Như Dân trí đã đưa tin, ngày 16/11 Cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao phía Nam đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp 2 cán bộ công an công tác tại Nhà tạm giữ Công an quận 11 - TPHCM về tội dùng nhục hình.
Sau khi vào cuộc điều tra, cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao phía Nam đã xác định đủ chứng cứ cho thấy cán bộ công an dùng nhục hình với nghi phạm nên đã bắt tạm giam 2 cán bộ công an này.
Được biết hai cán bộ này có liên quan đến cái chết của Châu Dung Thành (sinh năm 1983, ngụ quận 11). Vụ án đang được cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao phía Nam mở rộng điều tra.
Trước đó, trưa 17/10, Thành điều khiển xe máy và giật điện thoại của một tài xế xe công nghệ đang dừng trên lề đường đón khách. Lúc này, đội tuần tra Công an quận 11 truy đuổi Thành.
Khi chạy đến tiệm game bắn cá trên đường Tuệ Tĩnh (phường 13, quận 11), Thành chạy vào tiệm game cầm tấm gương vỡ cố thủ và chống trả quyết liệt. Lực lượng chức năng vận động bất thành nên trấn áp Thành đưa về trụ sở công an.
Châu Dung Thành (ngồi giữa) lúc bị công an bắt. Ảnh: Xuân Duy |
Tại đây, Thành tiếp tục la hét và có biểu hiện chống trả lực lượng công vụ.
Sau khi lấy lời khai nhân chứng, nạn nhân và những người liên quan, Công an quận 11 tạm giữ hình sự Thành. Đến 4h sáng hôm sau, Thành nói bị bệnh nên được Công an quận 11 đưa vào bệnh viện và tử vong sau đó. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Thành tử vong vì phù phổi cấp.
Theo Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), tại Điều 373. Tội dùng nhục hình ghi rõ:
1. Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...
4. Phạm tội làm người bị nhục hình chết, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Dùng nhục hình trong hoạt động tố tụng bao gồm hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động, bắt giữ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác gây tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án và những người tham gia tố tụng khác.
Hành vi có dấu hiệu phạm tội, người có dấu hiệu phạm tội phải được phát hiện ngăn chặn kịp thời, tuy nhiên việc đấu tranh, ngăn chặn của người tiến hành tố tụng phải tuân thủ quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015
Điều 10. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể
“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người.”
Trong vụ án Dùng nhục hình này Cơ quan Điều tra của VKSND Tối cao cùng với việc bắt người có hành vi dùng nhục hình, đã thu giữ được tại phòng giam giữ Camera ghi nhận lại toàn bộ quá trình quản lý người bị tạm giữ. Đây là bằng chứng vô cùng quan trọng có giá trị quyết định đi đến kết luận nguyên nhân, cách thức thực hiện hành vi nhục hình, người người gây ra cái chết cho anh Châu Dung Thành.
Cần áp dụng ghi âm, ghi hình toàn diện mọi hoạt động tố tụng càng sớm càng tốt
Việc ghi âm, ghi hình khi bắt giữ, tạm giữ, thu thập chứng cứ, lấy lời khải, hỏi cung đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó hầu hết các hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có thể phải ghi âm ghi hình theo yêu cầu của bị can, bị cáo, cơ quan tiến hành tố tụng phù hợp với điều kiện trang thiết bị của đơn vị thực hiện hoạt động điều tra
Để cụ thể hóa nội dung trên Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01 tháng 02 năm 2018 Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
Quy định tại khoản 1 điều 2. Ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi lại âm thanh hoặc hình ảnh có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can; lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội; lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Khoản 3 điều 11 xác định: 3. Bộ Công an phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan quyết định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử. Chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2020 thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử trên phạm vi toàn quốc.
Theo quan điểm của Luật sư Quách Thành Lực thì việc ghi âm, ghi hình trong thời điểm hiện tại là việc làm hết sức dễ dàng do chi phí trang thiết bị ghi âm, ghi hình, lưu trữ, xử lý rất thấp. Cần phải áp dụng ghi âm, ghi hình toàn diện mọi hoạt động tố tụng ngay, không cần chờ đợi đến ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Đây là hoạt động giám sát đảm bảo người tiến hành tố tụng thực hiện đúng pháp luật, không xâm phạm quyền bất khả xâm phạm của công dân, giúp hạn chế tình trạng người bị tam giam, tạm giữ bị đánh đập, bị thương vong, tử vong không rõ nguyên nhân trong giai đoạn điều tra, truy tố xét xử.
“Tôi tin rằng nếu áp dụng ghi âm ghi hình toàn bộ hoạt động điều tra, truy tố xét xử thì sẽ không còn những cái chết đầy uất ức, uẩn khúc, gây nghi ngờ, phẫn uất tạo tâm lý xấu trong xã hội khi có người tử vong tại nơi tam giam, tạm giữ, trong quá trình điều tra như đã diễn ra trong suốt nhiều năm nay”, Luật sư Quách Thành Lực chia sẻ.
Xin cảm ơn luật sư!
Tác giả: Ngọc Hân
Nguồn tin: Báo Dân trí