy máu" rồi kiểm lâm mới biết.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số địa phương ở Nghệ An vẫn để xảy ra việc khai thác gỗ trái phép tại các khu rừng tự nhiên giàu tài nguyên, khu vực biên giới Việt Nam - Lào như ở huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Và tình trạng chặt phá rừng tự nhiên đối với diện tích đã giao, diện tích do UBND xã quản lý là rừng nghèo, rừng phục hồi để lấy đất trồng rừng nguyên liệu ở huyện: Quỳ Hợp, Thanh Chương, Tân Kỳ...

Trước thực trạng này, ông Hoàng Nghĩa Hùng, đại biểu HĐND huyện Nam Đàn chất vấn: "Tỉnh Nghệ An đã ban hành rất nhiều văn bản nhưng tại sao nhiều diện tích rừng vẫn bị chặt phá? Đặc biệt, khi kiểm lâm địa bàn phát hiện thì nhiều diện tích rừng đã bị phá trơ trọi. Phải chăng chúng ta làm ngơ, trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu?”.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu thừa nhận trách nhiệm của ngành khi để xảy ra phá rừng.

Về câu hỏi trên, Giám đốc sở NN&PTNT Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu nhận trách nhiệm ngành kiểm lâm đã xử lý chậm hoặc khi xử lý thì rừng đã bị chặt phá. Tuy nhiên, với việc trả lời chưa rõ, đại biểu HĐND Hoàng Lân chất vấn: Giám đốc sở thừa nhận có việc rừng ở vùng biên bị đốn hạ, nhưng đề nghị làm rõ đối tượng chặt phá và chủ rừng là ai?

“Trong số 14 vụ chặt phá rừng phải xử lý hình sự thì vụ lớn nhất xảy ra tại huyện Tương Dương với 189 cây gỗ bị đốn hạ. Đối tượng phá rừng chủ yếu là người dân. Ngoài ra, một số cán bộ địa phương cấp xã cũng có tham gia phá rừng”, ông Hoàng Nghĩa Hiếu trả lời.

Lý giải lý do rừng bị “chảy máu”, theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu thì một trong những nguyên nhân khách quan là lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng chưa được đảm bảo số lượng theo quy định và nguồn lực đầu tư cho công tác phát triển, bảo vệ rừng ngày càng giảm.

4 tổ chức quản lý nhưng rừng vẫn bị… “cạo trọc”

Sau phần trả lời chất vấn của Giám đốc sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu, ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, qua điều tra các vụ án chúng tôi thấy, quy định của pháp luật vô cùng chặt chẽ.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói, nếu không xử lý nghiêm thì sẽ không lập lại được trật tự bảo vệ rừng.

Theo đó, pháp luật quy định để bảo vệ rừng gồm có 4 đối tượng chủ thể: Chủ rừng (ban quản lý các rừng phòng hộ), kiểm lâm địa bàn, chủ tịch UBND các xã nơi có rừng và bộ đội biên phòng ở khu vực có rừng. Như vậy, 4 lực lượng này đều tham gia bảo vệ rừng. Và theo các quy định, ở xã hàng năm phải có trách nhiệm lên chương trình kế hoạch để bảo vệ, kiểm lâm địa bàn phải có mặt từ 15 - 25 ngày ở rừng và hàng tháng có báo cáo về cho chi cục trưởng kiểm lâm… Tuy nhiên, qua điều tra, tất cả các việc trên hầu như không làm được.

“Chúng ta nói kiểm lâm thiếu, tôi cho rằng đó là thực tế nhưng nếu kiểm lâm địa bàn huy động, xây dựng được các đội dân phòng tuần tra, kiểm soát ở địa bàn do UBND các xã thành lập thì chúng ta vẫn có thể bảo vệ rừng được một cách bình thường. Thiếu người là điều kiện khách quan nhưng nếu làm hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật thì tôi cho rằng, vấn đề hủy hoại rừng sẽ được giảm xuống rất nhiều”, đại tá Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.

Nếu các tổ chức không vào cuộc quyết liệt thì rừng sẽ tiếp tục bị chặt phá.

Bởi vậy, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho rằng: “Nếu chúng ta không xử lý nghiêm thì sẽ không lập lại được trật tự bảo vệ rừng. Theo đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cần xâu chuỗi 4 đơn vị có trách nhiệm bảo vệ rừng lại nhằm thống nhất một quy chế phối hợp hành động, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các lực lượng tại chỗ để chúng ta bảo vệ rừng. Nếu chủ rừng, chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn và biên phòng không vào cuộc quyết liệt thì rừng của chúng ta sẽ tiếp tục còn bị chặt phá”.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cũng thông tin, trong năm 2017, Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện 170 vụ phá rừng với 170 đối tượng tham gia. Trong đó có 17 vụ có dấu hiệu tội phạm, nghĩa là có tính chất nghiêm trọng cần phải xử lý hình sự; xảy ra ở 6 huyện: Kỳ Sơn 4 vụ, Quế Phong 4 vụ, Quỳ Châu 4 vụ, Tân Kỳ 2 vụ, Tương Dương 2 vụ và Hoàng Mai 1 vụ. Hiện nay, công an đã khởi tố 14 vụ với 39 đối tượng.

Thời gian tới, ngoài tiếp tục điều tra làm rõ các trách nhiệm của chủ rừng, kiểm lâm địa bàn, thì Công an tỉnh Nghệ An cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND các xã, bộ đội biên phòng và lực lượng có liên quan đến công tác bảo vệ rừng.

Tác giả: Trọng Đức

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: Kiểm lâm , phá rừng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP