Chuyến bay xấu số kí hiệu 9268 nổ tung trên bầu trời Ai Cập có những điểm chung kì lạ với thảm họa Lockerbie cách đây 27 năm.
Chiếc máy bay 9268 bị nổ ở cùng độ cao 9.400m với chiếc Pan Am 747 vỡ vụn ở thị trấn Lockerbie (Scotland) tháng 12.1988. Cơ quan điều tra lo ngại rằng nguyên nhân thực sự đằng sau thảm họa hàng không lớn nhất của Nga này giống với vụ Lockerbie: sự trả thù.
Hiện trường vụ tai nạn ở Lockerbie (Scotland)
Vụ việc Lockerbie xảy ra chỉ hai năm sau khi Mỹ ném bom vào Libya để trả đũa vụ việc một sàn nhảy ở Berlin bị đánh bom khiến 79 lính Mỹ thương vong. Sau vụ đánh bom, một nghi phạm người Libya có tên Abdelbaset al-Megrahi đã bị kết án thực hiện vụ khủng bố tại một tòa án đặc biệt ở Hà Lan năm 2001.
Động cơ máy bay 9268 tại bán đảo Sinai (Ai Cập)
Một trong những giả thiết nổi lên là nhóm khủng bố cực đoan đã tìm cách tiêu diệt máy bay của hãng Kogalymavia để trả thù Tổng thống Vladimir Putin thực hiện chiến dịch không kích nhằm vào IS ở Syria. Nhóm IS cũng khẳng định đã bắn hạ máy bay 9268 ở bán đảo Sinai khiến 224 người thiệt mạng.
Vụ nổ bom trên máy bay ở Lockerbie tạo ra một lỗ hổng nhỏ trên thân máy bay và làm chênh lệch áp suất đột ngột. Máy bay Mỹ vỡ vụn sau đó ít giây, tương tự những gì các chuyên gia nhận định về vụ rơi máy bay Nga.
Một nguồn tin an ninh của Anh cho hay: “Vật liệu sử dụng càng đơn giản, càng ít kim loại thì an ninh sân bay càng khó phát hiện. Chỉ cần 9 lạng thuốc nổ, bằng kích thước một túi đường nhỏ, là thảm họa có thể xảy ra”.
Nữ doanh nhân người Syria Sylvia Tidy-Harris, một người thường xuyên ghé thăm khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh khẳng định khủng bố hoàn toàn có thể mang bom lên máy bay vì an ninh ở đây quá tệ.
Chuyên gia nhận định một kẻ nội gián đã gắn bom lên máy bay. Cô Sylvia cho biết: “An ninh ở sân bay chả khác gì trò hề. Tôi nghĩ nếu mà có gắn bom trên máy bay thì cũng chả ngạc nhiên đâu. Hồi tôi ở Sharm tháng 11 năm ngoái, mấy anh nhân viên an ninh còn chẳng quan tâm hành khách mang gì trong người. Tôi đi qua cửa soát an ninh, tay cầm một chai nước 2 lít mà họ cũng cho qua”.
Phần còn sót lại của chiếc máy bay xấu số
“Nếu có ai đó ăn vận như một quân nhân thì chắc qua cửa an ninh chẳng khó khăn gì cả. Mấy nhân viên hải quan ở đây sẽ được một khoản hoa hồng nho nhỏ và thế là xong chuyện”.
Điện Kremlin và Nhà Trắng đều khẳng định yếu tố khủng bố là không thể có, bất chấp IS tuyên bố và tung video quay được cảnh máy bay bị bắn hạ.
Ông James Clapper, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ nói: “Chúng tôi chưa thấy bất kì bằng chứng trực tiếp nào có dấu hiệu liên quan tới khủng bố nhưng không khả năng nào bị loại trừ cả”.
(theo Dân Việt)