Thế giới

Mỹ-Trung ký kết thương mại, châu Âu bị 'ra rìa'

Việc Mỹ-Trung ký thỏa thuận thương mại khiến nhiều đối tác kinh tế hai nước này lo lắng, nhất là các doanh nghiệp châu Âu coi đây là “sự méo mó thị trường” và “viết lại chủ nghĩa toàn cầu”.

Sau buổi ký kết thỏa thuận hôm 15/1, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã lên tiếng trấn an nhiều quốc gia rằng, họ sẽ không chịu ảnh hưởng từ tác động của bản thỏa thuận, nhưng lời trấn an trên có vẻ không có sức thuyết phục.

Ngoài ra, người đứng đầu phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc cũng nhắc tới lời hứa của Bắc Kinh với Washington về lĩnh vực quyền bảo vệ tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ cũng như vấn đề tiếp cận thị trường tài chính cũng sẽ được Trung Quốc áp dụng với các đối tác thương mại khác. Đồng thời theo ông, việc mua hàng hóa giữa Mỹ-Trung sẽ dựa trên nhu cầu từ phía thị trường và sẽ “không làm tổn hại tới bên thứ ba (các quốc gia khác)”.

Tổng thống Mỹ Trump (bên phải) và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: AP

Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc Joerg Wuttke nhận định rằng, những cam kết mua hàng hóa trên là “thương mại bị kiểm soát, tức là Washington sẽ yêu cầu Bắc Kinh nên mua những hàng hóa gì từ nước này”, và điều này sẽ khiến nhiều công ty của châu Âu rơi vào tình trạng “không biết đi đâu, về đâu”.

“Trung Quốc đang phải đối mặt với việc ít sự lựa chọn và các nguồn cung cấp hàng hóa tiềm năng, từ đậu nành của Brazil, khí ga từ Australia và Qatar, hay than từ Ấn Độ, hoặc các máy bay từ châu Âu, đây là một sự ‘méo mó về thị trường”, SCMP trích lời ông Wuttke trả lời báo chí hôm 16/1 cho biết.

Đồng quan điểm với ông Wuttke, một số nhà ngoại giao châu Âu lo sợ rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ bị ‘ra rìa’ nếu Bắc Kinh chỉ tập trung mua hàng của Mỹ. Bởi nhiều quan chức thương mại châu Âu cũng đang tiến hành đàm phán thỏa thuận đầu tư của họ với Trung Quốc, với mục đích nhằm làm thay đổi một số bất công về thị trường mà họ đã than phiền từ lâu và tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc Joerg Wuttke. Ảnh: CGTN

Đồng thời, EU cũng đang tìm cách tái khởi động mối quan hệ thương mại và đầu tư với Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng hiện EU chưa hoàn thành được mục tiêu nào trong 2 việc trên.

Cựu Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom tỏ ra đắn đo về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung vừa được ký kết. “Việc căng thẳng giữa Mỹ-Trung giảm bớt là tốt, nhưng chỉ có rất ít mức thuế được dỡ bỏ. Thương mại bị kiểm soát không phù hợp với các định mức đa phương và không thật sự tốt cho nền kinh tế của Mỹ hay Trung Quốc”, bà Malmstrom viết trên Twitter.

Sự lo lắng về thương mại của phía EU không phải là hão huyền, bởi tân Ủy viên thương mại EU Phil Hogan đã tới Washington trong tuần này. SCMP nhận định, chuyến đi lần này của ông Hogan nhằm mục đích tìm cách thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump đừng phát động cuộc chiến thuế quan với EU, bởi đây là viễn cảnh đã ‘ám ảnh’ khối này trong nhiều tháng gần đây. Trong bối cảnh Pháp đánh thuế dịch vụ tự động hóa vào các tập đoàn công nghệ Mỹ, và việc các nước châu Âu hỗ trợ cho hãng sản xuất máy bay Airbus, đối thủ của Boeing.

“Với việc họ nắm trong tay Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Mexico và nay là Trung Quốc, chính quyền Trump đã ám chỉ rằng, họ sẽ giải quyết những vấn đề nổi cộm với EU, cụ thể là sự thâm hụt thương mại. Sẽ không có câu trả lời dễ dàng cho vấn đề này, và sự đi xuống của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ có thể thấy rõ trong năm 2020”, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Egmont Tobias Gehrke nhận định.

“Thỏa thuận ‘bước một’ cho chúng ta thấy một thực tế rằng: Với việc Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng hóa thương mại, thì dường như nước này có thể sẽ bỏ qua những cam kết về cải cách cơ cấu, cũng như các vấn đề về trợ cấp công nghiệp hoặc ép buộc chuyển giao công nghệ”, ông Gehrke nói thêm.

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung khiến ngành nông nghiệp Brazil lo lắng. Ảnh: Reuters

Một số đối tác thương mại khác cũng tỏ ra lo lắng về bản thỏa thuận, chẳng hạn như Brazil, bởi các nhà xuất khẩu đậu nành của nước này đang ‘dính đòn’ từ bản thỏa thuận thương mại, sau khi họ đã hưởng lợi ích từ thương chiến.

“Việc Mỹ-Trung đàm phán khiến ngành nông nghiệp Brazil lo lắng trong cả năm 2019. Có một nhận thức chung của những lãnh đạo trong ngành này rằng, bất kỳ thỏa thuận nào giữa Bắc Kinh-Washington sẽ tạo ra hậu quả tiêu cực đối với việc xuất khẩu nông sản của Brazil”, giáo sư Mauricio Santoro thuộc Đại học Quốc gia Rio de Janeiro cho biết.

Tác giả: Tuấn Trần

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG