Lao Động - Việc Làm

Lao động Hà Tĩnh: Nhọc nhằm mưu sinh trên đất Thái Lan

Trăm phương kiếm tiền trên đất Thái Hầu như ở tất cả các thành phố trên đất Thái Lan đều có người Hà Tĩnh mưu sinh. Nhiều nhất vẫn là thủ đô Bangkok, tiếp đến là những thành phố lớn như Pattaya, Phukhet, Chiengmai…Có cả trăm thứ nghề để kiếm tiền trên đất Thái. Phổ biến nhất vẫn là nghề bưng bê, dọn dẹp, trông xe trong các nhà hàng, tiếp đến là bán rong trên đường phố, rồi giúp việc tại gia, làm thợ may, thợ sửa chữa cơ khí cho các cơ sở sản xuất, kể cả có những người làm nghề hành khất. Có những công việc hết sức lạ lẫm như sắp bi, lau cần trong các Trung tâm giải trí bi-a.

Những bất trắc rủi ro và cả những cái chết thương tâm nơi đất khách vẫn không làm hạ nhiệt cơn sốt lao động chui tại Thái Lan.
Lúc cao điểm Hà Tĩnh có hơn 10.000 lao động sống chui, làm chui trên đất Thái. Cuộc sống ở nhiều làng quê bị xáo trộn, nhiều giá trị truyền thống bị thách thức. Sự bất lực của các cơ quan quản lý, sự bế tắc của một bộ phận lao động nông thôn. Tất cả đang đòi hỏi những giải pháp căn cơ từ chính sách hợp tác lao động.

Làm việc từ 20h hàng ngày đến sáng hôm sau, nhưng lau cần Bi-a vẫn là công việc nhẹ nhàng nhất

Chị Lê Thị Thủy quê ở xã Hồng Lộc huyện Lộc Hà khẳng định: lau cần sắp bi là công việc nhàn hạ mà thu nhập cao nhất. Công việc mỗi ngày của Thủy bắt đầu từ 8h tối đến sáng hôm sau. Lương tháng chỉ khoảng vài ba nghìn bạt (tương đương 1,5-2 triệu tiền Việt Nam) nhưng đổi lại mỗi đêm có thể được khách bo cả nghìn bạt, tính ra mỗi tháng thu nhập cũng được mấy chục triệu đồng. Tất nhiên để được phục vụ trong các Trung tâm giải trí, ngoài sự nhanh nhẹn hoạt bát còn cần đến sự trẻ trung xinh xắn và có thể bập bẹ một ít tiếng Thái.
Tiền bo gần như là nguồn thu nhập chính của lao động phục vụ trong các nhà hàng quán ba, trung tâm giải trí. Anh Nguyễn Quang Dũng, đến từ xã Thịnh Lộc huyện Lộc Hà cho biết: để có được một chân giữ xe tại nhà hàng Laplaya cạnh khu đèn đỏ ở thủ đô Bangkok, Dũng và nhóm bạn thậm chí phải trả cho ông chủ mỗi tháng 20.000 bạt, tương đương khoảng 13 triệu tiền Việt Nam. Đổi lại mỗi lái xe ô tô vào gửi thường sẽ bo từ 50-100 bạt. Đêm ít cũng được vài trăm xe, đêm cuối tuần có thể lên tới cả nghìn xe. Mỗi tháng Dũng và anh em cũng có thể kiếm được từ 10 đến 15 triệu đồng từ tiền bo của khách chơi.

Người lao động chấp nhận sự nhọc nhằn vì áp lực mưu sinh nơi đất khách

10 đến 15 triệu đồng là khoản thu nhập tương đối cao so với công việc phổ thông tại quê nhà, tuy nhiên để kiếm được đồng tiền cũng không kém phần nhọc nhằn. Phần nhiều công việc đòi hỏi người lao động phải thức đêm ngủ ngày, phải làm những việc mà người Thái hầu như ít khi đụng tới. Anh Nguyễn Văn Anh ở xã Gia Hanh huyện Can Lộc cho biết: ngoài bồi bàn, làm bếp tại nhà hàng, anh còn phải chấp nhận làm cả những việc như dọn dẹp nhà vệ sịnh, đấm lưng thư giãn cho thực khách chỉ cốt để tăng thêm tiền bo. Anh Nguyễn Văn Dương ở xã Thạch Kim huyện Lộc Hà tâm sự: để có được mỗi tháng 10 triệu đồng gửi về gia đình, anh phải dậy sớm đi mua dừa trái, sau đó về cắt gọt để đầu buổi chiều đẩy xe ra hè phố Bangkok ngồi bán nước dừa cho đến tận đêm. 4 anh em nhà anh Dương cùng thuê một phòng rộng chừng 15m2, trong một khu phố mà mở cửa là gặp người đồng tính và hút chích. “Không thực sự thoải mái nhưng đấy là cách để tiết kiệm chi phí”- anh Dương bộc bạch. Quan điểm của anh em là dù vất vả đến mấy cũng phải cố để vượt qua, vì rất khó để có thể tìm kiếm công việc ở quê với thu nhập đều đặn mỗi tháng trên dưới chục triệu đồng.
Để có thể sống chui, làm chui
Nỗi ám ảnh lớn nhất của lao động Việt Nam nói chung và lao động Hà Tĩnh tại Thái Lan nói riêng chính là cảnh sát. Đơn giản vì họ nhập cảnh vào Thái Lan với tư cách là khách du lịch nhưng rồi ở lại để lao động kiếm tiền. Do vậy sự lưu trú quá thời hạn 30 ngày là bất hợp pháp, công việc cũng không được phảp luật bảo hộ và thừa nhận. Chị Phạm Thị Tình ở xã Thạch Tân huyện Thạch Hà tâm sự: Ra đường nếu gặp cảnh sát thì cứ thành thực nói là đi làm, còn trả lời lòng vòng ắt sẽ bị gây khó khăn, bởi họ biết tỏng người mình sang đây chủ yếu với mục đích gì.

Ông Trần Văn Tuấn quê ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà mưu sinh bằng nghề bán nước dừa trên hè phố Thái Lan

Để tồn tại trên đất Thái, người lao động Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã tìm ra nhiều phương cách. Cách tốt nhất là nhờ ông chủ bà chủ quan hệ với cảnh sát, đóng một khoản tiền lót tay để được cảnh sát Thái bỏ qua cho những hành vi vi phạm. Theo anh Nguyễn Đại Phúc (quê ở xã Thạch Kim – Lộc Hà) thì để có được một khoảng không gian chưa đầy 1 m2 bán nước giải khát trên hè phố Bangkok, anh đã phải chung chi nạp cho cảnh sát mỗi tháng 3000 bạt, tương đương 2 triệu tiền Việt.
Để kéo dài thời hạn lưu trú, cách phổ biết nhất được người lao động áp dụng là giả làm thủ tục xuất cảnh rồi sau đó lại nhập cảnh. Theo cách này, hàng tháng họ phải xuống cửa khẩu Căm-pu-chia hoặc lên cửa khẩu Lào để đi gia hạn hộ chiếu (mà như cách nói của người trong cuộc là đi “tò” hộ chiếu). Cũng có những người chấp nhận không gia hạn để “hộ chiếu chết” rồi khi trở về nước lại phải đi chui, thậm chí vượt biên. Từ nhu cầu của người lao động, đã hình thành nên những nhóm người chuyên đảm nhận khâu đi “tò hộ chiếu” hoặc là đưa người qua lại cửa khẩu theo những cách trái phép khác nhau.

Người lao động chen chúc làm thủ tục qua cửa khẩu để nhập khẩu vào Lào trước khi sang Thái Lan

Gần đây khi giới quân sự tạm thời lên nắm quyền ở Thái Lan, việc quản lý người nước ngoài được siết chặt, dẫn tới công việc của lao động Việt Nam nói chung càng thêm khó khăn. Đã có một số lượng lớn lao động Hà Tĩnh buộc phải trở về vì không thể trốn tránh.

Liệu có thể hạ nhiệt cơn sốt lao động chui?
Theo thống kê của ngành Lao động Thương binh và Xã hội: Lúc cao điểm có khoảng 10.000 lao động là con em Hà Tĩnh sống chui, làm chui trên đất Thái, trong đó huyện Can Lộc có tới 4000 lao động, Thạch Hà, Lộc Hà mỗi huyện có từ 2000 đến 3000 lao động. Tất cả đều nhập cảnh vào Thái Lan theo con đường du lịch để rồi sau đó ở lại làm thuê với đủ thứ công việc khác nhau.
Không phủ nhận những đồng bạt kiếm được từ Thái Lan dù ít dù nhiều đã cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn ở Hà Tĩnh. Thế nhưng cơn sốt rời bỏ quê hương sang Thái Lan làm thuê cũng đang gây nên rất nhiều hệ lụy sau lũy tre làng. Trên thực tế đã có những vụ án mạng thương tâm mà người lao động hoàn toàn một mình phải gánh chịu bởi pháp luật Thái Lan hoàn toàn không bảo hộ. Chủ tịch UBND  xã Mỹ Lộc (Can Lộc) Trần Trí Quang cho biết: toàn xã có 7800 dân thì đã có hơn 1000 người đang lao động tại Thái Lan. Có nơi như xóm Nhật Tân gần 100% số người trong độ tuổi lao động hiện đang ở Thái. Cuộc sống gần như xáo trộn khi nhiều cặp vợ chồng bỏ lại con cái cho ông bà nuôi dạy, nhiều học sinh bỏ học giữa chừng và thậm chí còn có cả những cán bộ xã, cán bộ thôn xin nghỉ việc chỉ để theo người nhà sang Thái Lan kiếm tiền. Sự yên tĩnh của làng quê đang bị phá vỡ, nhiều giá trị truyền thống đang bị thử thách.

Cuộc sống của lao động chui trên đất Thái chỉ có ngủ và đi làm

Cùng chung quan điểm, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Sơn cho rằng: Cái được từ những đồng bạt gửi về không bằng những cái mất mà nó mang lại. Ông Nguyễn Văn Sơn kiến nghị: Để giải quyết căn cơ tình trạng này thì chính phủ 2 nước Việt Nam và Thái Lan cần đàm phán ký kết một nghị định thư về hợp tác xuất khẩu lao động, giống như những gì mà Việt Nam và Malaysia đã làm. Điều này không chỉ hợp lý hóa lao động Việt Nam tại Thái Lan mà còn mở ra một thị trường lao động mới với nhiều cơ hội việc làm và thu nhập chính đáng.
Có một thực tế trong thời gian qua là chính quyền địa phương và cơ quan chức năng dù muốn dù không thì người lao động vẫn cứ ồ ạt sang Thái làm thuê. Thủ tục xuất nhập cảnh dễ dàng, nguồn thu nhập tương đối khá, điều kiện đi lại thuận tiện là những thuận lợi không thể phủ nhận. Người lao động sẵn sàng đánh đổi mọi bất trắc rủi ro, đánh đổi sự an toàn cuộc sống với cuộc mưu sinh nơi xứ người. Một sự bế tắc trong hành trình kiếm tìm thu nhập của người lao động và hơn thế nữa là sự bế tắc công tác quản lý giám sát từ các cấp chính quyền, từ cơ quan chức năng là điều có thể cảm nhận.

Trần Long

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP