Kinh tế

Mang tiền giả lừa ngân hàng, lấy tiền thật đổi tiền giả ăn tiêu

Mua bán, sử dụng tiền giả là hành vi phạm pháp, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật. Song thực tế, tiền giả vẫn xuất hiện và được rao bán công khai trên mạng.

Rao bán công khai

Gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều đối tượng bán các loại tiền giả công khai với số lượng lên tới hàng trăm triệu đồng.

Chỉ với vài từ khóa tìm kiếm đơn giản, người dùng mạng xã hội Facebook dễ dàng thấy nhiều tài khoản đang kinh doanh tiền giả. Các tài khoản này không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào, không có số điện thoại mà chỉ trao đổi với "khách hàng" qua Facebook.

Những mẩu quảng cáo bán tiền giả số lượng lớn xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình Facebook "Bán tiền giả ***** *** ****".

Theo các trang Facebook bán tiền giả quảng cáo, tiền giả nhập về chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan và được quảng cáo "giống tiền thật đến 98%". Tiền giả thường có mệnh giá 100.000, 200.000 và 500.000 đồng, được bán theo tỷ lệ 1:10, tức 1 đồng tiền thật đổi 10 đồng tiền giả.

Để đảm bảo không bị cơ quan chức năng truy danh tính, các đối tượng bán tiền giả thường lựa chọn phương pháp thanh toán bằng thẻ điện thoại, thay vì chuyển khoản ngân hàng. Bên mua sẽ gửi số thẻ điện thoại cùng số seri cho bên bán, sau khi xác nhận thẻ nạp được tiền, bên bán sẽ chuyển tiền giả cho bên mua theo đường gửi nhà xe hoặc chuyển phát nhanh.

Không ít người vì hám lợi mà bất chấp thực hiện giao dịch chuyển tiền theo yêu cầu của các admin, và rồi đợi mãi không thấy tiền chuyển lại thì mới ngã ngửa ra là mình bị lừa.

Lừa cả ngân hàng

Điều đáng nói, nhiều đối tượng, do thiếu hiểu biết hoặc liều lĩnh, mang cả tiền giả đến ngân hàng để gửi. Điển hình là hai vụ việc diễn ra gần đây.

Vào trưa 25/5, tại ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín chi nhánh huyện Bình Chánh, tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM, 2 người gồm 1 nam - 1 nữ đến gửi tiền vào tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng này. Hai người này giao cho nhân viên 17,4 triệu đồng, gồm 87 tờ tiền loại mệnh giá 200.000 đồng/tờ.

Tiền giả bị phát hiện.

Qua kiểm tra, nhân viên ngân hàng phát hiện là tiền giả nên đã giữ chân các khách hàng nói trên và âm thầm trình báo cơ quan công an địa phương. 2 người nói trên được xác định là T.P.T (SN 1988) và L.V.C (SN 1990, cùng quê Bến Tre).

Trước đó, ngày 3/3, ông P.N.D (44 tuổi, ngụ tỉnh Thái Bình) mang theo 1.000 tờ USD mệnh giá 100 USD đến Ngân hàng Vietcombank ở quận 1, TP.HCM để quy đổi thành tiền Việt Nam đồng. Khi nhân viên của ngân hàng tiến hành thủ tục kiểm tra số ngoại tệ thì phát hiện nhiều nghi vấn, tiền bị cạo, sửa,...

Tại cơ quan công an, qua kiểm tra số tiền USD mà ông P.N.D mang tới ngân hàng đổi đã phát hiện bị cạo, sửa... từ tờ 1 USD thành 100 USD. Ông D khai nhận rằng nhận số tiền trên của ông N.V.T.D (49 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) và ông này nhờ đi đổi giúp.

Tiền giả đến từ đâu?

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số lượng tiền giả ngày một tăng. Mỗi năm, ngân hàng thu vào hàng chục tỷ đồng tiền giả, chủ yếu là các loại có mệnh giá cao. Song thực tế, số lượng tiền giả đang lưu hành trên thị trường đang lớn hơn rất nhiều.

Vậy tiền giả ở đâu mà nhiều thế và tiền giả được xuất hiện trên thị trường Việt Nam bằng con đường nào?

Tiền giả được tuồn từ biên giới vào Việt Nam


Theo VTV, tại khu chợ ở phía bên kia biên giới, những người cửu vạn biết rõ về những tên cò mồi và đầu mối chuyên buôn tiền giả. Nhưng sau nhiều vụ việc công an Việt Nam bắt giữ các đối tượng mua bán tiền giả, những ông trùm ở phía bên kia biên giới đã đi vào hoạt động bí mật hơn, giống như buôn bán ma túy.

Điều tra của cơ quan chức năng Việt Nam cho thấy, ở bên kia biên giới, có hơn 10 tụ điểm chuyên cất giấu, giao dịch tiền giả, chủ yếu nằm tại các khu vực nằm giáp biên như: Ái Điểm, Lũng Vài, Pò Chài, Bằng Tường,...

Trong đó có nhiều đối tượng móc nối, mua bán trong các đường dây này lại là người Việt Nam, đang bị truy nã hoặc nghiện ngập nên lẩn trốn để đưa tiền giả về nước.

Buôn tiền giả có thể mang thu được lãi lớn. Thiếu tá La Thịnh Trường - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hữu Nghị, Lạng Sơn cho biết: "Nếu các đối tượng buôn bán ma túy có lợi nhuận 200%, các đối tượng buôn tiền giả có thể lãi lên đến 400%".

Vì lợi nhuận cao nên các đối tượng buôn bán tiền giả cũng nhiều. Tuy nhiên, với hành vi phi pháp, các đối tượng buôn bán tiền giả sau khi bị phát hiện đã phải đối mặt với mức án cả chục năm tù.

Điều 180 Bộ luật Hình sự quy định người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có giá trị dưới 3 triệu đồng thì bị phạt tù 3-7 năm. Nếu giá trị tiền giả tương ứng 3-50 triệu đồng, người phạm tội bị phạt tù 5-12 năm, còn nếu từ 50 triệu đồng trở lên thì có thể chịu 10-20 năm tù hoặc chung thân. Cũng theo quy định của Bộ luật, nếu giao dịch tiền giả diễn ra thành công, cả người mua và người bán đều phạm tội lưu hành tiền giả, bất kể lượng tiền giả nhiều hay ít.


Cục Phát hành và Kho quỹ cho biết, để phân biệt tiền giả, người dân thử xé nhẹ ở mép, nếu dễ bị rách thì có khả năng là tiền giả. Muốn kiểm tra kỹ hơn, người dân nên soi cửa sổ nhỏ của tờ tiền trước nguồn sáng đỏ (bóng đèn tròn, ngọn nến, que diêm cháy sáng), nếu không xuất hiện chữ Việt Nam đối xứng màu ngũ sắc thì đó là tiền giả.

Tác giả: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP