Giáo dục

Năm sau, không giao việc chấm thi cho các Sở

Với công tác coi thi hiệu quả, đề thi tốt, khâu tổ chức kỳ thi không áp lực, những tưởng kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã thành công mọi mặt. Nhưng, những phát sinh từ việc chấm thi, nhập dữ liệu điểm thi tại một số tỉnh, với sự tham gia của các cá nhân, vì mục đích này hay mục đích khác, đã khiến cho kỳ thi phát sinh nhiều vấn đề của công tác hậu kiểm, làm kết quả thi bị nghi ngờ về độ khách quan…

Cá nhân dễ can thiệp vào kết quả thi?

Khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm, dữ liệu điểm thi, chỉ bằng các thuật toán, phân tích số liệu, các chuyên gia giáo dục đã nhận ra những điểm bất thường ở điểm thi của một số tỉnh thành, trong đó, có Hà Giang, Sơn La…

Tổ công tác đặc biệt của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra, chấm thẩm định các địa phương có nghi vấn điểm thi bất thường, với nhiều đêm trắng, kết quả đã khiến rất nhiều người bất ngờ: Đó là sự can thiệp của nhiều cá nhân liên quan, có vai trò trong kỳ thi tại các địa phương. Thậm chí, quy trình chấm tại một số nơi lỏng lẻo, đến mức mà 6 giây có thể sửa được kết quả một bài thi.

Tại Hà Giang, có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng tổng điểm từ 1 lên 29,95. Ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí của Sở GD&ĐT đã bị bắt vì trực tiếp sửa điểm. Thông tin tại cuộc họp báo tổ chức tại Sở Thông tin và truyền thông Hà Giang, ông Nguyễn Cao Khương, Phó Trưởng phòng 4, A83 Bộ Công an cho biết, ông Vũ Trọng Lương đã chèn file đáp án của Bộ GD&ĐT vào file excel bài làm trắc nghiệm của thí sinh mà cán bộ thanh tra, giám sát không hay biết. Sau khi chuyển các hòm bài thi thuộc dạng tài liệu mật về phòng khảo thí của mình, ông Lương chỉ mất 6 giây cho việc mở khóa niêm phong, rút bài thi, tẩy xóa sửa chữa để nâng điểm một bài thi.

Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Giang sau đó cũng đã ban hành quyết định đình chỉ thực hiện nhiệm vụ liên quan tới kỳ thi đối với ông Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT vì xác định ông Hoài là người đã đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho ông Vũ Trọng Lương, người đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra trong vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang gây chấn động.

Còn tại Sơn La, tổ công tác của Bộ GD&ĐT đã chỉ ra việc tổ chức quản lý khu vực chấm thi trắc nghiệm tại địa phương này lỏng lẻo, không đúng quy định: Phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong; khóa phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không đúng quy định; các thùng đựng Phiếu trả lời trắc nghiệm niêm phong không đúng quy định…

Xác minh ban đầu cho thấy, những người liên quan đến các sai phạm Quy chế thi THPT quốc gia tại Sơn La có cả PGĐ Sở GD&ĐT là ông Trần Xuân Yến. Ngoài ra còn các cá nhân khác như: Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng; Bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng; Ông Đặng Hữu Thủy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, Ủy viên tổ chấm trắc nghiệm; Ông Lò Văn Huynh, Phó Trưởng phòng Khảo thí và QLCLGD, Sở GD&ĐT Sơn La.

Sự việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La vừa qua là cảnh tỉnh đối với những người làm công tác tổ chức thi. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chấm thẩm định bài thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 theo đúng Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Trong quá trình chấm thẩm định, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, đồng thời phối hợp với CQCA khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Đối với thí sinh, khi có kết quả chấm thẩm định phát hiện sai phạm, cho dù đã nhập học sau đợt xét tuyển ĐH, CĐ tới đây thì vẫn phải xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi.

Nhiều ý kiến cho rằng: Năm tới, nên giao việc chấm thi cho các trường ĐH, hoặc làm phách cho phiếu chấm điểm trả lời trắc nghiệm. Ảnh: P.T

Năm sau, công tác chấm thi nên thay đổi thế nào?

Thực tế là Bộ GD&ĐT, Bộ Công an đã rất nhanh chóng, chính xác trong việc xác định sai phạm, nhưng sai phạm này, vẫn phần nào gây nên những băn khoăn về tính khách quan của kỳ thi. Dẫu biết, hàng loạt các địa phương khác đã chấm thẩm định và kết quả chấm lần 1 hoàn toàn chính xác.

Nhiều ý kiến góp ý đã được nêu ra, để công tác tổ chức kỳ thi và chấm thi năm sau có thể phòng ngừa được gian lận. Theo ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT thì, một trong những điểm hạn chế của chấm thi trắc nghiệm là bài thi không có phách như với bài thi tự luận. Việc chấm thi lại thực hiện trên file text, trên máy tính, nên rất dễ để can thiệp, mà vụ việc ở Hà Giang đã là minh chứng cụ thể tiêu biểu. Phiếu chấm trắc nghiệm như hiện nay, chỉ có các trường ĐH chấm là phù hợp, vì không thân quen, không áp lực tỷ lệ đỗ.

Cũng theo ông Ngọc, một giải pháp nữa để đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, chống gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia là các bài thi cần phải được chấm tập trung theo cụm. Việc này, trước đây Bộ GD&ĐT đã làm.

Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủy lợi, cho rằng, để chấm thi minh bạch đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc quy trình và nghiệp vụ.

Từ những sai phạm chấm thi gần đây, nhiều ý kiến cho rằng: Có thể chấm chéo giữa các địa phương (như trước đây vẫn làm), hoặc giao hẳn công tác chấm thi cho các trường ĐH, thay vì giao cho các Sở để đảm bảo độ khách quan. Có lẽ, đây sẽ là điểm quan trọng nhất để Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy chế thi năm tới.

Tác giả: Phan Thủy

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

  Từ khóa: chấm thi , giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP