Cây gió trầm được xem là “cây gia bảo” của gia đình, nhằm mang “lộc” vào nhà, cây giá trị cả nửa tỷ đồng (ảnh Trương Hoa). |
Xã Phúc Trạch là đất của bưởi, thương hiệu bưởi Phúc Trạch nổi tiếng khắp nước nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, người dân nơi đây bỗng chốc bỏ bưởi để “săn” gió trầm – loại cây được cho là “vô giá”. Cũng nhờ phong trào trồng cây gió trầm mà đời sống người dân miền núi nghèo khó, bỗng chốc thay đổi.
Trong những vườn cây của từng hộ gia đình tại xã Phúc Trạch, Phúc Đồng, huyện Hương Khê người ta thấy xanh mướt những gốc trầm nỗi đuôi nhau dài vô tận như một khu rừng nguyên sinh “nhân tạo”. Còn bưởi, le lói những gốc cây cằn cội, không có quả. Dân nói, bưởi “hết giá” 10 năm nay rồi?!
Chúng tôi ghé chân vào hộ dân đình anh Lê Văn Thọ (SN 1958) và chị Võ Thị Nga (SN 1976), trú tại xóm 8, xã Phúc Trạch. Nhìn tài sản vô giá về những kiệt tác gốc trầm tự chế dựng trong nhà, khách không khỏi xuýt xoa tấm tắc. Đẹp, lạ mắt và kỳ thú. Nhất khi mỗi gốc trầm đó có giá lên tiền tỷ.
Một gốc trầm được coi là “cây gia bảo”- “Lộc” của gia đình, cây đó phải tự nhiên, hình thức đẹp, cao lớn, có nhiều vệt đen, tia dầu uốn lượn thành một hình hài tuyệt đẹp, như hàng trăm chiếc đồng hồ cát sắp hình thẳng đứng. Gia đình anh Thọ may mắn sở hữu được “cây gia bảo” nói trên. Anh nói, “Nhiều tay buôn, nhất là thương lái Trung Quốc đã ra giá nửa tỷ đồng!”.
Xung quanh căn nhà, còn hàng chục gốc cây trầm “tự chế” đẹp mê hồn. Mỗi cây cảnh gió trầm giá trị thấp nhất cũng 10 triệu đồng. Gốc cây cảnh này chỉ được các thương lái “săn” về để làm “cảnh” trong nhà. Cụm từ “chơi trầm” để “lộc phát” vào nhà cũng bắt đầu từ đây, khi một vài người quan niệm về phong thủy. Nó vừa chống tà, vừa đem không khí nhẹ nhàng, tươi mới cho căn nhà hộ gia đình.
Lý giải về giá trị gió trầm, anh Thọ chỉ chép miệng nói: “Vàng có thể có giá, còn gió trầm thì vô giá”. “Hôm nay, anh mua một gốc gió trầm tự chế 10 triệu đồng, hôm sau người khác vào hét giá 300 triệu đồng, có khi nó lên tiền tỷ. Thị trường gió trầm khó nói bằng con số cụ thể!”, anh Thọ chia sẻ.
Để có một tài sản vô giá về những kiệt tác “cây cảnh” gió trầm, bản thân gia đình anh Thọ cũng như những hộ khác như anh Lê Văn Vinh (SN 1960), xóm 1, xã Phúc Trạch đều phải trải qua một quá trình hiểu biết về trầm rồi “săn tìm”, chế tác, lâu dài. Những gốc trầm gió sẽ được các chủ trầm xem như “của để dành”, khi nào có giá thì sẽ bán.
Con đường trồng cây gió trầm, đã tự phát 10 nặm nay, vào những năm thập niên 90 thế kỷ trước, người dân nơi đây tự lấy giống gió trầm gieo trồng ngay tại vườn nhà. Theo anh Vinh, kỹ thuật lấy giống và gieo trồng trầm cũng khá đơn giản. Mùa quả chín, dân lấy quả, tách hạt và giâm trong cát ẩm hoặc cát pha đất. Sau khi hạt mầm xuất hiện 1 lá thì cấy vào bầu. Khi cây con lớn khoảng 4-5 tháng tuổi có thể đem trồng. Từ 8 đến 10 năm sau là đã có thể thu hoạch trầm với trị giá đã gấp cả trăm lần.
Khi người dân nhận thức giá trị gió trầm cao hơn, họ sẽ tự biến những cây trầm hương còn nguyên sơ, qua sơ chế, rồi để “chơi cây cảnh” trong nhà. Một là gốc cây tự nhiên (qua thời gian tạo ra gió trầm), hai là tự tạo (do bàn tay người tác động vào) để tạo nên gió trầm. Giá trị trầm hương lên giá lúc nào chính người dân nơi đây cũng lấp lửng?! Họ chỉ biết, nhờ gió trầm mà đời sống người dân ở đây trở nên khấm khá.
Đục khoét tìm trầm |
Mẻ sản phẩm gió trầm đang chờ xuất bán (ảnh Trương Hoa) |
Miếng gió trầm này chưa đầy nửa lượng đã được “hét” giá 30 triệu đồng (ảnh Trương Hoa) |
Chỉ cần đốt lên, mùi hương của gió trầm tỏa ngát, thức tỉnh mọi giác quan người ngửi, lan tỏa cả một khu vườn (ảnh Trương Hoa) |
Kiệt tác “cây gia bảo” gió trầm này được chủ nhà anh Lê Văn Thọ ra giá nửa tỷ đồng (Ảnh Trương Hoa) |
Mỗi cây gió trầm được chế tác có vẻ đẹp khác nhau, giá một cây thấp nhất cũng xấp xỉ 10 triệu đồng (ảnh Trương Hoa) |
Những tác phẩm từ gió trầm của gia đình anh Lê Văn Thọ (ảnh Trương Hoa) |
Những tác phẩm gió trầm này là những gốc cây lựa chọn tự nhiên, chưa hề qua tác động bàn tay của con người (ảnh Trương Hoa). |