Địa Chí Hà Tĩnh

Nét đẹp vùng giáo xứ nơi cửa biển Hà Tĩnh

Cứ đến dịp lễ trọng đại như Tết Độc lập 2-9, người dân xóm đạo tại thôn Phúc Hải (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lại sửa soạn tươm tất bàn thờ Bác Hồ chuẩn bị đón Tết. Đây là nét văn hóa được gìn giữ từ nhiều năm nay của người dân giáo xứ vùng cửa biển này.

hatinh24h

Người dân lại sửa soạn bàn thờ Bác Hồ tươm tất chuẩn bị đón Tết Độc lập.

Nhà nhà treo ảnh Bác

Thôn Phúc Hải là xóm giáo gần như toàn tòng có 254 hộ dân với 1.113 khẩu. Hơn 90% dân số trong thôn là giáo dân thuộc giáo xứ Nhượng Bản. Từ giáo dân đến lương dân, cuộc sống mưu sinh chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nghề biển. Những năm gần đây, dù bận bịu vươn khơi nhưng ngư dân nơi đây vẫn không quên nhắc nhau sửa soạn tươm tất bàn thờ Bác Hồ chuẩn bị đón Tết độc lập.

Trước khi, Hội Cựu chiến binh thôn phát động phong trào lập bàn thờ Bác theo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì việc làm tâm linh này đã được nhiều hộ dân duy trì thành nền nếp.

Năm 2012, khi thôn được sáp nhập, phong trào này ngày càng được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Từ 47 hội viên Chi hội Cựu chiến binh hưởng ứng phong trào nhưng đến nay, rất nhiều nhà trong thôn cũng đã lập bàn thờ Bác.

Nhà nào không có không gian để lập bàn thờ thì cũng treo ảnh chân dung Bác. Bên trong những ngôi nhà cấp 4 đến những ngôi nhà khang trang tiện ích, bức chân dung vị cha già của dân tộc luôn được đặt ở những vị trí trang trọng. Có nhà thì lập chung với bàn thờ gia tiên, có nhà lại đặt bàn thờ Bác bên cạnh bàn thờ gia tiên hay đặt chung vị trí với tượng Chúa Giê su.

Ông Nguyễn Hữu Đức- Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn cho hay: “Trong tiềm thức của tôi và nhiều giáo dân, Bác Hồ có một vị trí hết sức thiêng liêng. Treo ảnh Bác không phải là theo phong trào mà còn thể hiện lòng biết ơn của giáo dân đối với công lao của Người. Gia đình tôi treo ảnh Bác hơn 10 năm nay. Đợt vừa rồi tôi được tặng một tấm ảnh chân dung mới của Bác. Tấm ảnh cũ tôi tặng lại cho một người thân khác để về treo trong nhà”.

Bức chân dung của Bác Hồ được ông Đức treo ngay phòng khách. Mỗi tuần vài lần, ông lại tự mình lau ảnh Bác sạch sẽ, sáng bong. Lắm lúc đau chân không trèo lên cao được ông lại nhờ con cháu. Còn gia đình cựu chiến binh Nguyễn Tiến Hải lại đặt bàn thờ Bác chung với bàn thờ của gia tiên. Mỗi lần trước khi thắp hương cho gia tiên, ông đều thắp hương nơi bàn thờ Bác.

Anh Hải chia sẻ: “Bàn thờ Bác được gia đình dành riêng một nơi. Nhưng do mới làm nhà nên đang đặt chung với bàn thờ ông bà”. Chỉ vào khoảng trống trên cao gần với bàn thờ gia tiên, ông Hải nói: “Đấy, vị trí này khi bố trí nội thất, vợ chồng tôi bàn nhau sẽ đặt bàn thờ Bác tại đây”.

Những dịp lễ tết trọng đại, dù bận rộn với những chuyến vươn khơi bám biển nhưng anh Trần Văn Sương vẫn dành thời gian sửa soạn vị trí đặt ảnh Bác Hồ được tươm tất.

“Trước lúc đi biển, tôi cũng thường cầu nguyện và thắp một nén hương nơi bàn thờ Bác. Trước là cầu mong cho một chuyến đi tốt đẹp, nhưng sau là để trong lòng cũng cảm thấy rất vững tâm. Trên chiếc thuyền mưu sinh của gia đình, bức chân dung Bác cũng theo tôi vươn khơi” – anh Sương chia sẻ thêm.

Giữ gìn cho muôn đời sau

Trong  các ngày lễ trọng đại của dân tộc như 30-4, 19-8… đặc biệt là ngày Quốc khánh 2-9, ngoài việc treo ảnh, người dân xóm đạo thôn Phúc Hải còn sửa soạn tươm tất một vài mâm cơm để tưởng nhớ đến công lao của Bác Hồ.

Vừa quét dọn lại bàn thờ, chị Phạm Thị Yến cho hay: “Đất nước ta có được độc lập, tự do ngày hôm nay là nhờ công lao to lớn của Bác Hồ. Gia đình tôi lập bàn thờ Bác để tưởng nhớ công ơn của Người và cũng là để giáo dục con cháu trong gia đình phải luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác”
Không chỉ gửi gắm tấm lòng hiếu kính, nhiều người dân lập bàn thờ Bác với ý nghĩa răn mình và răn dạy con cháu trong gia đình.

Ông Hải xúc động, chia sẻ: “Mỗi ngày, nhìn lên ảnh Bác, tôi nhìn lại những việc mình đã và đang làm, từ đó làm tốt hơn, làm gương cho con cháu và lồng ghép những bài học của Người trong những lần dạy các cháu học bài. Mỗi lần dạy các cháu học bài, tôi lại kể cho chúng nghe những mẩu chuyện về Bác. Từ khi treo ảnh Bác trong nhà, hành vi cư xử của các thành viên trong nhà đều nhẹ nhàng, thận trọng hơn”.

Thông qua hình ảnh của Bác, những người như chị Yến, ông Đức, anh Sương, ông Hải… không chỉ răn dạy con cháu về cách sống, học tập và làm theo tấm gương của Bác mà còn giáo dục con cháu trong gia đình lòng yêu quê hương, đất nước.

Đặc biệt, việc treo ảnh Bác trong nhà giúp các thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về một phần quá khứ hào hùng của dân tộc cũng như những công lao to lớn mà các bậc tiền nhân đi trước đã gây dựng để từ đó sống và học tập theo tấm gương Bác Hồ. Từ những bài học ấy, họ hi vọng rằng, các con mình sẽ hiểu được để sống tốt hơn, có ích cho cuộc đời.

Hiện nay, ngoài thôn Phúc Hải, nét đẹp truyền thống treo ảnh, lập bàn thờ Bác Hồ đâu đâu cũng dễ bắt gặp khắp 13 huyện, thị, thành phố tại Hà Tĩnh. Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay, trên 70% hội viên của Hội Cựu chiến binh trong toàn tỉnh có bàn thờ Bác tại nhà. Từ phong trào của Hội Cựu chiến binh, nhiều người dân khắp các địa phương đều hưởng ứng và lập bàn thờ Bác tại gia đình.

Hạnh Nguyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP