Ngày 7/10, Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, việc Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) – chủ đầu tư bãi rác Đa Phước – muốn tạm ngưng tiếp nhận 2.000 tấn rác (trong 5.400 tấn mỗi ngày) chỉ là đề nghị từ phía doanh nghiệp.
Trong khi chưa có những thảo luận, thống nhất giữa hai bên trong hợp đồng, hay quyết định từ cấp thẩm quyền của thành phố thì VWS vẫn phải tiếp nhận toàn bộ lượng rác của TP HCM như đã cam kết.
Theo người phát ngôn của TP HCM, để xem xét, đưa ra các quyết định có liên quan đến kiến nghị của VWS, thành phố sẽ mời các cơ quan chuyên môn trung ương và các cơ quan có chức năng đánh giá thực tế, sự cần thiết, những mặt thuận lợi, khó khăn… Qua đó, thành phố sẽ chọn giải pháp tốt nhất để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến môi trường chung.
“Trước mắt, VWS phải cùng TP HCM thực hiện nghiêm những giải pháp xử lý đã được xác định khi báo cáo Thủ tướng, dứt khoát khắc phục bằng được tình trạng mùi hôi hiện nay, không để xảy ra sự cố môi trường”, ông Hoan nói.
Theo kết luận của UBND TP HCM, bãi rác Đa Phước là thủ phạm gây mùi hôi cho khu Nam Sài Gòn. Ảnh: Hữu Nguyên |
Hồi cuối tháng 9, khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác của Đa Phước bị nhà chức trách xác định là thủ phạm gây ra mùi hôi thối ở khu Nam Sài Gòn (quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè) nhiều tháng nay.Nguyên nhân được cho là công nghệ xử lý rác của VWS chủ yếu là chôn lấp, trong khi theo hợp đồng công ty “tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, sau đó phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic, phần còn lại không sử dụng được sẽ chôn lấp”.
Chính quyền TP HCM yêu cầu VWS hoàn tất những hạng mục đang đầu tư dở dang (mà báo cáo tác động môi trường đưa ra), đồng thời phủ bạt ở khu vực nước rỉ rác, xử lý khí thải thu được… để khắc phục mùi hôi. Phía thành phố sẽ giải phóng mặt bằng để trồng cây xanh cách ly bên ngoài bãi Đa Phước và phân loại rác tại nguồn.
Đến ngày 5/10, VWS gửi văn bản đến Thành ủy, HĐND, UBND TP HCM và Sở Tài nguyên – Môi trường đề nghị ngưng xử lý, trả lại cho thành phố 2.000 tấn rác mỗi ngày, từ 10/10.
Theo chủ đầu tư Đa Phước, từ cuối năm 2014, để tiếp nhận thêm lượng rác này từ bãi Phước Hiệp (Công ty Môi trường Đô thị TP HCM), VWS đã đầu tư thêm nhiều thiết bị, xây dựng nhà máy xử lý nước mở rộng và tuyển dụng thêm nhân công… Tuy nhiên, “trước áp lực của dư luận” và nhằm giảm thiểu khối lượng nước mưa, nước mưa pha lẫn nước rỉ rác tăng lên đột ngột sau các cơn mưa lớn, và chờ hoàn thành nhà máy xử lý nước thải, VWS đề nghị thành phố cho tạm nhưng tiếp nhận lượng trên.
Công ty này cũng cho biết phải tới đầu tháng 2/2017 mới có thể nhận lại lượng rác này, hoặc sẽ thông báo 5 ngày trước khi có thể tiếp nhận.
Động thái này của VWS được các chuyên gia cho là “cố tình gây sức ép” đối với chính quyền TP HCM.
Hữu Nguyên