Dưới đây là chia sẻ của chị Thu Nga, 41 tuổi, hiện sống ở TP HCM về những sai lầm trong quản lý tài chính của các thành viên trong gia đình mình, do sống lâu năm bên người mẹ quá tiết kiệm:
Mẹ tôi vẫn nhắc lại câu thành ngữ xưa: "Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện". Tôi cũng nghĩ tiết kiệm là tốt. Tuy nhiên, cái gì quá thì lại thành không tốt.
Tôi không rõ thói quen tiết kiệm của mẹ có từ khi nào, nhưng đúng là nhờ tiết kiệm mà mẹ tôi vẫn một mình nuôi được mấy đứa con dù lương chẳng là bao. Trước đây, mẹ tôi làm tạp vụ trong một nhà máy ở miền Bắc. Đầu những năm 1990, sau khi nghỉ hưu sớm vì đã đủ năm làm việc, mẹ đưa chúng tôi vào TP HCM sinh sống. Nhờ buôn bán lặt vặt, trông trẻ cho công nhân gần nhà... mẹ tôi dần dần mua được đất, xây phòng cho thuê. Đến giờ, mỗi tháng thu khoảng 17 triệu đồng từ nhà trọ và 3 triệu tiền lương hưu, không phải nuôi đứa con nào nữa, nhưng mẹ tôi vẫn chi tiêu rất tiết kiệm, nếu không nói là hà tiện.
Mẹ tôi không ở với đứa con nào, một mình ở một phòng trọ để trông cả dãy trọ. Mỗi ngày, mẹ chỉ tốn khoảng 20.000 đồng tiền chợ. Bà thường ăn sáng bằng cơm thừa từ hôm trước, rau héo nhà hàng xóm bỏ đi, bà tiếc rẻ lại xin về ăn. Mẹ không dám mua những thứ đắt tiền như gà, thịt bò hay hải sản, thậm chí còn kêu không biết ăn để con cái khỏi mua.
Tôi thương mẹ kham khổ, cuối tuần con nghỉ học hay cho về bà chơi. Tôi mua thức ăn, dự định ăn một hai bữa. Mẹ tiếc tiền hộ tôi, chia ra ăn đủ hai ngày thứ 7 chủ nhật, vì thế các con tôi không muốn ăn cùng bà vì ăn xong luôn có cảm giác thiếu thiếu. Có tiền nhưng mẹ tôi không dám đi chơi, đồ dùng không dám sắm, quần áo mới không mua, bát đĩa mẻ không nỡ vứt.
Có tiền nhưng mẹ tôi vẫn dùng đũa thìa cũ kỹ, bữa cơm đạm bạc hầu như chỉ có canh. Ảnh: TN. |
Chị em tôi nhiều lần nói với mẹ “hãy hưởng thụ cuộc sống đi” nhưng bà không thay đổi, thậm chí còn mắng lại chúng tôi là ăn chơi hoang phí. Đúng là chúng tôi cũng hoang phí thật, nên giờ cả mấy đứa gần 40 mà trong tay chẳng có gì. Tuy nhiên, tôi cảm thấy một phần sự hoang phí của chị em mình bắt nguồn từ sự chi tiêu quá dè xẻn của mẹ.
Từ bé sống trong sự kham khổ của mẹ nên chúng tôi luôn ao ước sau này có tiền sẽ chi tiêu thật thoải mái. Và sau này, cả ba chúng tôi đều đã có một thời “tiêu cho sướng tay”, “để yên tiền trong túi sợ nó nát” như mẹ tôi nhận xét.
Tôi sau một thời buôn hàng Bắc Nam bắt đầu có tiền. Lúc chuyển qua kinh doanh bất động sản năm 2005 là khi tôi bắt đầu chi tiêu không kiểm soát. Tôi thuê người giúp việc dù con cái đã lớn. Tôi thường xuyên tổ chức ăn uống tại nhà, mời đối tác đến ăn nhậu. Tôi chỉ cần kể một chi tiết nhỏ như thế này, bạn cũng có thể thấy tôi đã lãng phí thế nào: nhà tôi lắp 4 cái điều hòa nhiệt độ, nhưng gần như bật cả ngày dù trời mưa lạnh. Mỗi tháng tôi dùng hết khoảng 1.000 số điện dù nhà chỉ có 4 người. Điều đáng nói là có những lúc tôi phải vay mượn ngân hàng để làm ăn nhưng tôi cứ nghĩ đó là tiền của mình nên chi tiêu không nghĩ, vẫn đi du lịch trong và ngoài nước cả tuần. Do hoang phí và vay nợ lãi nhiều quá, sau vài đợt bong bóng bất động sản vỡ, hiện giờ tôi chỉ còn đúng ngôi nhà đang ở (giá thị trường khoảng 3 tỷ) dù có lúc tôi từng sở hữu cả khách sạn, đất, phòng trọ.
Cậu em thứ hai của tôi năm nay 37 tuổi, chỉ là công nhân bình thường, ở nhà cấp 4, nhưng hai vợ chồng thay điện thoại liên tục, mà toàn xài điện thoại đắt tiền nhất. iPhone 5 ra đời mua iPhone 5. iPhone 6 xuất hiện mua iPhone 6. Đến khi có iPhone 7 lại bán rẻ iPhone 6 mua iPhone 7. Đang mua trả góp chiếc xe tay ga mà hai vợ chồng vẫn rủ nhau mua trả góp điện thoại. Thu nhập chưa đến 20 triệu/tháng (hai vợ chồng đều công nhân, có thêm 5 phòng trọ do mẹ cho) nhưng em tôi dám đưa cả vợ con đi ăn tiệc buffet trong Giáng sinh ở một khách sạn 5 sao giá 2 triệu đồng/người.
Cậu em út 35 tuổi cũng hoang tàn chả kém chị và anh. Lấy tháng lương đầu tiên, nó đi mua hết quần áo, giày hàng hiệu. Năm 2014, cưới vợ xong, nó được nhà vợ cho 300 triệu, mẹ tôi cho một miếng đất 40m2 để xây nhà. Em tôi xây luôn một ngôi nhà 3 tầng để ở cho sướng vì cả thời thơ ấu chỉ được nhà lá và nhà cấp 4. Kết quả, xây xong, hai vợ chồng nợ 300 triệu. Trả nợ không nổi, đầu năm nay, em tôi đã phải bán nhà đi để mua căn nhà nhỏ hơn.
Thực ra, bây giờ, cả tôi và cậu út đã thấm thía việc vung tay quá trán của mình. Tôi không trách mẹ vì chính chúng tôi là người lựa chọn cách sử dụng đồng tiền của mình. Tuy nhiên, nhiều lúc tôi cứ nghĩ, thay vì tiết kiệm quá, mẹ tôi nên sống thoải mái hơn, dạy con về cách tiết kiệm chứ không phải bắt ép chúng tôi sống kham khổ thì có lẽ chị em tôi sẽ không tiêu cho sướng tay khi có tiền.
Tác giả: Thu Nga
Nguồn tin: Báo VnExpress