(Ảnh minh họa: AP) |
Theo SCMP, những bình luận trên, được đưa ra trong một cuộc thảo luận chủ đề “Con đường tơ lụa số của Trung Quốc” tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 5/2, là dấu hiệu mới nhất về sự cảnh giác ngày càng gia tăng đối với các khoản đầu tư công nghệ của Trung Quốc ở nước ngoài.
Vào năm 2015, Trung Quốc đã phác thảo các tham vọng số trong sáng kiến “Vành đai và con đường”, một dự án lớn do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế với các quốc gia tại châu Á, châu Âu và châu Phi.
Ngoài việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng dọc các tuyến thương mại trên đất liền và trên biển, Bắc Kinh cũng đề xuất thiết lập các cáp quang xuyên lục địa dưới biển và cải thiện các mạng lướng thông tin vệ tinh để tăng cường hơn nữa quan hệ với các quốc gia đang phát triển khác.
Để đối phó với tham vọng của Trung Quốc trong sự phát triển số, “chúng ta cần chiến đấu để tìm kiếm từng thị phần của thị trường toàn cầu trong các ngành công nghiệp kỹ thuật tiên tiến”, ông Robert Atkinson, Chủ tịch Quỹ đổi mới và công nghệ thông tin, cho hay.
“Tôi không nghĩ rằng mặc định trong 10 năm tới Trung Quốc sẽ thống trị khu vực từ góc độ kỹ thuật số”, ông Atkinson nói, nhưng nhấn mạnh rằng “nếu chúng ta không thay đổi thì tôi tin họ sẽ thống trị”.
Trong số các dự án kỹ thuật số của Trung Quốc ở nước ngoài có đường cáp quang dài 6.200 km nối Pakistan (Nam Á) với Djibouti (châu Phi) hiện do công ty Huawei Marine Networks, một liên doanh giữa công ty Huawei của Trung Quốc và công ty Global Marine Systems của Anh, thực hiện. Dự án này kiến hoàn thành xây dựng vào quý IV năm nay và sẽ mở rộng sang châu Âu vào những năm tiếp theo.
Theo ông Hirobumi Kayama, một cố vấn của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, các công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc cũng bắt đầu cung cấp các dịch vụ cho một số thành phố ở khu vực Đông Nam Á, cũng như nắm giữ cổ phần tại các công ty công nghệ lớn, vốn cho phép các công ty Trung Quốc có những cơ hội và khả năng lớn nhằm thu thập vùng dữ liệu rất rộng.
“Mỹ và Nhật Bản phải đối mặt với thực tế này”, ông Kayama nói, và nhấn mạnh rằng Nhật Bản, một nhà đầu tư công nghiệp và hạ tầng lâu đời ở Đông Nam Á, giờ đây cũng nhận thấy sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc..
Trong năm thứ 6 được triển khai, dự án Vành đai và con đường giờ đây đang đối mặt với các chỉ trích về sự thiếu minh bạch trong việc cấp vốn cho các dự án, nguy cơ tham nhũng và viễn cảnh làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ nần của các quốc gia nhận tài trợ.
Sự nghi ngờ đang gia tăng trong lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á rằng Bắc Kinh đang sử cụng các công ty Trung Quốc cho các hoạt động gián điệp, giống các lo ngại của Mỹ và một loạt các quốc gia châu Âu. Điều này có thể tạo cơ hội cho các dự án của Mỹ và Nhật Bản.
Sự hạn chế của Trung Quốc đối với các nguồn dữ liệu xuyên biên giới đã khiến các công ty nước ngoài lo ngại về sự rò rỉ dữ liệu hoặc dữ liệu của họ có thể lạm dụng. Ông Kayama biết một giám đốc từ một công ty trí tuệ nhân tạo tại Đông Nam Á thừa nhận rằng công ty ông muốn tránh chia sẻ dữ liệu về các doanh nghiệp và khách hàng với “một quốc gia lớn ở châu Á”.
“Vì vậy có các nhu cầu thực sự tại châu Á về sự tham gia tích cực hơn của các công ty Mỹ và Nhật Bản trong việc chuyển đổi kỹ thuật số và sự hợp tác với các nền tảng công nghệ thông tin địa phương”, ông Kayama nói.
Ông Kayama cũng kêu gọi mở rộng sự hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản trong việc phát triển nền kinh tế số ở Đông Nam Á, ngoài các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mỹ đã công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương hồi năm ngoái để tìm cách thúc đẩy hợp tác với các đồng minh và đối trọng với sự ảnh hưởng địa chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
“Chúng tôi tin rằng Mỹ và Nhật Bản nên hợp tác cùng nhau để mở rộng đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số và tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo mở và tự do”, ông Kayama nói.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: Báo Dân trí