Từ TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), theo Quốc lộ 15, trong cái nắng như đổ lửa của mùa hè, những cơn gió Lào rát bỏng đặc trưng của dải đất miền Trung, chúng tôi tìm về xã Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) quê hương của bưởi Phúc Trạch. Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi được biết người trồng bưởi nơi đây không còn tha thiết với giống cây quả đặc biệt, nổi tiếng này nữa. Càng lo lắng hơn khi được biết, hiện nay diện tích trồng bưởi trên địa bàn toàn xã giảm xuống một cách chóng mặt, người dân quay lưng lại với cây bưởi, hàng trăm gốc bưởi bị đốn hạ không thương tiếc để trồng những cây khác.
Chúng tôi được biết, mặc dù vẫn được chăm bón cẩn thận, nhưng cây bưởi Phúc Trạch những năm gần đây do thời tiết có nhiều biến đổi phức tạp, cây ra hoa và đậu quả kém, không còn cho năng suất và giá trị kinh tế cao như trước đây. Đã thế một vài năm gần đây lại liên tục mất mùa. Một nguyên nhân nữa là do chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương chưa thật coi trọng đến việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cũng như giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm. Người dân trồng bưởi ở Phúc Trạch vẫn phải bán sản phẩm của mình cho thương lái nhỏ lẻ, nên luôn bị ép giá thấp… Thế là, để mưu sinh, người dân trong vùng đành phải đốn chặt vườn bưởi để trồng các loại cây khác.
Ông Lê Hồng Mai (xóm 5, Phúc Trạch) tâm sự: “Cách đây mấy năm, về vùng đất này người ta vẫn thường ngợi khen với bưởi Phúc Trạch. Cả xã, gia đình nào cũng có vài trăm gốc bưởi là chuyện thường. Nhưng nay, người dân đã chặt vãn cả rồi, nhà nào nhiều chỉ còn vài ba chục gốc, thậm chí vài ba gốc như để thưởng thức. Người ta chặt bưởi để trồng những loại cây cho giá trị kinh tế cao hơn, chứ giờ trông chờ vào cây bưởi có mà chết đói. Ngay như gia đình tôi, trước đây nổi tiếng về diện tích trồng bưởi nhất nhì trong xã với gần 400 gốc, nay chỉ còn giữ được hơn 100 gốc thôi. Cứ đà này chẳng mấy chốc giống bưởi Phúc Trạch quê tôi chỉ còn lại trong ký ức mà thôi!”.
Từ nhiều năm nay chính quyền, các cơ quan chức năng ở địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm nghiên cứu tìm ra biện pháp cứu lại vị thế, phát triển cho giống bưởi quý hiếm này. Ví dụ, ngay từ năm 2002 một trại giống bưởi Phúc Trạch của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng trên 1,7ha, nhằm mục đích bảo tồn nguồn gien bưởi Phúc Trạch. Trung tâm hiện có tới 250 gốc bưởi. Thế nhưng, cũng như vườn bưởi của các hộ dân trong vùng, tất cả những gốc bưởi này cũng cho năng suất rất thấp.
Ông Đinh Hữu Tân, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Thực trạng suy giảm của giống bưởi này đang khiến chính quyền và nhân dân địa phương rất lo lắng. Chúng tôi luôn tìm mọi cách, tạo điều kiện và vận động người trồng bưởi phát triển diện tích, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để tăng năng suất. Bên cạnh đó chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu tìm ra biện pháp giữ gìn, bảo quản và phát triển nguồn gien của giống bưởi quý này… Chính quyền và nhân dân địa phương đã có nhiều nỗ lực để giữ gìn, bảo tồn giống bưởi đặc biệt của quê hương, nhưng lực bất tòng tâm. Rất mong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các nhà khoa học sớm bắt tay nghiên cứu, giúp địa phương chúng tôi giữ gìn, bảo tồn nguồn gien của giống bưởi Phúc Trạch”.
Giống bưởi Phúc Trạch nổi danh một thời, hiện đang đứng trước nguy cơ bị mất dần trên thị trường, rất mong các nhà khoa học, các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương sớm vào cuộc tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất giúp người nông dân giữ, phát triển vườn bưởi. Chúng tôi cho rằng, nếu cây bưởi thực sự là cây mang lại nguồn thu chính cho người dân, thì Phúc Trạch mới giữ được giống bưởi này./.
Bài và ảnh: Xuân Hiếu
QĐND