Phóng sự - Ký sự

“Loạn” thực phẩm chức năng (Bài 1): “Cơn lốc” mang tên thực phẩm chức năng

Vào Google, gõ từ khóa “thực phẩm chức năng”, chúng ta sẽ nhận được trên 28.000 kết quả tìm kiếm chỉ trong tích tắc! Có thể tìm kiếm cửa hàng, nghe kinh nghiệm qua các diễn đàn về một loại TPCN nào đó, hoặc người ta mua hàng trực tuyến không kể hàng nội hay ngoại nhập.

Nhiều năm trở lại đây, đã có không ít người bị “cuốn” vào “cơn lốc” thực phẩm chức năng (TPCN). Dù biết việc tồn tại một loại “thần dược” là khá mơ hồ nhưng người dân vẫn đổ xô tìm kiếm. Chưa rõ TPCN phát huy công dụng đến đâu, chỉ biết rằng, loại thực phẩm này đang thao túng thị trường thuốc chữa và điều trị bệnh.“Trăm hoa đua nở”…

Vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển của TPCN như “vũ bão” và trở nên quen thuộc với tất cả người tiêu dùng. Theo đánh giá của ngành chức năng, đến thời điểm này, trên cả nước có khoảng 10 nghìn sản phẩm TPCN được bày bán trên thị trường, 40% trong số đó là nhập khẩu từ nước ngoài.

“Loạn” thực phẩm chức năng (Bài 1): “Cơn lốc” mang tên thực phẩm chức năng
Cửa hàng thuốc luôn đầy rẫy TPCN. Ảnh minh họa từ internet

Ông Trần Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: “Trên địa bàn tỉnh ta chỉ có một công ty tham gia sản xuất, còn lại là bán hàng qua các kênh phân phối. Hiện nay, các công ty đăng ký kinh doanh, quảng cáo TPCN trên địa bàn tỉnh khoảng 40 sản phẩm. Tuy vậy, trên thực tế có thể nhiều hơn vì các kênh phân phối rất đa dạng”.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, TPCN được dùng để hỗ trợ chức năng cơ thể nhằm tạo tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh. TPCN gồm thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng và thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh và nó chỉ có tác dụng trợ giúp trong điều trị và phòng ngừa bệnh tật mà không thể thay thế thuốc.

Biết là vậy, song hiện tượng “bùng nổ” nhu cầu đã khiến cho thị trường TPCN càng phong phú. Cái tiện lợi là người dùng có thể mua TPCN ở bất kỳ đâu, nhà thuốc, chợ, trực tuyến hay qua bán hàng đa cấp. Và, chủng loại thì, ôi thôi, người tiêu dùng cứ gọi là “lạc lối” trong vô số loại cùng một dòng sản phẩm.

Chẳng hạn như hỗ trợ điều trị tiêu hóa, kích thích ăn ở trẻ, phải có đến 5-7 loại; tăng sức đề kháng, đẹp da, eo dáng của chị em phụ nữ phải có đến cả chục… Gần như công dụng của các loại sản phẩm này tương đồng nhau, cái khác duy nhất là tên gọi và giá tiền. Hay mới đây, cơn sóng dùng collagen đang trở thành “trào lưu mới” thì các nhà cung cấp cũng nhanh nhạy “bắt kịp” để “chiều lòng” thượng đế. Nào hàng nội, hàng ngoại đủ cả, ấy thế mà, nếu có cơ hội ra nước ngoài, người ta vẫn không tiếc “xách tay” thêm một sản phẩm collagen về làm quà.

Càng đắt càng lắm… người mua!

Điều đáng nói, giá thành của các sản phẩm TPCN lại chẳng hề “dễ chịu”. So với thuốc tân dược, TPCN thường có giá bán “trên trời”, vượt ngoài “hầu bao” của nhiều người. Đơn cử như Spirulina có chứa hoạt chất tảo xoắn nhằm bồi bổ canxi có giá 535 ngàn đồng/lọ hay Maxi blood sugar blance có tác dụng trị tiểu đường giá lên tới 925 ngàn đồng/lọ. Đặc biệt, để sở hữu một lọ Pine Power Gold chứa tinh dầu thông đỏ hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp, mỡ trong máu, người mua phải tiêu tốn 1.080 ngàn đồng…

“Loạn” thực phẩm chức năng (Bài 1): “Cơn lốc” mang tên thực phẩm chức năng
Minh họa từ internet

Được biết, TPCN có giá cao bởi được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và mức thuế nhập khẩu áp cho các mặt hàng này lên tới 30%. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ việc chiết khấu theo tỷ lệ ăn chia của nhà phân phối cũng là nguyên nhân khiến giá TPCN bị “đội” lên. Tuy vậy, tâm lý người tiêu dùng vẫn là bước quyết định quan trọng nhất giúp giá thành TPCN “nhảy vọt”. Giá càng cao, càng nhiều người đổ xô tìm mua vì đơn giản một lý lẽ, càng đắt càng tốt, càng đắt càng hiếm, hoặc đơn giản chỉ là càng đắt… càng sành điệu!

Bởi thế, nhiều doanh nghiệp còn lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết của người sử dụng để trục lợi. Nhiều loại TPCN được quảng cáo “trên trời” với những công dụng kỳ diệu như: giúp chị em luôn giữ mãi sắc xuân, hay các quý ông nhanh chóng tìm lại được “bản lĩnh” đàn ông đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng, khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua TPCN sử dụng thường xuyên.

Mới đây, Công ty TNHH Đức Mỹ Việt tổ chức quảng bá, bán sản phẩm trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để bán sản phẩm với giá cắt cổ. Sở Y tế Hà Tĩnh đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của công ty này. Việc xây dựng một mạng lưới nhân lực rộng rãi và có tổ chức luôn khiến cho người tiêu dùng thêm phần tin tưởng. Thêm vào đó, việc “thổi” phồng công dụng của những loại thực phẩm này sẽ dễ dàng đánh lạc hướng người mua.

Không thể phủ nhận những lợi ích mà TPCN mang lại. Nhưng trong điều kiện thị trường TPCN lan tràn như hiện nay, trước khi sử dụng, người bệnh cần phải kiểm tra sức khỏe để hiểu rõ cơ thể đang thiếu hụt cũng như cần những khoáng chất nào để tìm mua TPCN phù hợp, tránh lãng phí tiền của và sử dụng không đúng mong muốn điều trị.

(Còn nữa…)

Nhóm PV Kinh tế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP