Xã hội

Một tháng 20 người chết vì tai nạn đường sắt, Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn

Chỉ riêng tháng 7, ngành đường sắt xảy ra 27 vụ tai nạn, làm chết 20 người, bị thương 23 người.

Tai nạn giao thông đường sắt tăng cả số vụ, số người chết và bị thương. Mới đây nhất, vụ tai nạn xảy ra vào ngày 31/7, khi tới đoạn giao với đường ngang có gắn biển báo tại Km 1465+810 (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), tàu SE27 đâm vào ô tô 16 chỗ làm 3 người chết tại chỗ, 1 người bị thương nặng được đưa vào bệnh viện nhưng không qua khỏi.

Ngày 16/7, tàu LP5 đến Km 75+00 (lối đi tự mở) khu gian Phạm Xá - Phú Thái (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) va chạm với 2 phụ nữ đi xe đạp điện. Hậu quả, 1 người chết, 1 người bị thương...

Trước đó, ngày 9/7, tàu SE1 đến Km 900+360 khu gian Núi Thành - Trị Bình (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) va vào xe taxi 4 chỗ của hãng Mai Linh làm chết 2 người, 2 người bị thương.

Vụ tai nạn đường sắt thảm khốc tại Bình Thuận hôm 31/7 làm 4 người chết

Một vụ khác xảy ra ngày 4/7, tàu SE3 đến Km 126 + 575 khu gian Ghềnh - Đồng Giao (Tam Điệp, Ninh Bình) va chạm với 2 người đi xe máy đi trên đường tự mở để vượt qua đường sắt làm 1 người chết, 1 người bị thương.

Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng, nguyên nhân của các vụ tai nạn do người tham gia giao thông đường bộ không chú ý quan sát, không chấp hành các quy định về an toàn giao thông khi đi qua các vị trí giao cắt giữa đường sắt - đường bộ.

Từ đầu năm 2019 đến nay, các vụ tai nạn giao thông đường sắt chủ yếu xảy ra trên lối đi tự mở và dọc hai bên hành lang đường sắt, chiếm tới 78%. Còn lại xảy ra tại đường ngang có biển báo, cảnh báo tự động có cần chắn tự động.

Sau vụ tai nạn đường sắt tại Bình Thuận làm 4 người chết, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường sắt VN, các cơ quan liên quan phối hợp Tổng công ty Đường sắt đánh giá nguyên nhân khiến tai nạn giao thông đường sắt tăng cao trong tháng 7, đề xuất các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian tới.

Lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và xoá bỏ lối đi tự mở. Nâng cấp toàn bộ đường ngang cảnh báo bằng biển lên đường ngang có cần chắn tự động.

Tập trung xử lý vi phạm như: xây dựng lều quán, mái vẩy, xây bục bệ, đắp vuốt làm lối đi qua đường sắt...

Phó Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành có đường sắt đi qua tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt...

Tác giả: Vũ Điệp

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP