Thế giới

Lý do Indonesia không cảnh báo thảm họa sóng thần

Sạt lở đất do hoạt động của núi lửa ngoài khơi làm sóng thần hình thành quá đột ngột, khiến nhà chức trách Indonesia không thể cảnh báo kịp thời.

Núi lửa Anak Krakatau bắt đầu phun trào từ tháng 6 năm nay. Ảnh: Tempo.

Núi lửa Anak Krakatau bắt đầu phun trào từ tháng 6 năm nay. Ảnh: Tempo.

Khác với những thảm họa trước đó do động đất kích họa, trận sóng thần cướp đi sinh mạng của hàng trăm người ở Indonesia cuối tuần trước nhiều khả năng là kết quả từ hoạt động bất ổn của núi lửa Anak Krakatau, theo National Geographic.

Sóng thần tràn qua đảo Sumatra và Java của Indonesia vào tối hôm 22/12, trước 9h30 tối theo giờ địa phương, không có cảnh báo trước về bức tường nước. Dù số lượng thương vong sẽ còn gia tăng do nhiều người mất tích chưa được tìm thấy, nhà chức trách xác nhận ít nhất 220 đã tử vong và hơn 800 người bị thương.

Lý do khiến Indonesia thất bại trong công tác cảnh báo sóng thần là do nguồn gốc bất ngờ của những cơn sóng. Trận sóng thần này là do sự sụp đổ của núi lửa ngoài khơi gây ra.

Núi lửa Anak Krakatau phun trào không liên tục từ hôm 18/6. Dù chưa có đầy đủ thông tin chi tiết về chuỗi sự kiện dẫn tới thảm họa sóng thần, nhiều bằng chứng chỉ ra hoạt động núi lửa gắn liền với một vụ sạt lở. Một phần lớn sườn phía nam của ngọn núi lửa trượt xuống đại dương vào đúng hôm 22/12, theo hình ảnh từ vệ tinh Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

Những sự kiện như vậy không phải hiếm khi xảy ra, theo nhà địa vật lý Mika McKinnon. "Những ngọn núi lửa chỉ là sự gắn kết yếu ớt của các lớp đất đá, tại đó mỗi vụ phun trào khiến lớp đất trượt nhiều hơn xuống dưới, do đó tất cả các lớp đất đá đều nghiêng theo chiều dốc xuống. Một phần ngọn núi lửa có thể dễ dàng vỡ ra bất cứ lúc nào. Nếu phần đó có kích thước lớn, nó sẽ tạo ra hàng loạt cơn sóng ập vào bờ hết sức đột ngột, gần giống ném một viên sỏi xuống mặt ao", McKinnon giải thích.

Khi nghĩ về sóng thần, phần lớn mọi người thường sẽ hình dung những vụ động đất dữ dội. Động đất nằm trong số các nguyên nhân phổ biến nhất tạo ra bức tường nước mang sức mạnh hủy diệt. Chuyển động của vỏ Trái Đất bên dưới đại dương có thể làm xê dịch lượng nước khổng lồ, khiến các cơn sóng dồn lên và xô vào những bờ biển gần đó. "Nhưng động đất không phải nguyên nhân duy nhất hình thành sóng thần", McKinnon nhấn mạnh. Sông băng nứt vỡ, sạt lở đất và phun trào núi lửa cũng có thể dấy lên sóng thần.

Trong trường hợp này, thủ phạm kích hoạt sóng thần là núi lửa trẻ Anak Krakatau. Tên gọi của nó có vẻ quen thuộc bởi nó hình thành trong lòng núi lửa cổ xưa Krakatoa. Vụ phun trào năm 1883 của núi lửa Krakatoa là một trong những vụ phun trào lớn nhất ở thời hiện đại. Vụ phun trào này lớn tới mức có thể nghe thấy từ đảo Rodriguez ở cách đó gần 4.800 km và kéo theo sóng thần giết chết hơn 3.600 người.

"Nhưng núi lửa Krakatoa không chết. Thay vào đó, một núi lửa mới bắt đầu phát triển. Ngọn núi lửa trẻ được đặt tên là Anak Krakatau, hay 'con của Krakatoa'".

Trong thảm họa cuối tuần trước, những cơn sóng do hoạt động núi lửa lúc đầu gây nhầm lẫn về tình trạng trên bờ. Động đất có thể báo trước nguy cơ sóng thần, nhưng sạt lở đất không thường xuyên sinh ra rung chấn. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu thu được tiếng ầm ầm với tần số thấp quanh thời điểm xảy ra sóng thần, manh mối hé lộ nguyên nhân có thể là sạt lở đất.

Giới khoa học mới chỉ nghiên cứu những tín hiệu tần số thấp này gần đây. Chúng thường gắn liền với hoạt động núi lửa như chuyển động của magma ở sâu bên dưới lòng đất, sự sụp đổ của buồng magma, sông băng nứt vỡ hoặc sạt lở ngầm dưới biển.

"Các tín hiệu được tìm thấy ở Naypyitaw, Myanmar, cũng như trên khắp các đảo Java, Sumatra, Borneo", Jamie Gurney, sáng lập viên của tổ chức Earthquake Bulletin ở Anh, cho biết. Nhưng sóng rung chấn không dừng lại ở đó mà truyền xa tới tận vùng Arti trên dãy Ural của Nga và thị trấn Kambalda ở Tây Australia.

Phương pháp mô hình hóa cũng cung cấp thêm manh mối về những gì đã xảy ra. Dựa vào thời gian ập đến của những cơn sóng và địa thế khu vực, Andreas Schäfer, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Viện Công nghệ Karlsruhe thử tìm nơi sạt lở đất. Vận tốc sóng được xác định bởi độ sâu của vùng biển và độ cao của cơn sóng liên quan tới sự sạt lở đất, cho phép các nhà nghiên cứu mô phỏng sự kiện.

Mô hình của Schäfer chỉ ra sạt lở đất diễn ra theo hướng đông nam hoặc tây nam. Những cơn sóng mất khoảng 30 - 35 phút để tràn vào bờ. Dữ liệu đã được xác nhận cho thấy nơi sóng thần ập vào đầu tiên là Marina Jambu gần thị trấn Anyer ở Java.

Tác giả: An Khang

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP