Tìm về nhà của ông Lê Quang Gia (SN 1959) và bà Phạm Thị Bình (SN 1958) trú tại xóm Hồng Lạc, xã Thạch Châu không khó vì cả vùng ai ai cũng biết hoàn cảnh đáng thương của gia đình này.
Bà Bình bị liệt tứ chi, suốt 7 năm nay chỉ nằm 1 chỗ, miệng cứ ú ớ nói không thành tiếng, còn ông Gia bị câm, điếc bẩm sinh từ lúc mới lọt lòng mẹ. Ấy vậy mà, mọi công việc chăm sóc bà Bình từ giặt đồ, nấu ăn, bón từng thìa cơm, thìa cháo cho vợ đều một tay ông Gia lo lắng.
Dưới cái nóng như thiêu đốt của những ngày giữa tháng 7, trong gian nhà chừng 15m2 lợp bằng ngói xi măng không khí ngột ngạt, nhưng đó là chỗ mà bà Phạm Thị Bình bao năm nay vẫn dùng để ăn, ngủ, tắm rửa.
Một tay ông Lê Quang Gia lo hết các công việc nhà và chăm sóc vợ bị bại liệt |
Vừa bước vào phòng là hình ảnh một người đàn bà co quắp, nằm thoi thóp thở, bất động trên chiếc giường ọp ẹp. Cả khuôn mặt người phụ nữ sạm đen, hốc hác. Hai chiếc chân teo nhỏ lại còn mái tóc đã bạc trắng. Toàn thân người đàn bà đó chỉ còn một lớp da mỏng bao bọc lấy bộ xương gầy guộc. Trông bà già hơn rất nhiều so với cái tuổi 56.
Phải nhờ tới bà Lê Thị Liên (hàng xóm của gia đình ông Gia), chúng tôi mới biết được cuộc sống khó khăn mà hàng ngày vợ chồng ông Gia phải đối mặt.
Năm 2007, bà Bình vừa đi làm đồng trở về thì không may vấp phải hòn đá ngã đập đầu xuống đất dẫn tới tụ máu não. Cố gắng vay mượn hàng xóm rồi bán hết mọi tài sản trong nhà mới đủ số tiền hơn 80 triệu đưa bà Bình đi mổ ở bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Tưởng chừng như sau ca mổ, bà Bình sẽ khỏe lại, nhưng tình trạng của bà lại xấu đi, phải có tiền để mổ tiếp đợt 2 may ra mới có cơ hội, chi phí cho lần này hết ít nhất cũng 50 triệu. Người thân đành ngậm ngùi xin cho bà Bình xuất viện về nhà…chờ chết.
Nằm liệt lâu ngày, các vết lở loét trên người bà Bình xuất hiện nhiều khiến việc chăm sóc càng thêm vất vả. Khổ nhất là lúc bà Bình muốn đi vệ sinh thì cũng không làm sao để ông biết được, miệng cứ ú ớ mà ông Gia lại chẳng hay biết…nước mắt trào ra mà bà không thể nào đưa tay lên lau được.
Nhiều lúc đi làm về chưa kịp dọn cho vợ, bao nhiêu thứ mùi hôi bốc ra từ căn nhà nhỏ cũ kĩ mà chứa đầy cay đắng.
Mỗi ngày, ông Gia thức dậy từ lúc 4h nấu cơm rồi bón cho vợ ăn, đưa vợ đi vệ sinh…rồi mới đi làm. Buổi trưa, ông xin về sớm hơn để nấu cho vợ, xem vợ có cần gì không.
Tối đến ông lại tắm, giặt giũ áo quần rồi đưa vợ đi dạo cho khuây khỏa trên chiếc xe lăn. Ngày nào cũng vậy, hai vợ chồng cứ lầm lũi trong căn nhà ọp ẹp.
Ngoài tiền chi phí sinh hoạt trong nhà, hàng tháng, để có tiền lấy thuốc cho vợ (khoảng 1 triệu) bất cứ ai có việc gì thuê ông Gia đều nhận. Từ việc phụ hồ, bốc vác, cày thuê cuốc mướn, miễn sao có tiền lo cho vợ.
Mặc dù ông bà cũng có 4 người con. Tuy nhiên, các con cái ông bà cũng đi làm ăn xa, chật vật xoay sở với cuộc sống rồi lại đối mặt với nợ nần. Khi chạy chữa cho bà Bình hết 80 triệu, số nợ này các con ông bà cũng gánh cho một phần. Còn số tiền 50 triệu để mổ đợt 2 thì chẳng ai dám mơ tới.
Một người đàn ông hy sinh nửa đời mình, chịu khổ chăm sóc vợ, “chồng tàn nuôi vợ phế” – câu chuyện của họ khiến chúng tôi vẫn còn đau đáu khi chia tay đôi vợ chồng già sống trong căn nhà tàn.
“Gia đình ông Gia thuộc diện hộ nghèo, vợ bị bại liệt đã mấy năm nay trong khi chồng lại bị câm, điếc bẩm sinh, cuộc sống khốn khổ. Mong sao các nhà hảo tâm giúp đỡ cho hoàn cảnh gia đình ông ấy” – bà Lê Thị Liên chia sẻ.
Văn Đức
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
* Ông Lê Quang Gia (SN 1959) trú tại xóm Hồng Lạc, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.