Tin láng giềng

Nghệ An: Huyện “lôi” đất hương hoả của gia đình chính sách ra bán?

Giải quyết đơn thư của công dân, UBND huyện Nam Đàn (Nghệ An) làm nửa vời, phủ nhận quyền thừa kế đất hương hỏa của gia đình chính sách có 3 người tham gia kháng chiến, một thương binh, một bệnh binh.

Giải quyết nửa vời…Ông Hồ Đức Bình, 75 tuổi, bệnh binh 2/3, trú tại xóm 9 Khánh Sơn 1, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn phản ánh: cha của ông là ông Hồ Liên (có tên khác là Thừa Liên, đã mất) trước đây có mảnh vườn diện tích 270 m2 được phản ánh trong bản đồ 299 thuộc thửa đất số 105 tờ bản đồ số 2 trên địa bàn xóm 9 xã Khánh Sơn. Mảnh đất đó trước đây của ông Hồ Liên sử dụng từ lâu đời (trước năm 1946), sau gia đình đào lấy đất biến thành ao cạn nên bà con gọi là “ao ông Thừa Liên”. Trong khoảng 10 năm (1979 – 1989), gia đình ông Hồ Cần (anh trai của ông Hồ Đức Bình) có trồng rau muống trên mảnh đất đó. Năm 2009, UBND xã Khánh Sơn đã tự ý bán mảnh đất nói trên cho ông Hồ Đình Mậu là hộ liền kề mảnh đất “ao ông Thừa Liên” với số tiền hơn 4 triệu đồng. Ông Hồ Đình Mậu tự ý đắp đất, xây tường bao xung quanh và trồng cây trên mảnh đất lấn chiếm trái phép. Sở dĩ có chuyện này bởi vì ông Hồ Đình Mậu là anh rể của ông Nguyễn Trọng Hiển, cán bộ địa chính xã Khánh Sơn.


Thông báo 1082 ngày 29/8/2011 của UBND huyện Nam Đàn nêu hướng xử li đất hương hoả nhà ông Bình: “Lập qui hoạch, tổ chức đấu giá đất theo đúng qui định hiện hành”.Ông Hồ Đức Bình tố cáo, UBND huyện Nam Đàn đã buộc UBND xã Khánh Sơn phải hủy bỏ việc bán đất trái thẩm quyền, trả lại tiền cho ông Hồ Đình Mậu và kỉ luật Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã Khánh Sơn. Kết quả thanh tra cho thấy mảnh đất “ao ông Thừa Liên” chỉ còn lại 157 m2. Ông Hồ Đức Bình cho rằng ông Hồ Đình Mậu đã lấn chiếm đất của gia đình ông, tăng diện tích có trong bản đồ 299 từ 166 m2 lên 244 m2. UBND huyện Nam Đàn xác nhận việc cấp sổ đỏ tăng diện tích cho ông Hồ Đình Mậu là trái qui định, nhưng lại giải thích là do việc đo đạc làm bản đồ 299 không chính xác và do nhận thức của người dân và cán bộ còn hạn chế (!?). Về mảnh đất “ao ông Thừa Liên”, UBND huyện Nam Đàn giao cho UBND xã Khánh Sơn quản lí và tổ chức bán đấu giá. Với quyết định đó, UBND huyện Nam Đàn đã phủ nhận quyền thừa kế mảnh đất cha ông để lại của ông Hồ Đức Bình, biến mảnh đất vốn thuộc quyền sở hữu của dân thành đất vô chủ. Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có quyết định thu hồi đất đối với mảnh đất “ao ông Thừa Liên”. Ông Hồ Đình Trung, 90 tuổi, trú tại xóm 9 xã Khánh Sơn nói: “Tôi và bà con ở đây đều xác nhận mảnh đất đó là đất hương hỏa của gia đình ông Bình, việc huyện Nam Đàn không trả lại cho ông là vô lí”. Nhiều người dân trong xóm và nguyên là cán bộ xóm, xã thời kì trước đây đều có ý kiến tương tự.Ông Đặng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn nêu quan điểm: “Đất của xã Khánh Sơn đang rất nhiều, nếu huyện đồng ý thì chúng tôi sẵn sàng trả lại cho ông Bình”. Ông Phan Văn Cảnh, nguyên chuyên viên Phòng TNMT huyện Nam Đàn công nhận việc làm sổ đỏ trước đây cho ông Hồ Đình Mậu, nâng diện tích khống so với bản đồ, là sai. Ông Cảnh cũng thừa nhận cho đến nay, chưa có quyết định thu hồi đất đối với mảnh đất “ao ông Thừa Liên”, nhưng không thể trả lại mảnh đất đó cho ông Bình. Bởi vì mảnh đất đó đã thuộc quyền quản lí của UBND xã Khánh Sơn. Huyện uỷ Nam Đàn, trong văn bản số 668 TB/HU ngày 16/4/2012 cũng cho rằng việc giải quyết của UBND huyện Nam Đàn là đúng, không thể trả lại đất cho gia đình ông Bình vì mảnh đất đó đã được “công hữu hoá”!Huyện “truất” quyền thừa kế của gia đình chính sách? Đối chiếu với các văn bản pháp luật về đất đai hiện hành, mảnh đất “ao ông Thừa Liên” không thuộc trường hợp qui định tại Điều 10, Luật Đất đai 2003 (đất đã giao cho người khác sử dụng) và Điều 4, Nghị định 181 (bị tịch thu, thu hồi, đã giao cho người khác, tự nguyện góp vào HTX…), nên ông Bình và gia đình vẫn có quyền thừa kế. Mảnh đất đó trước đây là của cha ông Hồ Đức Bình, theo Luật Dân sự (điều 676, 677, 733, 734), ông Bình và con cháu ông Hồ Liên có quyền thừa kế quyền sử dụng đất. Khoản 4, Điều 49 Luật Đất đai 2003 nêu “những trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ): “Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất;”. Như vậy, việc cấp GCNQSDĐ cho ông Bình đối với mảnh đất “ao ông Thừa Liên” là đúng qui định của pháp luật. Giải thích của huyện uỷ Nam Đàn về việc mảnh đất nói trên đã được “công hữu hoá” là không có cơ sở pháp lí. Trong quá trình giải quyết vụ việc, đối với đối tượng tự ý đắp đất, xây bờ rào, trồng cây cối (ông Mậu) thì UBND huyện Nam Đàn đã ưu ái không tiến hành cưỡng chế chấm dứt việc lấn chiếm, sử dụng đất trái thẩm quyền. Trong khi đó, đối với ông Hồ Đức Bình, UBND huyện Nam Đàn lại từ chối quyền thừa kế đất đai mà pháp luật đã qui định. Trong Thông báo 1082 ngày 29/8/2011 của UBND huyện Nam Đàn nêu hướng xử lí mảnh đất ông Bình đang khiếu kiện: “Lập qui hoạch, tổ chức đấu giá đất theo đúng qui định hiện hành”. Như vậy, huyện Nam Đàn đã đưa mảnh đất hương hoả đúng ra thuộc quyền thừa kế của đối tượng chính sách…đem bán.(!?)Các con ông Thừa Liên là gia đình chính sách (3 trong số 4 anh em của ông Bình đều tham gia kháng chiến, trong đó có 1 người là thương binh, 1 bệnh binh). Một điều đáng chú ý nữa là cho đến nay, qua nhiều năm và có nhiều đơn của công dân, công văn đôn đốc của tỉnh, nhưng UBND huyện Nam Đàn vẫn chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của ông Hồ Đức Bình. Đây là hành vi vi phạm Luật Khiếu nại tố cáo, dẫn đến hệ luỵ là ông Hồ Đức Bình muốn khiếu nại lên cấp cao hơn cũng đành bó tay. Sự việc cho thấy sai phạm trong lĩnh vực đất đai vẫn còn nghiêm trọng và một trong những nguyên nhân khiến tình hình thêm phức tạp là cách giải quyết nửa vời, áp đặt thiếu thuyết phục của các cơ quan công quyền. Ông Hồ Đức Bình và nhiều người dân Khánh Sơn đang chờ đợi thái độ và hành động cầu thị, công minh từ phía UBND huyện Nam Đàn.

Quang Đại

Tầm Nhìn

  Từ khóa: lôi , Nam Đàn , gia đình , huyện , chính sách

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP