Chiều cuối năm, trong lúc mọi người đang nô nức sắm sửa chuẩn bị cho cái Tết sắp tới thì có một người phụ nữ nghèo bệnh tật vẫn loay hoay tìm cách cứu mình và có tiền cho các con đi học. Đó là cô Phạm Thị Hương (sinh năm 1967 ở thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định). Cô Hương mắc căn bệnh ung thư vú từ cách đây hơn 1 năm.
Dù đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u nhưng quá trình điều trị của cô còn kéo dài, phải dùng đến nhiều toa hóa chất và xạ trị. Suốt thời gian qua, cô đã đến bệnh viện không biết bao nhiêu lần. Dù thân thể đau nhức, mệt mỏi cô cũng cố gắng đi một mình để chồng có thời gian kiếm tiền. Chỉ khi nào sức khỏe quá yếu, không thể tự lo cho bản thân, cô mới cần người nhà chăm sóc ít ngày. Tiết kiệm cả sức người như vậy nhưng gia đình cô Hương luôn trong tình trạng túng thiếu.
Cô Phạm Thị Hương đang rất cần được sự chia sẻ của bạn đọc. |
Để có tiền mua thuốc, thời gian đầu nhà cô đã bán đi đàn heo, đàn nghé. Đến khi không còn gì để bán, cô Hương đành nhờ cậy đến sự giúp đỡ của mọi người.
Mỗi lần đi bệnh viện, cô lại hỏi vay người quen, bạn bè. Số nợ lớn dần chưa biết khi nào có thể trả được, cô cố gắng tiết kiệm tối đa. Ở bệnh viện may mắn có bữa cơm từ thiện, lúc về nhà, hàng xóm thương tình người cho dừa, người cho đậu để cô bồi bổ thêm.
“Mỗi lần về mọi người lại thương đem cho dừa, đậu đen uống cho mát. Ở nhà có rau, chỉ mua con cá về bồi dưỡng thêm, thịt đắt đỏ cũng không dám mua nhiều. Nhà gần biển mua vài ba chục ngàn tiền cá nhỏ về kho, hái nắm rau nhà nữa là xong bữa. Ăn uống với tôi không quan trọng lắm, có gì ăn nấy qua bữa là được, chỉ mong sao có tiền mua thuốc thôi”, cô Hương nói.
Mẹ bệnh, ước mơ của con đành nén lại
Từ khi cô Hương bị bệnh, gánh nặng cơm áo gạo tiền, một mình chồng cô không thể kham nổi. Vợ chồng cô có ba người con, con gái lớn đã lấy chồng, còn lại hai đứa đang lần lượt học lớp 9 và lớp 12.
Các em đều học khá giỏi, cô học trò lớp 12 mong muốn được học ngành môi trường. Cô Hương động viên con cố gắng học nhưng chính cô cũng không biết gia đình mình có thể lo cho con được không.
Hai cô con gái có nguy cơ bỏ học giữa chừng. |
Trước đây khi chưa phẫu thuật, cô Hương còn phụ chồng đi làm thuê kiếm tiền nuôi con. Từ ngày phẫu thuật cắt bỏ khối u và hạch nách, cô không làm được việc nặng, cũng không được xách được quá 5kg. Mỗi lần về nhà ít bữa, cô lại gắng gượng nấu cho con bữa cơm và quét nhà.
Chồng cô Hương, chú Nguyễn Quang Vinh ngoài những lúc làm việc nhà lại tranh thủ kiếm việc làm thuê. Công việc phụ hồ thất thường, mỗi tháng chỉ làm được 10-15 ngày. Số tiền kiếm được lo sinh hoạt phí còn không đủ nên không phụ giúp được vợ điều trị.
“Theo phác đồ của bác sĩ, tôi phải điều trị 8 toa hóa chất và 15 tia xạ, sau khi hết đợt này vẫn phải tái khám và uống thuốc 5 năm tiếp theo. Ngoài thuốc trong danh mục bảo hiểm tôi vẫn cần phải mua thuốc ngoài. Một lọ thuốc hơn triệu bạc có khi bằng cả tạ thóc, biết lấy tiền đâu mà mua", cô thở dài. Nghèo khổ bủa vây lấy gia đình cô Hương. Thậm chí, cô từng xin bác sĩ cho ngưng hoặc giảm thuốc nhưng nếu như vậy thì e rằng không giữ nổi tính mạng.
Một gia đình sống bằng nghề nông, nuôi hai đứa con đang ăn học thì ngay cả lúc khỏe mạnh cũng không dễ dàng gì. Cô Hương lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo khiến cảnh nhà thêm phần éo le. Chút hy vọng cuối cùng cô Hương đặt vào, đó là sự chia sẻ của những tấm lòng hảo tâm sẵn sàng đưa tay ra giúp đỡ.
Mọi đóng góp có thể gửi về: 1. Gửi trực tiếp: Chú Nguyễn Quang Vinh, thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định. SĐT: 034 502 4719 |
Tác giả: Đức Toàn
Nguồn tin: Báo VietNamNet