Thế giới

Nga bán tên lửa cho các đồng minh của Mỹ

Hệ thống tên lửa S-400 của Nga chưa từng thực chiến, nhưng loại vũ khí này đã tạo ra một cuộc tranh giành ảnh hưởng trên khắp thế giới khi Nga chào hàng các đồng minh của Mỹ.

Hệ thống S-400 của Nga (Ảnh: Focus News)

Các láng giềng của Trung Quốc không khỏi lo ngại khi quân đội Trung Quốc củng cố lực lượng bằng những khí tài xuất xứ từ Nga. Đó có thể là lý do khiến Ấn Độ quyết mua bằng được S-400 của Nga.

Căng thẳng giữa Ả rập Xê út và Qatar có xu hướng leo thang khi cả hai bên đàm phán với Moscow về các thương vụ mua sắm vũ khí tiềm năng, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO - mới đây quyết định mua S-400 của Nga buộc Mỹ cảnh báo áp lệnh trừng phạt.

Cùng với các khách hàng tiềm năng khác như Algeria, Belarus, Iran, Nga có thể thu về 30 tỷ USD trong 12-15 năm tới. Mạng tin Moscow Defense Brief bình luận, đó là kế hoạch của Nga nhằm sử dụng ngành công nghiệp vũ khí không chỉ để thu về hàng tỷ USD mà còn để chia rẽ giữa Mỹ và một số đồng minh.

"S-400 do đó không chỉ có ý nghĩa thương mại mà còn mang ý nghĩa địa chính trị. Nó tạo một khởi đầu cho tầm ảnh hưởng của Nga trong những năm tới", Vladimir Frolov, một cựu quan chức ngoại giao Nga và hiện là một chuyên gia phân tích đối ngoại, nhận định.

S-400 không nổi trội hơn nhiều so với Patriot của Mỹ

Xét về các đặc tính, tạp chí quốc phòng Jane’s IHS Markit cho rằng, S-400 của Nga không nhiều điểm nổi trội hơn so với hệ thống tên lửa cùng chủng loại do Mỹ sản xuất là MIM-104 Patriot.

Chúng đều là hệ thống tên lửa đất đối không được thiết kế để bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, S-400 có tầm bắn xa hơn Patriot, lần lượt là 250km và 160km. Sau khi được cải tiến vào cuối năm nay, tầm bắn của S-400 thậm chí nâng lên 400km. S-400 cũng có hệ thống radar mạnh hơn, có thể phá hủy mục tiêu di chuyển nhanh gấp hai lần.

Ngoài ra, việc lắp đặt vận hành cũng đỡ tốn thời gian hơn. Cụ thể, tuy cả hai đều là hệ thống đặt trên các xe tải, nhưng S-400 có thể sẵn sàng tác chiến trong vòng 5 phút, trong khi Patriot cần tới 1 giờ. Giá thành của S-400 cũng rẻ hơn Patriot.

Trong khi đó, Patriot có năng lực chống tên lửa đạn đạo được cho là vượt trội hơn S-400. Nó có thể tích hợp với các hệ thống phòng thủ tên lửa khác do Mỹ sản xuất. Đặc biệt, Patriot từng thực chiến khi đưa vào sử dụng trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991.

“Cuộc đua” mua sắm S-400

Năm 2014, Trung Quốc ký hợp đồng 1,9 tỷ USD mua 32 hệ thống S-400 của Nga, mỗi hệ thống được trang bị 4 tên lửa. Nga đã bàn giao một nửa cho Trung Quốc vào năm ngoái. Hiện hai bên đang đàm phán ký kết các hợp đồng mới - một động thái có thể khiến Đài Loan, Ấn Độ, Nhật Bản hay các láng giềng lo ngại.

Đó có thể là là lý do khiến Ấn Độ quyết mua S-400 của Nga bằng mọi giá. Theo Bloomberg, Ấn Độ đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng thương vụ mua sắm S-400 trị giá 6 tỷ USD với Nga. Truyền thông địa phương cho biết, hợp đồng có thể ký kết trước hội nghị giữa Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 10 năm nay.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bất chấp cảnh báo trừng phạt của Mỹ để theo đuổi thương vụ 2,5 tỷ USD mua S-400 của Nga. Theo đạo luật năm 2017, Mỹ sẽ trừng phạt các nước có “thương vụ lớn” với ngành quốc phòng Nga. Thượng viện Mỹ hôm 18/6 kêu gọi thông qua dự luật đóng băng các thương vụ bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả việc Ankara mua S-400. “Thổ Nhĩ Kỳ phải quyết định họ là thành viên NATO hay liên minh với Nga”, Thượng nghị sĩ Mỹ James Lankford cảnh báo.

Bất chấp cảnh báo này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết thương vụ mua S-400 đã hoàn tất. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thậm chí nói rằng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể hợp tác chế tạo phiên bản nâng cấp S-500.

Thomas Karako, giám đốc Dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS (Mỹ), nhận định: “Nga dường như đã thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ rằng bằng cách này hay cách kia, việc liên minh với họ sẽ có lợi cho cả hai bên. Đó cũng là một trong những cách họ lôi kéo các đồng minh ở Đông Bắc Á”.

Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xê út cũng đang cho thấy mối quan hệ ấm dần lên với Nga, đặc biệt trên thị trường dầu mỏ. Ả rập Xê út cũng đang trong quá trình đàm phán để mua S-400 của Nga. Trong chuyến thăm lịch sử của Quốc vương Salman tới Nga hồi tháng 10 năm ngoái, Ả rập Xê út đã nhất trí các thương vụ mua sắm vũ khí Nga, gồm vũ khí chống tăng, bệ phóng lựu, súng trường Kalashnikov.

Các đồng minh khác của Mỹ như Kuwait, Bahrain và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất cũng tăng cường mua sắm vũ khí Nga. Hệ thống S-400 được cho là đang tạo ra một cán cân sức mạnh mới trong khu vực khi các nước đối thủ muốn tận dụng mối quan hệ với Nga để cân bằng tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: S-400 , Thổ Nhĩ Kỳ , Nga , Mỹ , Ấn Độ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP