Toàn bộ số gỗ sưa được để trong thùng xe container hàn kín, quấn lưới B40 (Ảnh: Nguyễn Trường). |
Chiều qua 28/1, công đoạn cuối cùng của việc chặt hạ, khai thác cây sưa đỏ quý hiếm có tuổi đời trên 130 năm trong khuôn viên đình thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã kết thúc. Toàn bộ số gỗ sưa được người dân cất giữ trong thùng xe container đặt tại nhà văn hóa thôn.
Chia sẻ về công tác bảo đảm an toàn cho số gỗ tiền tỷ này, ông Vũ Văn Tuyến - Trưởng thôn Phụ Chính cho biết, thùng xe container được khóa chặt và hàn kín các mối khóa. Đồng thời, phía ngoài thùng xe container sẽ được niêm phong cẩn thận.
“Lực lượng công an xã cũng sẽ túc trực luân phiên trông giữ thùng container gỗ sưa này. Chúng tôi đã lên phương án lắp đặt thêm camera an ninh để theo dõi, đề phòng kẻ gian trộm cắp” - ông Tuyến chia sẻ.
Ông Vũ Văn Tuyến cho biết thêm, qua Tết Âm lịch Kỷ Hợi, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính sẽ tiến hành thuê đơn vị đấu giá chuyên nghiệp tổ chức bán số gỗ sưa này.
“Việc tổ chức bán đấu giá gỗ sưa sau khai thác sẽ thực hiện công khai theo đúng trình tự quy định của pháp luật và thông báo cho Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội). Khi đó, khối lượng gỗ sẽ được đơn vị này xác nhận và đóng dấu búa Kiểm lâm” - ông Tuyến nói.
Gỗ sưa đỏ có màu đỏ bã trầu, vân gỗ nổi lên từng lớp (Ảnh: Nguyễn Trường). |
Như Dân trí đã đưa tin, sau 8 năm chờ đợi, các cơ quan chức năng xác định cây sưa đỏ quý hiếm ở thôn Phụ Chính thuộc thẩm quyền của người dân. Vì vậy, chính quyền đã cho cho phép cộng đồng dân cư nơi đây được khai thác nốt số gỗ sưa còn lại, phục vụ mục đích chung nhưng phải chấp hành theo quy định của pháp luật.
Để khai thác “cây sưa trăm tỷ” và sử dụng hiệu quả số tiền thu được sau khi bán đấu giá gỗ quý, người dân thôn Phụ Chính đã bầu ra Ban quản lý gồm 23 thành viên. Khi số tiền quỹ thu về từ việc bán đấu giá gỗ sưa được sử dụng hết thì ban này sẽ tự động giải tán.
Ở thời điểm gỗ sưa đắt đỏ, cây này được trả giá trên 100 tỷ đồng. Khi biết giá trị cây sưa, nhiều người lạ tìm đến thôn hòng cưa trộm cây khiến người dân phải thấp thỏm canh chừng. Đồng thời người dân cũng lo sợ cây sưa sẽ chết dần, mất giá trị.
Năm 2016, người dân thôn Phụ Chính đã làm đơn xin chính quyền cấp phép bán cây sửa để phục vụ nhiều công trình phúc lợi, trùng tu các di tích nhưng chưa nhận được sự đồng ý.
Đến tháng 10/2018, UBND thành phố Hà Nội ra văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật.
Đồng thời, UBND huyện Chương Mỹ đã tổ chức hội nghị liên quan đến việc khai thác, sử dụng “cây sưa trăm tỷ”, thống nhất chuyển trả nốt số tiền 5,3 tỷ đồng từ việc bán 1 nhánh cây cho người dân quản lý, chấm dứt những “lùm xùm” trước đây.
Tác giả: Nguyễn Trường
Nguồn tin: Báo Dân trí