Niềm tự hào đó đã tiếp thêm sức mạnh để CLB ngày càng có nhiều tiết mục neo đậu trong lòng khán thính giả, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể.
Anh Nguyễn Đình Kế – Trưởng ban Văn hóa xã, Chủ nhiệm CLB dân ca ví, giặm Thạch Châu cho biết: “CLB chúng tôi được hình thành từ năm 2008 trên nền tảng đội văn nghệ quần chúng, hiện tại đã có 31 thành viên. Từ những hội diễn, hội thi văn nghệ quần chúng ở cơ sở, CLB đã phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân có chung một niềm say mê và chất giọng tốt. Nhờ vậy, không chỉ củng cố được vị trí trong lòng công chúng mà vừa qua tại Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, các tiết mục của đoàn CLB Thạch Châu đã được đông đảo khán giả đón nhận và đã giành được giải nhất. Ngoài ra, tại liên hoan nghệ thuật quần chúng kỷ niệm 5 năm thành lập huyện, liên hoan dân ca ví, giặm Hà Tĩnh, CLB chúng tôi đều giành được giải nhất”.
Với những người dân Thạch Châu, tình yêu dân ca ví, giặm dường như đã thấm đẫm vào tâm hồn, dạt dào trong huyết quản của biết bao thế hệ. Sinh ra đã được nghe những câu ví, giặm từ lời ru của bà, của mẹ, lớn lên đã được theo các chị đi nghe hát dân ca ở những buổi tập, những hội diễn văn nghệ quần chúng trên địa bàn nên với những người dân nơi đây, ví giặm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Bà Nguyễn Thị An – một thành viên CLB năm nay đã gần 80 tuổi cho biết: “Dù tuổi cao, sức yếu nhưng tôi vẫn xin vào CLB để được thỏa mãn niềm đam mê dân ca ví, giặm, để được sống lại một thời tuổi trẻ và cũng được chứng kiến sức sống của dân ca trong lòng thế hệ trẻ ngày nay”.
Điều đáng mừng là những điệu ví, lời ca mộc mạc nhưng đậm đà tình quê cũng đã thực sự hấp dẫn đối với thế hệ trẻ. Việc đưa dân ca vào trường học trên địa bàn không chỉ góp phần làm giảm bớt sự căng thẳng của những giờ học mà còn là mạch nguồn trong mát bồi đắp thêm tình yêu quê hương cho các em. Em Lê Thị Hải Yến (học sinh lớp 11, thành viên nhỏ tuổi nhất của CLB) cho biết: “Từ nhỏ, em đã say mê những câu hò, điệu ví. Được tham gia CLB dân ca của xã, em rất vinh dự và tự hào. Em sẽ cố gắng tập luyện thật nhiều bài dân ca hay hơn nữa”.
Với CLB dân ca ví, giặm Thạch Châu, hồn cốt, tài sản vô giá của quê hương không chỉ được gìn giữ qua việc sưu tầm và biểu diễn những lời cổ mà còn là việc sáng tác thêm nhiều bài hát mới. Cũng theo anh Kế: “Đến nay, xã đã sưu tầm được 20 bài cổ, còn số lượng lời mới chúng tôi không thể thống kê hết bởi qua mỗi đợt liên hoan văn nghệ quần chúng hay những ngày lễ lớn lại có thêm nhiều sáng tác mới ca ngợi sự đổi thay của quê hương. Và bên cạnh những tiết mục cổ được dàn dựng công phu gắn liền với những giải thưởng lớn của CLB như: diễn xướng “Kháp mặt hẹn dạ nên duyên”, “Thử lòng chung thủy”, tiết mục hát múa dân ca lời mới “Thạch Châu quê mẹ” cũng đã được đánh giá cao tại các hội diễn lớn.
Sau những hội diễn, điệu ví, câu hò lại theo các bà, các chị trở về với sự yên bình của làng quê, xua đi những vất vả, lo toan sau mỗi ngày lao động, nuôi dưỡng, bồi đắp thêm tình yêu hương cho lớp trẻ.
Thúy Ngọc
Báo Hà Tĩnh