Tin thế giới

Mỹ: Máy bay Malaysia bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không

Máy bay Malaysia chở 298 người đã bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine bằng một tên lửa đất đối không vào ngày thứ năm 17/7 và hiện chưa rõ ai đã bắn loại vũ khí này, giới chức Mỹ cho hay.

Nhân viên cứu hộ tại hiện trường máy bay rơi.

Các nhà phân tích tình báo đang xem xét dữ liệu để xác định liệu tên lửa có phải do lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine bắn, hay do binh sỹ Nga ở biên giới hoặc lực lượng chính phủ Ukraine. Hai quan chức Mỹ giấu tên hé lộ thông tin này với hãng tin Pháp AFP.

“Chúng tôi đang xem xét toàn bộ phân tích”, một quan chức cho biết.

Tuy nhiên gần như chắc chắn là máy bay đã bị trúng tên lửa đất đối không. “Đó là điều chúng tôi tin”, quan chức này cho hay.

Phó tổng thống Mỹ: Máy bay bị nổ tung trên trời

Tại một sự kiện ở Detroit, Phó Tổng thống Mỹ Biden cho biết chiếc Boeing 777 do Mỹ sản xuất đã bị “nổ trên bầu trời” một cách có chủ đích.

“Không có tai nạn. Nó bị nổ trên bầu trời”, phó Tổng thống Mỹ cho hay.

Ngay sau khi máy bay bị bắn hạ, lãnh đạo Ukraine đổ lỗi cho lực lượng nổi dậy thân Nga và cho rằng vụ bắn rơi máy bay là vụ “khủng bố”.

Nghi ngờ sau đó nhanh chóng tập trung vào khả năng máy bay vô tình bị bắn, có thể là do lực lượng ly khai nhầm máy bay với máy bay vận tải của quân đội Ukraine.

Máy bay bị trúng tên lửa Buk?

Hệ thống tên lửa Buk
Hệ thống tên lửa Buk

Máy bay được cho là bay ở tầm cao 10.000m, tức là nằm trong tầm với của các tên lửa Buk do Nga sản xuất mà cả lực lượng Nga và Ukraine đều sở hữu.

Được sử dụng rộng rãi, tên lửa đất đối không Buk là hệ thống di động, được lắp đặt trên xe tải hoặc xe radar, được thiết kế bắn hạ máy bay, tên lửa hành trình, trực thăng và các mục tiêu khác.

Giới phân tích quân sự cho hay, trước khi xung đột ở Ukraine bắt đầu, lực lượng chính phủ Kiev có sáu đến tám hệ thống tên lửa này.

Cần nhiều người được đào tạo bài bản đề vận hành tên lửa Buk

Sơ đồ khả năng bắn hạ máy bay của tên lửa Buk

Sơ đồ khả năng bắn hạ máy bay của tên lửa Buk

Nga sở hữu nhiều tên lửa loại này và các tên lửa tinh vi hơn. Song không rõ họ có triển khai ở khu vực gần biên giới Ukraine hay không.

Theo Edward Hunt, nhà phân tích quân sự cấp cao của HIS Janes, tên lửa Buk có hệ thống vận hành phức tạp, không giống với những vũ khí vác vai, và cần phải sự giúp đỡ từ bên ngoài hoặc người điều khiển cần phải được đào tạo chuyên sâu.

“Các tên lửa này không được đánh giá nằm trong tầm với của lực lượng nổi dậy hay ly khai vì lý do chúng là hỏa lực nhạy cảm, cần phải được đào tạo bài bản”, ông cho hay.

Tên lửa Buk cũng cần nhiều người để vận hành, trong đó có người điều khiển radar, phối hợp với những người phóng tên lửa từ xe chở.

Cơ quan điều khiển không vận Ukraine đã mất liên lạc với Malaysian Airlines số hiệu MH17 vào 14h15 GMT, khoảng 4 giờ sau khi máy bay cất cánh, và cách biên giới Nga, Ukraine khoảng 50km.

Máy bay cất cánh từ Amsterdam tới Kuala Lumpur. Không có dấu hiệu còn người sống sót tại hiện trường kinh hoàng của máy bay rơi ở đông Ukraine.

Vũ Quý
Tổng hợp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP