Người lao động Triều Tiên làm việc tại công trường xây dựng ở Mông Cổ (Ảnh: AFP) |
Chính quyền Mỹ ngày 3/8 đã áp lệnh trừng phạt đối với một ngân hàng của Nga bị cho là có các hoạt động giao dịch với Triều Tiên. Lệnh trừng phạt của Mỹ được đưa ra cùng thời điểm Thời báo Phố Wall tiết lộ thông tin rằng, Nga đã cho phép hàng nghìn lao động Triều Tiên nhập cảnh vào nước này và cấp giấy phép lao động cho họ.
Thời báo Phố Wall dẫn nguồn tin từ Bộ Nội vụ Nga cho biết hơn 10.000 lao động Triều Tiên đã được đăng ký làm việc tại Nga kể từ tháng 9 năm ngoái. Báo này dẫn lời các quan chức Mỹ khẳng định động thái của Nga đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, trong đó yêu cầu các nước trục xuất lao động Triều Tiên nhằm gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân.
“Những thông tin đáng tin cậy về việc Nga vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan tới các lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài gây quan ngại sâu sắc. Nga không thể ủng hộ các biện pháp trừng phạt (Triều Tiên) tại Hội đồng Bảo an bằng lời nói rồi sau đó vi phạm các biện pháp trừng phạt này bằng chính hành động của họ”, Reuters dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hôm qua cho biết.
“Ước tính các lao động Triều Tiên tại Nga đã gửi từ 150-300 triệu USD hàng năm về Bình Nhưỡng. Moscow phải ngay lập tức chấp hành đầy đủ mọi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Cùng ngày, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora đã lên tiếng bác bỏ thông tin nói rằng Nga cho phép bất kỳ công nhân mới nào của Triều Tiên nhập cảnh vào Nga. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Matsegora cho biết bất kỳ giấy phép lao động mới nào được cấp cho lao động Triều Tiên tại Nga đều là cho những lao động đã sinh sống tại Nga và làm việc theo những hợp đồng cũ.
Theo Đại sứ Matsegora, những lao động trên được phép làm việc tại Nga tới ngày 29/10/2019 vì hợp đồng làm việc của họ đã được ký trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực. Ông Matsegora cho biết 3.500 giấy phép lao động mới đã được cấp cho các lao động Triều Tiên - những người từng ký hợp đồng tại Nga trước ngày 29/11/2017.
Một báo cáo do tổ chức nghiên cứu phi chính phủ C4ADS công bố ngày 2/8 cho thấy Nga và Trung Quốc, nơi được cho là có 80% lao động Triều Tiên làm việc, dường như đã nới lỏng các rào cản trừng phạt Bình Nhưỡng. Trong khi đó, báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan tại Seoul tuần này cũng cho biết từ năm 2015-2017, Công ty Xăng dầu Độc lập (IPC) có trụ sở tại Moscow trên thực tế đã bán nhiều dầu cho Triều Tiên hơn so với số liệu công bố chính thức của công ty này.
Niềm tin của Ngoại trưởng Mỹ
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNA hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thể hiện sự lạc quan khi được hỏi về tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
“Chúng tôi tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn cam kết với tiến trình phi hạt nhân hóa. Thế giới đang trông chờ vào điều đó. Chúng tôi hy vọng rằng trong những tuần và những tháng sắp tới, chúng ta có thể đạt được tiến triển đáng kể trong vấn đề này và đặt Triều Tiên vào một quỹ đạo để nhanh chóng có được tương lai tươi sáng hơn”, ông Pompeo nói.
“Thế giới hiện nay đã bớt lo lắng hơn so với thời điểm trước hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo (Mỹ - Triều) - thời điểm mà chúng ta ở trong một tình thế khó khăn khi chứng kiến những vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân thường xuyên. Chuyện đó đã không còn xảy ra kể từ ngày 12/6. Chúng tôi hạnh phúc vì điều đó”, Ngoại trưởng Mỹ nói, đề cập tới cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí