“Nước sông Lam biết khi mô cho cạn”
Trong suốt hơn một tháng qua cái nắng như thiêu đốt với nền nhiệt phổ biến từ 38 – 40 độ C khiến cuộc sống của người dân ở mảnh đất xứ Nghệ dường như bị đảo lộn hoàn toàn. Nhà nhà, người người tìm đủ mọi cách để chống chọi với cái nắng quay cuồng. Trong mỗi bản tin dự báo thời tiết, Nghệ An luôn là tỉnh nằm trong “tâm điểm” của nắng nóng. Thậm chí có những điểm nhiệt độ còn vượt ngưỡng 42 độ C, như ở “chảo lửa” huyện Tương Dương.
Nền nhiệt cao kéo dài khiến dòng sông Lam vốn trong xanh, mát rượi cũng phải trơ lên những bãi cát dài ngay giữa dòng. Thậm chí sông Lam đoạn chạy qua địa bàn huyện Thanh Chương tại một số đoạn người dân có thể lội từ bờ bên này qua bờ bên kia một cách dễ dàng.
Từ xưa đến nay người xứ Nghệ chưa thể trả lời cho câu hát: “Nước sông Lam biết khi mô (nào) cho cạn”, thì giờ đây dưới cái nắng 40 độ C trong suốt một tháng qua câu hát ấy dường như đã có đáp án để trả lời.
“Từ trước đến nay đây là lần đầu chúng tôi thấy sông Lam cạn đến thế. Có lẽ trong tháng 6 này nếu không có mưa thì không biết sông Lam còn cạn đến mức nào nữa. Sông Lam mà cạn thì những người dân vạn chài như chúng tôi biết sống thế nào đây”, cụ Mai một người dân ở làng vạn chài bên bờ sông Lam tâm sự.
Cuộc sống của những người dân ở những xóm vạn chài bên dòng sông Lam vốn dựa hoàn toàn vào thu nhập từ nghề thả lưới đánh bắt tôm cá trên dòng sông. Nhưng giờ đây nước sông Lam cạn đến mức muốn dong thuyền đi còn không thể thì việc mưu sinh của người dân dường như bị ngưng lại hoàn toàn.
Mưu sinh trên dòng Lam trơ đáy
Tuy nhiên một số người khác lại trông chờ thời điểm dòng sông Lam “phơi mình” để mưu sinh. Họ là những người dân nghèo sống hai bên dòng sông Lam tranh thủ lúc nước sông xuống kiệt để “hành nghề” cào hến. Dưới cái nắng như thiêu đốt những tấm lưng trần của trẻ nhỏ, những bóng người lớn lom khom hiu hắt dưới ánh nắng chiều vàng vọt, họ vẫn miệt mài mưu sinh trên dòng Lam đang dần “trơ đáy”.
Gần 16 giờ chiều nhưng cái nắng ở mảnh đất Nghệ An này vẫn như đốt cháy, nó như đang làm tan chảy cả lớp mặt nhựa đường trên quốc lộ 46 đoạn qua địa bàn huyện Thanh Chương.
Thấp thoáng từ xa chúng tôi trông thấy những đoàn người tay cầm theo dụng cụ tiến về phía dòng sông Lam. “Đoàn quân” độ bộ xuống bên bờ sông và chia ra thành từng nhóm và bắt đầu cào hến. Trong số đó không chỉ có người lớn mà còn có rất nhiều trẻ nhỏ cùng với bố mẹ lặn lội mưu sinh.
Lúc này nước ở giữa dòng sông Lam chưa đến lưng quần người lớn vì vậy họ có thể làm công việc của mình một cách dễ dàng. Người lớn chỉ việc cúi xuống dùng chiếc cạo bằng tre xúc lớp cát, đất bề mặt rồi sàng lọc lấy những con hến đang ẩn mình trong cát. Còn những đứa trẻ có những lúc phải cúi rạp mình xuống chỉ thấy mỗi chiếc đầu, chúng cố gắng xúc thật nhiều đất cát để đãi lấy hến.
“Sau khi thu hoạch mùa vụ hè thu xong, thời điểm này chưa có nước để cấy vụ mới nên chúng tôi tranh thủ ra sông Lam đãi hến về sống qua ngày. Nước sông Lam cạn thì mới cào được hến chứ trước đây nước to không đãi được đâu. Người nào chăm chỉ mỗi ngày cũng kiếm được hơn 100.000 đồng thế là cũng đủ chi tiêu ở nông thôn chúng tôi rồi”, chị Hà một phụ nữ đang lặn lội mưu sinh trên dòng sông Lam tâm sự.
Chiều dần xuống, những bóng người sau vài giờ đồng hồ lặn lội cào hến trên sông Lam cũng bắt đầu rời khỏi dòng sông về nhà. Họ mang “chiến lợi phẩm” của mình ra bày bán bên quốc lộ 46 cho người đi đường.
Một số hình ảnh về dòng sông Lam trơ đáy được PV Dân trí ghi lại:
Những bãi cát trơ trọi giữa dòng Lam dài hàng trăm mét.