Chuyện đau lòng xảy ra ở 2 dự án: Mở đường đến cảng Sơn Dương, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh và Cấp nước hồ Rào Trổ, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh. Dự án Mở đường đến cảng Sơn Dương, thực chất là mở rộng con đường liên hương, nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 1B đi cảng Sơn Dương. Con đường này vốn có chiều rộng 8m đã có từ lâu, hàng trăm hộ dân phường Kỳ Long định cư ổn định, an cư lạc nghiệp. Nay Dự án quy hoạch con đường rộng ra 64m, chính quyền thị xã Kỳ Anh áp dụng chính sách pháp luật chẳng giống ai, nghĩa là hộ nào có 200m2 đất ở đã cấp sổ đỏ thì được bồi thường diện tích đó cùng nhà ở trên đất, ngoài phạm vi thì bị từ chối bồi thường. Hộ ít có 300m2, hộ nhiều trên 500m2 cùng nhà, các công trình phục vụ đời sống, sản xuất tồn tại từ lâu, có trước quy hoạch không được bồi thường.
Báo Người cao tuổi đã phân tích, chính quyền thị xã Kỳ Anh đã làm trái quy định của pháp luật về đất đai, cụ thể: Trái với Điều 83 Luật Đất đai năm 2003, trái với quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Hơn nữa, nhiều gia đình có nhiều hộ trên cùng thửa đất không được xem xét tách hộ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, là vừa trái pháp luật, vừa trái đạo lí. Thế nhưng, dân kêu mãi cũng không lọt tai lãnh đạo tỉnh, cũng như lãnh đạo thị xã.
Đau đớn hơn, Dự án Cấp nước hồ Rào Trổ, quy hoạch một hồ chứa nước gần 3.000ha nằm giữa 2 xã Kỳ Thượng và Kỳ Tây, khoảng 30 hộ gồm các chủ trang trại đến trước và sau năm 1990, cùng một số công nhân Công ty Cao su Hà Tĩnh có mặt đầu những năm 2000 bị thu hồi hết đất. Thế nhưng, chính sách bồi thường, hỗ trợ ở Dự án này thực hiện không đúng quy định của pháp luật, hơn nữa chính quyền huyện áp giá bồi thường thấp chưa từng thấy.
Theo đó, mỗi hộ có đất sản xuất chỉ được tính bồi thường diện tích đất không quá 2ha (theo hạn mức do địa phương quy định). Ngoài 2ha/1 hộ được bồi thường, còn lại chỉ đượ hỗ trợ 30%. Riêng những hộ công nhân của Công ty Cao su Hà Tĩnh, thì bị quy là đất của Công ty Cao su và đất rừng phòng hộ, để không bồi thường đất cho dân, trong khi Công ty Cao su Hà Tĩnh giải thể đã hơn 10 năm, Ban Quản lí rừng phòng hộ có văn bản xác nhận nơi đây không phải rừng phòng hộ. Nhiều hộ được Công ty Cao su (cũ) cấp, hoặc được bố mẹ cho đất làm nhà ở trên 20 năm, cũng bị kiếm cớ để không bồi thường. Có hộ đất không ngập nước, nhưng bị nước hồ bủa vây, cũng không được bồi thường.
Về giá đất: đất trồng cây lâu năm bồi thường 25.700 đồng/m2, đất trồng cây hằng năm bồi thường 23.300 đồng/m2, đất ao hồ trong cùng thửa đất có nhà ở chỉ bồi thường 8.900 đồng/m2. Hàng trăm héc ta đất trồng cây lâu năm của dân bị chính quyền địa phương quy là đất rừng sản xuất, giá chỉ 5.000 đồng/m2.
Như vậy, có đủ căn cứ khẳng định tại Dự án này, chính quyền địa phương đã làm trái các quy định của pháp luật về đất đai, cụ thể: Điều 129 Luật Đất đai năm 2013 quy định, riêng đất trồng cây lâu năm không quá 10ha đối với xã đồng bằng; không quá 30ha đối với xã trung du, miền núi. Do đó, việc chính quyền địa phương quy định hạn mức 2ha/hộ là trái với quy định này. Mặt khác, hạn mức sử dụng đất chỉ áp dụng cho trường hợp giao đất mới, không phải áp dụng để tính bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Việc chỉ hỗ trợ 30% cho diện tích đất ngoài hạn mức, trái với quy định tại Điều 16 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP: “Đất vượt hạn mức do được thừa kế, nhận chuyển nhượng… tự khai hoang… thì được bồi thường”. Việc không bồi thường đất cho những hộ công nhân Công ty Cao su (cũ), là trái quy định tại Điều 101 Luật Đất đai năm 2013…
Đại diện các hộ dân cùng luật sư Hoàng Văn Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa đến TAND tỉnh Hà Tĩnh, nhưng vẫn chỉ nhận được lời hứa |
Về 2 vụ việc nêu trên, Báo Người cao tuổi có nhiều bài phản ánh, phân tích, kiến nghị giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân. Thế nhưng, thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh chọn phương án… im lặng, không phản hồi nội dung báo đăng, cũng không giải quyết khiếu nại của người dân. Ngày 10/4/2018 và các ngày 9 – 13/5/2018, các hộ dân ở xã Kỳ Tây và phường Kỳ Long nộp đơn khởi kiện hành chính đến TAND tỉnh Hà Tĩnh. Thế nhưng, đến nay đã gần một năm trôi qua, TAND tỉnh này vẫn im lặng đến khó hiểu. Dân nhiều lần kéo lên Tòa án để hỏi, thì chỉ nhận được những lời hứa từ bộ phận tiếp nhận đơn khởi kiện, rồi sau đó lại rơi vào im lặng. Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhiều lần có văn bản gửi Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh và Viện trưởng Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh, kiến nghị Tòa án thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính, nhưng cũng không nhận được hồi âm.
Khoản 2 – Khoản 3, Điều 121 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, về nhận và xem xét đơn khởi kiện quy định: “2. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. 3. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây…”. Rõ ràng, luật quy định chỉ trong 6 ngày làm việc, Tòa án phải thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm và người khởi kiện phải được nhận các câu trả lời: có hay không được thụ lí đơn khởi kiện. Và nếu không, thì vì lí do gì? Do đó, thời gian trôi qua đã gần một năm mà TAND tỉnh Hà Tĩnh vẫn “bặt vô âm tín” không có trả lời với các hộ dân, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Người dân đặt câu hỏi: Nếu TAND tỉnh Hà Tĩnh từ chối thì Tòa nào sẽ thay họ xét xử vụ án này? Việc vi phạm tố tụng một cách nghiêm trọng của TAND tỉnh Hà Tĩnh, làm người dân nghi ngờ đến những điều không tốt trong ngành Tư pháp nước nhà, cần phải xử lí họ như thế nào cho thỏa đáng? Hàng trăm hộ dân ở hai dự án trên phải chờ đợi quá lâu do bị Tòa ngâm án, ai phải bồi thường thiệt hại cho họ? Không biết ông Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh trả lời sao với dư luận và công luận đây!? Chúng tôi xin chuyển câu hỏi này đến Chánh án TAND Tối cao để được trả lời.
Tác giả: Hoàng Linh - Trần Mỹ
Nguồn tin: ngaymoionline.com.vn