Một nữ giáo viên tham gia chấm thi môn ngữ văn tại TPHCM than rằng chưa năm nào kết quả chấm thi môn này lại tệ như thế. Theo đó, dù giáo viên cố gắng chấm nới hết mức nhưng điểm số chỉ tập trung ở mức 5-6 điểm.
Theo vị giám khảo này, trong tổng số 300 bài thi cô chấm thì tỷ lệ bài thi dưới điểm trung bình khá nhiều. Số bài đạt điểm từ 7 cũng không cao, ngược lại chỉ 2 bài đạt điểm 8 và một bài đạt 8,75 điểm. "Trong khi đó, một phòng thi trung bình 24 bài thi thì chỉ 8-10 bài đạt trên trung bình. Nếu tính luôn cả những giáo viên tôi quen biết cùng tham gia chấm thì có số đó có thể là 6000 bài mới có 3 bài được điểm 8”, cô giáo này chia sẻ
Thí sinh TPHCM trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 |
Theo cô giáo này, nếu ở câu 1,2 của phần đọc hiểu gần như cho điểm thí sinh thoải mái thì sang câu số 3 nhiều em bị mất 0,25 điểm một cách “oan uổng”. Câu này yêu cầu thí sinh nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích thơ, nhiều em chỉ trả lời đúng chỗ hiệu quả sử dụng mà không chỉ ra câu hỏi tu từ “Còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?/lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?”. Điều này một phần do nhiều giáo viên dạy học sinh đề yêu cầu gì thì trả lời nấy nên đa phần các em không kể ra câu hỏi tu từ đó là câu nào. Trong khi đó, đáp án của Bộ đưa ra phải nêu được câu hỏi tu từ rồi mới trả lời tiếp phần hiệu quả.
Đối với phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước, nhiều thí sinh cũng không làm được. Đa phần thí sinh trình bày lan man, một số thì chỉ nêu được chung chung rằng “sẽ cố găng học tập tốt, vâng lời cha mẹ…”, thậm chí có em viết rằng “Việt Nam không có tiềm lực”, một số thì bỏ trắng câu này. Nữ giáo viên này cũng cho rằng, “ngay cả yêu cầu chấm của Bộ đưa ra cũng rất chung chung, các giáo viên chúng tôi bảo nhau rằng thà không hướng dẫn còn hơn”, và dễ khiến giáo viên chấm theo cảm tính”.
Trong khi đó, ở câu nghị luận văn học (5 điểm) học sinh đa phần không nhớ về kiến thức lớp 11. Do đó, thí sinh gần như không đưa được các dẫn chứng trong tác phẩm của tác giả Thạch Lam. Bài làm của các em phân tích từng tác phẩm mà không có sự kết nối gì giữa hai tác giả Nguyễn Minh Châu và Thạch Lam.
Cô giáo này cho rằng, đề thi đọc vào không thấy khó nhưng do đề quá dài nên khi bắt làm bài thì thí sinh mới gặp nhiều vấn đề, rắc rối. Chính điều này dẫn đến thí sinh có tâm lý làm bài không tốt.
Nhiều giáo viên tại TPHCM cũng bày tỏ băn khoăn “Với cách ra đề tích hợp theo kiểu “lắp ráp cơ học như năm này thi giáo viên dạy văn cũng rất lo lắng khi sang năm sẽ mở rộng kiến thức cả 3 năm lớp 10,11,12 thì không biết sẽ như thế nào. Ngay như đề năm nay phần làm văn, đề yêu cầu phân tích đối với hai tác giả quả là một sự khập khiễng”. Một giáo viên dạy văn cũng than rằng “đề thi như năm nay sẽ càng khiến học sinh TPHCM vốn không thích môn Văn sẽ càng cảm thấy “ngán” hơn khi học môn này”.
Học sinh dò lại bài thi |
Trước đó, cũng liên quan đến việc chấm thi môn văn, một thầy giáo tại TPHCM chỉ ra điểm “vênh” giữa đề và đáp án khiến giáo viên lúng túng khi chấm môn ngữ văn thi THPT quốc gia năm. Vị này cho rằng câu 3 phần đọc hiểu yêu cầu “Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích” nhưng không yêu cầu chỉ ra câu hỏi tu từ (câu này 1 điểm). Tuy nhiên, đáp án lại đưa ra 2 phần trong đó, yêu cầu 1 chỉ ra 2 câu hỏi tu từ (0,25 điểm) rồi sau đó mới đến yêu cầu 2 nêu hiệu quả nghệ thuật (0,75 điểm).
Với kinh nghiệm giảng dạy học trò, ông cho rằng đa số học sinh chỉ thực hiện đúng yêu cầu của đề, tức là chỉ nêu yêu cầu 2 của đáp án. Bên cạnh đó, một số học sinh biết rõ hai câu hỏi tu từ nhưng vì đề không yêu cầu nên không nêu ra sẽ không đạt điểm tối đa câu này.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, thống kê sơ bộ đến đầu giờ chiều ngày 4/7, chỉ 1% trong tổng số hơn 78.000 bài thi Ngữ văn đạt điểm giỏi nhưng chưa có bài nào điểm 9 trở lên. Điểm số cao nhất ghi nhận tại thời điểm đó là 8,25. Bên cạnh đó, ông Hiếu cho biết số bài làm đạt điểm trên trung bình (từ 5 trở lên) là khoảng 75%, ngược lại đã có 7 thí sinh bị điểm liệt (dưới 1).
Tác giả: Lê Phương (ghi)
Nguồn tin: Báo Dân trí