Có một triết gia người Ireland nói rằng, nơi có nhiều bệnh nhân tâm thần nhất không phải trong bệnh viện mà là trên mạng xã hội. Tôi hoài nghi về ý kiến tương đối cực đoan này. Nhưng quả thật, cơn bão mạng xã hội, cụ thể hơn là mạng Facebook đang can thiệp rất sâu vào đời sống của nhiều con người.
Theo số liệu thống kê thì hiện nay riêng số lượng người sử dụng Việt Nam tham gia miệt mài để giao lưu, chơi, “chém gió”, “hít thở”, “ăn ngủ” trên Facebook lên tới con số hơn 23 triệu. Và tất nhiên ở một mảng huênh hoang giá trị cuộc sống dễ dãi được tung hô, qui đổi bằng “likes” thì vô số giá trị ảo tưởng khác được miễn cưỡng thừa nhận cũng là điều không phải ngạc nhiên.
Facebook hay thật, nó có thể “thổi” bất kỳ một kẻ vô danh nào đó chỉ sau một đêm trở thành người nổi tiếng, nổi tiếng thời mạng xã hội buồn cười lắm, nó có thể là bất tài, là lố lăng, là mất dạy cho đến kỳ dị.
Cách đây hơn một năm, nếu có một cuộc bình chọn công bằng và sòng phẳng trên mạng thời điểm đó, tôi tin chắc chàng “ca sĩ” Nguyễn Đức Hậu với nghệ danh Lệ Rơi sẽ nằm đâu đó trong tốp dẫn đầu.
Chỉ trong vòng vài tuần, anh nông dân Hậu trán rịn mồ hôi bên vườn ổi sản xuất liền tù tì hơn 150 clip ca nhạc tự quay bằng những công cụ tin học giản đơn nhất và tung lên mạng. Tất nhiên số đông và bản thân Hậu thừa nhận đó là thảm họa âm nhạc. Nhưng không sao cả, chính sự lệch lạc ấy lại “thỏa mãn” cộng đồng mạng. Lệ Rơi – Nguyễn Đức Hậu tỏa sáng một cách bất thình lình, nghiễm nhiên thành người nổi tiếng.
Giữa một thế giới ảo dư dật, đạo đức ỡm ờ, chợt người ta thảng thốt ngạc nhiên bởi phát hiện ra à vẫn còn tồn tại một con người trong vắt đến vậy. Kẻ cười, kẻ phán xét, kẻ dè bỉu một sự khác biệt đầy hoang sơ chân chất kỳ lạ so với những “lọ hoa” là những người đẹp bị bắt đi hát. À người ta bảo thì chí ít hoặc giả đã từ rất lâu rồi mới có một người nông dân đáng yêu phân phát đi những nụ cười tử tế trong thời buổi thớ lợ giá trị niềm vui giả tạo của showbiz, hỗn loạn niềm tin vào những cuộc thi ca hát và đắt giá ngay cả một lời xin lỗi.
Từ sự cổ xúy trên Facebook, phong trào ca hát kinh dị kiểu Lệ Rơi thậm chí còn thành trào lưu thời điểm ấy. Hàng chục cô gái xinh xinh, ngực sưng to hơn nhân vật trên mạng là Bà Tưng cũng nhấp nhổm sốt ruột ngồi trước máy tính làm clip kiểu he hé lộ một chút ngực, e thẹn khe khẽ cất tiếng hát sai vài nốt nhạc trong gắng gượng bẻ giọng mai mái thổ âm Hải Dương, quê hương Lệ Rơi. Cũng may trong đám ấy không ai nổi tiếng, bởi nếu không văn hóa thẩm âm chắc lạc lõng mà lùi lại thêm vài năm.
Vượt qua phù phiếm thăng trầm số đông, những người đang biết sống với đồng quê chẳng bao giờ là hết. Hậu-Lệ Rơi có lẽ quên mất những điều hạnh phúc bé nhỏ, vắt lên vai thứ hào quang ảo mà tất tả vào Nam lập nghiệp với ca hát, với chuỗi nhà hàng bán bún chả, với công ty truyền thông. Hào quang ảo đó cũng đủ thay đổi cuộc đời anh, hay chường mặt lên truyền thông hơn và mỗi lần xuất hiện nơi công cộng luôn có một đám đông hiếu kỳ năn nỉ xin chụp ảnh cùng. Kể cũng hay hay.
Sau một năm thì mọi việc kinh doanh vỡ tung tóe, Hậu về quê.
Tôi liên lạc với Lệ Rơi qua điện thoại, anh hẹn tôi ra một quán café nhỏ. Sau vài lần thay đổi địa điểm chóng mặt thì cuối cùng tôi cũng gặp Hậu. Tất nhiên không phải đơn giản ngay thế bởi trước đó là màn tra hỏi căn vặn vô cùng cẩn thận của một người bạn kiêm ông bầu rồi Hậu mới xuất hiện. Đĩnh đạc, trầm tư và hồn nhiên.
Mái tóc Lệ Rơi lòa xòa không giống kiểu siêu nhân dựng đứng như trong các bức ảnh lan tràn trên mạng khi Hậu làm giám đốc công ty truyền thông. Lẫn trong nụ cười chân chất, Hậu kể về những thất bại trong kinh doanh. Mà cũng không hẳn vậy, vài trăm triệu đó Hậu khẳng định lại coi như là “học phí” quản trị doanh nghiệp. Tuy vẫn còn gác lại một khoản và trong 3 quán bún chả ở TP HCM nay đã bán 2 và 1 hoạt động lay lắt. “Tất cả là do cách quản lý nhân sự anh ạ”, dưới một tay anh Hậu chất phác ngày nào đã từng có 15 nhân viên bán hàng.
Quả thật thị trường luôn khắc nghiệt dù Hậu kể lại rằng đã từng tốt nghiệp một trường đào tạo kinh doanh gần quê nhà. Sau thất bại, Lệ Rơi có lẽ đang trở về với cuộc sống thực của mình với quầy bán ổi trong vườn, chí ít thì cái thương hiệu Lệ Rơi vớt vát được chút ít cũng đẩy được mức giá trái cây nhà trồng cao gấp đôi giá thị trường, 35.000 đồng/kg.
Sự nổi tiếng bất đắc dĩ ấy ít nhiều cũng gây xôn xao ở làng quê Thanh Hà, Hải Dương. Chả biết anh chàng Lệ Rơi kiếm được bao nhiêu nhưng hình như xóm giềng, họ hàng đều mặc định tin chàng “ca sĩ” đã phải giàu lắm. Thế là tai họa cứ túc tắc đến với gia đình Hậu. Lúc thì bị người này người nọ hỏi vay tiền “đểu”, lường gạt đủ đường cha mẹ anh chị em, thậm chí đến ao cá của gia đình cũng có kẻ ganh ghét ngấm ngầm đổ thuốc trừ sâu xuống, cá chết sạch bách.
Tan cơn mơ hoa là lời chua xót, Hậu giờ có thể đã có thời gian bình tĩnh trở lại để suy ngẫm, trong câu chuyện cứ nói dăm điều là anh lại cài vài triết lý tôn giáo.
Thế giới mạng là vậy, dư luận lẫn cả sự yêu thích của họ như một đứa trẻ lên 8. Mỗi một sự kỳ lạ đều có thể cực dễ dàng gây sốt, gây cảm động, gây bức xúc và nhắm mắt yêu, chửi, miệt thị…Hôm nay vui cái này mai có sự gì khác vui hơn là quên sạch, chỉ có những nạn nhân “ảo tưởng” cho rằng đó là sự nổi tiếng, là giá trị nhưng rỗng đặc cốt lõi thì mọi biến thiên cuộc đời ngoặt vào bước bi kịch đều rất gần.
Tôi nghĩ vậy và kể lại câu chuyện của Lệ Rơi như một nhân vật vô cùng điển hình để chúng ta cùng suy ngẫm. Để có kỹ năng lái một chiếc xe hơi, chỉ cần vài tháng nhưng để có kỹ năng “sống” tỉnh táo trên mạng nó cần cả một quá trình dài đằng đẵng.
Theo An Ninh Thế Giới