Thế giới

Mỹ - Ukraine ký thoả thuận khoáng sản, chuyển từ hỗ trợ quân sự sang hỗ trợ kinh tế

Sau 2 tháng trì hoãn, Mỹ và Ukraine hôm qua (30/4) đã ký thoả thuận khoáng sản, đánh dấu sự chuyển dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump từ hỗ trợ quân sự sang hỗ trợ kinh tế cho quốc gia châu Âu này.

Thông báo đưa ra vào thời điểm quan trong khi các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy ngừng bắn giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đạt kết quả.

Trong bài đăng trên website chính thức, Bộ Tài chính Mỹ ca ngợi đây là một thoả thuận đối tác kinh tế mang tính lịch sử, tạo điều kiện cho hợp tác và đầu tư giữa hai nước, cũng như thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của Ukraine. Bộ Tài chính Mỹ cũng dẫn phát biểu của Bộ trưởng Scott Bessent nêu rõ, thoả thuận được ký kết gửi tín hiệu rõ ràng rằng: “Chính quyền Tổng thống Donald Trump cam kết theo đuổi một tiến trình hòa bình dựa trên nền tảng một Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng trong dài hạn”.

Ảnh minh họa: Reuters


Cùng ngày, phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal đánh giá, thoả thuận đạt được với Mỹ là “bình đẳng và có lợi”. Trong cập nhật sau đó trên Telegram, ông Shmygal cho biết, Mỹ và Ukraine sẽ thành lập Quỹ đầu tư tái thiết, trong đó mỗi bên sẽ có 50% quyền biểu quyết và Ukraine vẫn giữ toàn quyền kiểm soát đối với đất, cơ sở hạ tầng, cũng như tài nguyên thiên nhiên của mình. Liên quan tới mối quan tâm chính của đất nước, ông cho biết, Ukraine sẽ không phải trả bất kỳ "khoản nợ" nào cho hàng tỷ USD vũ khí của Mỹ và các hỗ trợ khác kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Lợi nhuận của Quỹ sẽ được tái đầu tư độc quyền vào Ukraine và không giống như bản dự thảo trước đó, thỏa thuận sẽ không xung đột với con đường của Ukraine hướng tới tư cách thành viên Liên minh châu Âu:

“Ukraine kiểm soát tất cả các nguồn tài nguyên. Đóng góp của chúng tôi sẽ là 50%. Thoả thuận không bao gồm các khoản nợ hoặc viện trợ nào được cấp cho Ukraine trước khi văn kiện được ký kết. Đây là thành tựu quan trọng mà chúng tôi đạt được trong các cuộc đàm phán. Thỏa thuận chỉ bao gồm các khoản đóng góp mới và viện trợ mới”.

Ước tính, Ukraine hiện nắm giữ khoảng 5% tài nguyên khoáng sản và đất hiếm của thế giới. Tuy nhiên việc khai thác còn hạn chế và nhiều địa điểm hiện nằm khu vực xung đột. Đáng chú ý, theo Cục Nghiên cứu Địa chất và Khai khoáng của Pháp, Ukraine sở hữu khoảng 20% than chì của thế giới, một vật liệu thiết yếu cho pin điện. Ukraine cũng là nhà sản xuất mangan và titan lớn, đồng thời sở hữu các mỏ lithium lớn nhất châu Âu.

Việc Mỹ và Ukraine ký thoả thuận khoáng sản diễn ra vào thời điểm quan trọng khi các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy ngừng bắn giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đạt kết quả. Động thái cũng được tiến hành 2 tháng sau khi một thoả thuận tương tự gần như đã được ký kết trước khi bị trật bánh trong một cuộc họp căng thẳng tại Phòng Bầu dục giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

Kể từ khi nhậm chức hôm 20/1, Tổng thống Donald Trump đã từ chối cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine và yêu cầu nước này từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO. Tuy nhiên, trong một phát biểu cho thấy sự thay đổi lập trường đáng kể, ông Donald Trump cho biết sự hiện diện của Mỹ trên thực địa sẽ có lợi cho Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 29/04 cảnh báo, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ từ bỏ nỗ lực hoà giải xung đột Nga - Ukraine trừ khi hai bên đưa ra những đề xuất cụ thể.

Tác giả: Thu Hoài

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP