Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an Hà Tĩnh kiểm tra mô hình "Điểm chữa cháy công cộng" tại xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh |
Trước đây, việc trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy chủ yếu tập trung ở các khu chợ, bến xe, nhà hàng, khách sạn, quán karaoke… Tuy nhiên, thời gian gần đây công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở tỉnh Hà Tĩnh được triển khai sâu rộng tại các tổ dân phố, khu dân cư, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần chủ động của người dân trong phòng ngừa nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc lắp đặt hộp đựng 2 bình chữa cháy |
“Sau khi được tuyên truyền, vận động và tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC, gia đình tôi đã chủ động mua sắm, lắp đặt hộp đựng 2 bình chữa cháy. Nếu chẳng may có cháy nổ xảy ra là có thể sử dụng bình chữa cháy dập lửa kịp thời, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại”, bà Nguyễn Thị Hồng ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc cho biết.
Với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan, đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh các mô hình như: Nhà tôi có bình chữa cháy; điểm chữa cháy công cộng; tổ liên gia PCCC… liên tục phát triển trong cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về PCCC, nhất là thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Công an phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC cho Nhân dân |
“Hiện nay 1.623 hộ dân tại 7 tổ dân phố trên địa bàn phường đều đã trang bị bình chữa cháy tại hộ gia đình, đạt tỷ lệ 100%. Ngoài ra, các cơ sở thờ tự (Đình, chùa, nhà thờ…) cũng đã trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy. Việc tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC, trang bị bình chữa cháy là hết sức quan trọng, để mọi người ứng phó kịp thời, hiệu quả khi chẳng may cháy nổ xảy ra”, ông Lê Hồng Thành- Chủ tịch UBND phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh thông tin.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an Hà Tĩnh, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và thành lập được 349 mô hình Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy; 393 mô hình Điểm chữa cháy công cộng; vận động trang bị được gần 217.000 bình chữa cháy tại nhà; tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn cho gần 434.000 người.
Lễ ra mắt mô hình "Nhà tôi có bình chữa cháy" và tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH tại thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc |
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Võ Đăng Khoa- Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an Hà Tĩnh cho biết, việc trang bị bình chữa cháy tại nhà và xây dựng, thành lập các mô hình PCCC đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bởi thực tế qua các vụ cháy việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, phát hiện sớm, dập lửa nhanh chóng, kịp thời, nhất là trong 5 phút chữa cháy đầu tiên là rất quan trọng, sẽ giảm thiểu nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra.
“Đơn vị tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới và các văn bản liên quan; đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo, nhất là mô hình trọng điểm “Nhà tôi có bình chữa cháy”. Cùng với đó, duy trì phát huy hiệu quả các các mô hình “Chợ an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ”, “Cụm doanh nghiệp an toàn về phòng cháy, chữa cháy”, “Khu dân cư an toàn về phòng cháy, chữa cháy…”, Thượng tá Võ Đăng Khoa thông tin.
Tác giả: Văn Chương
Nguồn tin: kinhtedothi.vn