Chủ tịch kiêm CEO của Mazda Bắc Mỹ - ông Masahiro Moro |
Lý do dấy lên tin đồn Mazda và Toyota sáp nhập là nhiều ý kiến cho rằng việc này đem lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Cụ thể, Mazda hiện nay không có mẫu xe chạy điện nào, chỉ có xe hybrid. Và Toyota hoàn toàn có thể trợ sức. Vậy nếu sáp nhập thì Toyota được lợi gì? Một là thế mạnh về động cơ xoay của Mazda có thể ứng dụng vào công nghệ động cơ điện. Thứ hai, và quan trọng hơn, chính là việc hai bên xây dựng nhà máy chung ở Alabama để sản xuất xe chạy điện.
Tuy nhiên, khi phát biểu tại Hội nghị thế giới tin tức ô tô ở Detroit (Mỹ), ông Moro cho biết, mối quan hệ giữa Mazda với Toyota luôn chỉ là hợp tác và sẽ không đi đến việc sáp nhập.
“Hai công ty chúng tôi sẽ hợp tác trong lĩnh vực xe chạy điện. Tuy nhiên, dù có quan hệ đối tác về công nghệ, Mazda vẫn sẽ là một công ty độc lập. Chúng tôi có định hướng sản xuất xe con và SUV khác nhau, và sẽ tập trung làm tốt mảng của mình,” ông Moro nói.
Mazda gần đây đã công bố dự án xây dựng một nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD ở Alabama (Mỹ) cùng với Toyota. Nhà máy này sẽ tạo ra khoảng 4.000 việc làm khi đi vào hoạt động vào năm 2021, và sản xuất mẫu crossover sắp ra mắt của Mazda, cùng với mẫu Toyota Corolla. Nhà máy này chỉ là một phần trong chiến lược Zoom-Zoom 2030 bền vững của Mazda.
Mazda có kế hoạch trình làng thế hệ động cơ đốt trong Skyactiv-X mới vào năm 2019, hứa hẹn sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn khoảng 20-30% so với các động cơ hiện tại. Ngoài ra, Mazda đang nghiên cứu phát triển công nghệ thông minh nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tác giả: Nhật Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí