Dòng Sự kiện

Lời khai chấn động ở phiên xử nhân bản xét nghiệm

Trưởng khoa xét nghiệm khai nhận lấy mẫu máu của người 57 tuổi đưa cho bé 2 tuổi chữa viêm họng, trong khi đó cựu giám đốc bệnh viện chối bỏ tội danh.

Khoảng 9h sáng nay, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án nhân bản xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức bắt đầu với phần xét hỏi các bị cáo.

Lấy mẫu máu người 57 tuổi cho… bé 2 tuổi

Là người đầu tiên trả lời HĐXX, bị cáo Vương Thị Lan khai, từ 1/4/2012, bị cáo là viên chức chính thức của bệnh viện đến 7/10/2012 chuyển sang làm điều dưỡng khoa ngoại, được cử đi học về chuyên ngành huyết học truyền máu ở viện huyết học, sau đó được ban giám đốc chuyển đến khoa xét nghiệm. Hàng ngày làm việc dưới sự chỉ đạo của Phan Thị Kim Oanh, Lan tiếp đón bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm, làm mẫu xét nghiệm.

– Trong quá trình làm việc, bị cáo in khống không?

– Có, hơn 200 phiếu.

Việc in khống bị cáo có biết sai không?

– Có biết, bị cáo phải làm theo sự chỉ đạo của kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh, không có chỉ đạo của lãnh đạo. Hành vi truy tố là đúng, tôi biết là sai, chỉ xin mong cơ hội làm lại”.

Bị cáo Nguyễn Thị Xuyên (nhân viên khoa xét nghiệm) khai: “Việc làm của tôi là vì nể nang, nhân viên trong các khoa muốn xin. Bản thân tôi có cho. Tôi không nhớ rõ, trong sổ ghi 18 phiếu in khống. Bị cáo tự làm, lãnh đạo khoa không biết. Tôi chỉ nghĩ đơn giản cho theo hành chính, không ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân”.

Bị cáo này khẳng định không có trường hợp lấy mẫu máu rồi bỏ đi.

Hội đồng xét xử công bố bản cáo trạng dài 16 trang.

Các bị cáo Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Ngà đều khai nhận do là nhân viên hợp đồng, làm theo chỉ đạo của kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh để hoàn thiện hồ sơ bệnh án nhằm tăng thu nhập cho bệnh viện.

Trong khi đó, bị cáo Vương Kim Thành (nguyên Trưởng khoa xét nghiệm) khai nhận do nể nang đồng nghiệp nên in phiếu xét nghiệm khống.

“Bị cáo giao nhiệm vụ cho kỹ thuật viên trưởng phân công cho các nhân viên. Ban đầu bị cáo thấy các bệnh nhân đến khám nhiều lần trong năm, lần đầu xét nghiệm bình thường nên sau không muốn xét nghiệm. Bị cáo thấy có hiện tượng đó nên nể nang đồng nghiệp lấy phiếu xét nghiệm khống”, bị cáo Thành nói.

Tuy nhiên, vị chủ tọa nhấn mạnh bị cáo là người trưởng khoa, điều hành chung các công việc trong khoa, bị cáo có thể quản lý bằng lời nói, văn bản. Nhưng bản thân bị cáo là người in khống 18 phiếu. Việc làm của bị cáo đã thể hiện cho các nhân viên trong khoa làm sai.

Trả lời HĐXX, bị cáo Thành nói: “Khi cho kết quả, chỉ có một mình tôi trong phòng thôi”.

“Ngoài các trường hợp bị cáo khai nhân viên trong các khoa khác đến xin kết quả để cho vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm, có trường hợp nào bị cáo lấy kết quả của bệnh nhân lớn tuổi đưa cho bệnh nhân ít tuổi hơn không?”.

“Có bệnh nhân tên Đạt, ở trong xóm, đến khám họng. Ông cháu đến xin kết quả nghiệm.

Bị cáo lấy kết quả của bệnh nhân 57 tuổi để đưa cho cháu bé 2 tuổi. Người nhà cháu trực tiếp xin vì sợ cháu bé xét nghiệm đau. Vì nể nang mà tôi cho”.

“Trường hợp đó không có sự chỉ định của bác sĩ thì có nguy hiểm không?”

“Cháu bé đó chỉ bị viêm đường hô hấp thôi”, Thành bao biện.

Nguyên giám đốc bệnh viện chối tội

Hai bị cáo được đưa ra xét hỏi cuối cùng là Nguyễn Thị Nhiên và Nguyễn Trí Liêm.

Theo đó, nguyên phó giám đốc bệnh viện, bị cáo Nguyễn Thị Nhiên cho rằng cáo trạng truy tố là quá nặng. Bị cáo Nhiên khai nhận làm tại bệnh viện 30 năm, sau đó được phân công Phó giám đốc theo dõi hoạt động một số khoa, trong đó có khoa xét nghiệm.

“Bị cáo chỉ phát hiện một số sai phạm nhưng việc in khống xét nghiệm thì không biết”, bị cáo Nhiên khai.

Đồng tình với nguyên phó giám đốc, bị cáo Liêm cho rằng việc truy tố bị cáo tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không thỏa đáng.

“Nhiệm vụ của giám đốc là phụ trách mọi hoạt động của bệnh viện. Tôi đã làm tròn với quyền hạn chức năng làm việc của mình. Việc làm của nhân viên khoa xét nghiệm là sai quy định. Họ làm giấu, không báo cáo với ai việc đó.”, nguyên giám đốc bệnh viện khẳng định.

Phan Thị Oanh dự tòa với tư cách người có nghĩa vụ liên quan.

Các nhân chứng khai gì?

Tại tòa sáng nay, bà Phan Thị Oanh phản bác trong việc in khống xét nghiệm, bà không chỉ đạo các nhân viên trong phòng, mà là trưởng khoa nói cho người thân các khoa xin để hoàn thiện hồ sơ. Bản thân bà với người tố giác Hoàng Thị Nguyệt đã nhiều lần có ý kiến với trưởng khoa.

Bà Nguyệt – người làm đơn tố cáo các hành vi sai phạm cũng nhấn mạnh: “Bản thân tôi chưa từng thực hiện việc in khống. Sau khi thấy những bất cập chuyên môn, chúng tôi đã ý kiến ngay với trưởng khoa. Liên tục sau đó, chúng tôi góp ý trong các cuộc họp giao ban và với trưởng khoa, kỹ thuật trưởng, trực tiếp với ông Liêm nhưng không được lắng nghe”.

Trái ngược, ông Liêm khẳng định là chưa bao giờ nghe bà Nguyệt báo cáo.

Sáng cùng ngày, VKS đề nghị mức án: Bị cáo Nguyễn Trí Liêm 12 – 15 tháng cải tạo không giam giữ. Nguyễn Thị Nhiên 15 – 18 tháng cải tạo không giam giữ tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Với tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, các bị cáo: Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Đồng Sơn, Vương Thị Lan bị đề nghị mức án 12 – 15 tháng tù cho hưởng án treo. Riêng bị cáo Nguyễn Thị Xuyên 12 – 15 tháng cải tạo không giam giữ do bố là liệt sĩ.

Cùng với tội danh trên, bị cáo Vương Thị Kim Thành bị đề nghị 15- 18 tháng tù giam.

Chiều nay, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận.

“Đây là bài học lớn của ngành, rất đau lòng, tôi thấy cán bộ ngành cần nhận thức rất sâu sắc về việc này để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh. Nhận thức của các bị cáo ở đây rất ấu trĩ, mơ hồ”, đại diện Sở Y tế Hà Nội nói.

Về số tiền bất chính, đại diện bệnh viện Hoài Đức cho biết bệnh viện đã chuyển trả cho bảo hiểm xã hội đầy đủ số tiền hơn 16,5 triệu đồng.

Đỗ Mến

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP