Để “mắt biển” lung linh
Bác Cẩm – Trạm trưởng đèn Cửa Sót – chia sẻ: “Công việc hàng ngày của chúng tôi là kiểm tra, bảo dưỡng hải đăng, hệ thống điện, hệ thống pin mặt trời, ắc quy, trao đổi thông tin với các trạm liên quan và cung cấp thông tin về tổng công ty”. Công việc đòi hỏi tính liên tục, phải trực 24/24 giờ nên 5 cán bộ trạm luôn phải thay phiên nhau làm việc.
Bác Cẩm cho chúng tôi xem quyển “Nhật ký đèn biển” được ghi chép rất cẩn thận và nói: “Trạm neo người mà công việc nhiều, anh em phải chia ca trực nên cũng vất vả lắm.
Dù nắng, mưa hay bão tố, công việc của những người gác đèn vẫn âm thầm, lặng lẽ để nhân thêm niềm tin cho những con tàu vượt sóng ra khơi và góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.
Cứ tưởng trạm đèn chỉ cần bật và tắt là hoàn thành nhiệm vụ, nhưng để bật và tắt được vào đúng thời điểm thì 5 con người ở đây phải làm việc không ngừng nghỉ từ sáng sớm đến tận đêm khuya.
Sáng sớm, người gác đèn leo hàng trăm bậc thang từ chỗ ở lên đến hải đăng, lại tiếp tục leo những bậc thang nhỏ xíu, dốc thẳng đứng, hẹp, chỉ vừa một người đi từ chân đến đỉnh hải đăng để kiểm tra máy phát điện, hệ thống đèn và các thiết bị chiếu sáng, theo dõi thông số kỹ thuật để kịp thời phát hiện và điều chỉnh, đo đạc, thu thập các số liệu, độ sáng của đèn.
Khi công việc chuẩn bị đã xong, đúng giờ quy định, hải đăng lại lên đèn, nhiệm vụ gác đêm vất vả hơn rất nhiều bởi các anh phải thức để theo dõi sự hoạt động của đèn và xử lý những biến cố có thể xảy ra.
Trạm viên Hoàng Văn Chương nói với chúng tôi: “Gác đèn buổi đêm phải hết sức tỉnh táo để quan sát xung quanh khu vực trạm đèn, kiểm tra hoạt động của đèn, nếu phát hiện trục trặc phải sửa chữa kịp thời để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền. Bên cạnh đó phải nhận định hướng gió, mây, nhiệt độ… Tất cả phải được ghi vào cuốn Nhật ký đèn biển để làm tài liệu”.
Nỗi lòng người gác hải đăng
Lên đến trạm đèn, được gặp gỡ và trò chuyện với các anh, chúng tôi chợt nhớ lại hình ảnh anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long, bởi tất cả họ đều có một điểm chung là “thèm người” (từ của Nguyễn Thành Long – PV).
Quanh năm suốt tháng làm việc trên đỉnh núi cao, rất hiếm khi được về thăm nhà cộng với đường lên trạm đèn vô cùng khó khăn là những lý do khiến các anh “thèm người”.
Thèm da diết tiếng ngọt ngào của vợ con. Thèm đến cháy lòng tiếng lao xao của phiên chợ sáng, tiếng ồn ào của xe cộ nơi phố thị. Thèm được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè…
Năm người lính không quân hàm được tụ về từ những miền quê khác nhau – người ở Nghệ An, Ninh Bình, kẻ ở Hà Tĩnh… từ chỗ không quen biết, nay trở thành anh em chia ngọt sẻ bùi nơi đầu sóng ngọn gió.
Bác Cẩm với hơn 30 năm coi đèn biển là nhà. Chậm rãi nhả từng vòng khói thuốc, bác chia sẻ: “Hầu như những người gác đèn đều “sợ” dịp lễ tết vì khi ấy nỗi nhớ gia đình cồn cào và da diết hơn bất cứ lúc nào”.
Thế nhưng, khi được nghỉ phép dài ngày, các anh lại nhớ biển, nhớ đèn, lại muốn thật nhanh được ra với đồng đội. Và để giải khuây, vợi nỗi buồn nhớ, ngoài các phiên trực, các anh tăng gia nuôi gà, chăm cây cảnh và… làm thơ!
Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mùa hè còn đỡ, mùa đông mở cửa ra là cuồng phong táp vào mặt. Nước sinh hoạt chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước mưa nên nhiều năm nắng hạn phải đi xách nước cả chục cây số; rồi lương thực, thực phẩm cũng muôn vàn khó khăn. Nhưng với lòng yêu nghề, bằng nghị lực của những con người hết mình vì nhiệm vụ, các anh đã vượt qua tất cả.
Chúng tôi rời hòn đảo nhỏ trong bóng chiều chập choạng, khi ngọn hải đăng bắt đầu quét từng vệt sáng sóng sánh hòa lẫn với màu nước hoàng hôn. Tiễn chúng tôi ra đến tận thuyền, bác Cẩm còn đọc vội mấy câu thơ:
Đêm đã về khuya đèn còn sáng tỏ
Sáng cho mọi người trên biển biết đường đi
Nơi quê hương chẳng biết anh làm gì
Thấy thỉnh thoảng anh về thăm mẹ
Rồi ra đi lặng lẽ xa quê…
Trạm đèn Cửa Sót nhìn từ xa.
Các cán bộ trạm ở đây luôn phải thay phiên nhau trực “mắt biển” 24/24 giờ.
Đỉnh cao nhất của trạm hải đăng.
Hệ thống điện của đèn biển.
Bác Cẩm cẩn thận viết “Nhật ký đèn biển”
Để vợi nỗi nhớ nhà, ngoài các phiên trực, các anh tăng gia nuôi gà, chăm cây cảnh…
Trạm đèn Cửa Sót nhìn từ xa.
Các cán bộ trạm ở đây luôn phải thay phiên nhau trực “mắt biển” 24/24 giờ.
Đỉnh cao nhất của trạm hải đăng.
Hệ thống điện của đèn biển.
Bác Cẩm cẩn thận viết “Nhật ký đèn biển”
Để vợi nỗi nhớ nhà, ngoài các phiên trực, các anh tăng gia nuôi gà, chăm cây cảnh…