Từ thời Lê trung hưng trở lại nay, ở Tiên Điền xuất hiện “ tổng hòa” các mô hình nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, khoa bảng giáo dục và làm nghề thầy thuốc… Tuy nhiên trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ruộng đất ít, thổ nhưỡng lại bạc màu. Đất Tiên Điền đồng chua nước mặn, ruộng sâu úng ngập cục bộ , không có hệ thống mương máng thủy lợi tưới tiêu , mùa màng thường gặp thiên tai, năng suất sản lượng thu nhập hàng năm rất thấp. Điều đó bắt buộc người nông dân Tiên Điền phải sáng tạo, sinh kế phát triển nhiều ngành nghề thủ công, lập chợ búa và đội thương thuyền buôn bán. Sử sách có chép rằng: “ Về thợ thì các xã trong huyện đều có, xưa chỉ ở Tiên Điền người làm thợ nhiều hơn. Ông Toản quận công ( Nguyễn Khản) thường triệu tập người trong làng đến làm thợ, ai cũng vừa ý ông. Nhân đó ông mừng nói rằng: “Đây gọi là “tiểu triều đình”. Người dân Tiên Điền tỏ rõ thông minh, tài trí với truyền thống cần cù, hiếu học đã sáng tạo ra nhiều nghề thủ công truyền thống như làm tơi nón, nghề mộc , nề , chạm khắc, nghề rèn đúc công cụ. Các nghề thủ công ở Tiên Điền được phân bố vùng phát triển rất rõ ràng, nghề làm nón ở Tiền Giáp nay gọi là Thuận Mỹ, chằm tơi ở Bảo Kệ nay gọi là Minh Quang, mộc nề ở Võ Phấn nay là Hồng Lam và Phong Giang, rèn đúc ở Văn Trường nay là khối 4 thị trấn Nghi Xuân.
Nghề làm tơi, nón ở Tiên Điền phát triển khá sớm và đã đi vào thơ của Đại thi hào Nguyễn Du với tác phẩm “ Thác lời trai phường nón Tiên Điền gửi gái phường vải Trường Lưu”. Xưa làng nghề tơi, nón Tiên Điền có tổ chức phường hội, cùng nhau xây dựng khối đoàn kết cộng đồng để bảo tồn, phát triển nghề nghiệp. Sách Nghi Xuân địa chí chép: “ Vùng Tiên Điền ở giữa đồng bằng nhưng dân ở đây cũng quen vào núi Hồng Lĩnh lấy lá tơi, lá nón về làm tơi làm nón để làm kế sinh nhai”. Phường nón có tổ chức khá chặt chẽ, có quy định cụ thể về kỷ thuật, nguyên liệu, giá cả, trách nhiệm và nghĩa vụ của các thành viên trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cũng như sinh hoạt kinh tế – văn hóa cộng đồng theo kiểu “ buôn có bạn, bán có phường”. Nghề làm nón, tơi ở Tiên Điền có từ lâu đời, là nghề chính của thôn Tiền Giáp, Bảo Kệ . Ngày nay ở Tiên Điền vẫn còn tục cúng giổ tập thể vào ngày 23 / 8 âm lịch tưởng nhớ những người phụ nữ đi chợ Vĩnh Doanh bán nón, tơi chẳng may bị lật thuyền chết đuối trên sông Lam. Nón sản xuất ở thôn Tiền Giáp cơ bản là nón vành dày, rất bền và chắc chắn. Thời Lê, làng nghề sản xuất nón nhập hàng cho triều đình phục vụ quân đội. Nghề làm tơi chủ yếu tập trung ở thôn Bảo Kệ. Tơi là công cụ dùng để che mưa và làm áo ấm chống rét về mùa đông. Đặc biệt ở Tiên Điền, tơi còn được sĩ tử dùng làm lều chõng vào mùa thi cử. Làng nghề làm tơi nón đã sáng tạo sinh hoạt văn hóa văn nghệ hát ví phường nón rất thịnh hành vào các triều Lê – Nguyễn . Vào những đêm trang tỏ mùa hè, gái phường nón vừa làm tơi, nón vừa hát ví von. Trai tráng, nho sinh các làng lân cận đến phường nón hát ví đối đáp với các o đã tạo ra sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cư dân Tiên Điền. Sinh thời đại thi hào Nguyễn Du, một ông quan Đông các Đại học sĩ nhưng rất sành làn điệu hát phường nón đã cùng trai phường nón hát thi với gái phường vải Trường Lưu đã để lại vần thơ nghề nón quê nhà :
“ Thờ ơ bó vọt đóng sườn
Đã nhầm bẹ móc lại hờn nắm giang”.
Một làng nghề rất quan trọng ở Tiên Điền nữa là nghề rèn sắt, đúc đồng . Nghề rèn nông cụ xuất hiện ở Tiên Điền vào thế kỷ XV, do thủy tổ họ Trần vốn từ làng Trung Lương, huyện Đức Thọ xuống đây sinh cơ lập nghiệp và dạy nghề cho dân. Nghề rèn đúc đã sản xuất ra nhiều sản phẩm như lưỡi cày, dao, rựa và các dụng cụ trong sinh hoạt hàng ngày. Phường rèn đúc chỉ dạy nghề truyền thống trong gia đình, dòng họ . Người thợ học việc phải tôn trọng nhận làm con nuôi hoặc làm rể thì chủ lò, thợ cả, thầy dạy nghề mới truyền thụ kỷ thuật rèn đúc . Để trở thành thợ rèn đúc giỏi học trò tốn rất nhiều năm rèn luyện chăm chỉ trải qua các bước làm con, thợ học việc, thợ bạn rồi thợ chính. Đầu thế kỷ XX, có thêm nghề đúc đồ đồng do dòng họ Chu ở Diễn Châu về Tiên Điền lánh nạn đổi thành họ Hà Chu và dạy nghề đúc các dụng cụ nấu nướng như: sanh, nồi đồng, chiêng khánh, nhạc cụ sinh tiền não bạt…. Trong cuộc kháng chiến chống máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, người thợ đúc Tiên Điền đã biết tận dụng nhôm máy bay, cánh bom để đúc dụng cụ sinh hoạt như ấm, nồi nhôm rất tinh xảo. Nghề đúc đồng sản xuất dụng cụ sinh hoạt dân dụng tồn tại cho đến những năm cuối thế kỷ XX, do đầu ra sản phẩm khó khăn nên đã “ tạm lắng” không sản xuất nữa.
Là xã có ngành nghề đa dạng, phong phú từ xa xưa như làm mộc, thợ nề, hàng mã và đan lát. Sách Nghi Xuân địa chí chép chuyện : “ Có Hà Thiềm, người Tiên Điền, vốn làm nghề thợ mộc nổi tiếng…thường đến dinh ông Xuân Nhạc xem người thợ Ái Châu ( Thanh Hóa) khắc đá, một ngày chỉ khắc được vài chữ mà tính lại kiêu ngạo. Ông Thiềm lại bên mạn đàm những thiếu sót của thợ. Người thợ đã nổi giận nói: “Nếu anh khắc được ta nhường cho anh” tỏ ý khinh người thôn quê không am hiểu. Ông Thiềm nói: “ có gì là khó”. Người thợ đã vào mánh bảo với gia chủ rồi giao bia lại cho ông Thiềm. Ông Thiềm khắc một ngày hơn 10 chữ, tinh xảo không kém gì người thợ Ái Châu. Từ đó bia đá ở Tiên Điền, Uy Viễn đều do tay ông Thiềm khắc, còn các nghề thợ khác ông đều thông thạo cả . Đương thời khen ông: “ Nhà thợ làm đủ nghề”. Con cháu ông về sau kế tiếp đều làm thợ trong làng”. Câu chuyện kể trên đã phản ánh sự đa dạng ngành nghề và trình độ điêu khắc của người thợ mộc, thợ khắc đá Tiên Điền. Hiện nay một số ít di tích công trình kiến trúc bia đá, đền miếu đang được bảo tồn ở Tiên Điền đã phản ánh trình độ kiến trúc, hội họa, điêu khắc dân gian của người thợ nơi đây. Ngày nay, nghề mộc, thợ nề vẫn phát triển mạnh, hầu hết các thôn xóm đều có rất nhiều thợ nề, thợ mộc. Một phần thu nhập của người dân Tiên Điền đều dựa vào các ngành nghề này. Không chỉ phát triển mộc, nề mà nghề đan lát, làm hàng mã cũng rất thịnh hành ở Tiên Điền. Các đồ dùng gia đình như rổ, rá, bàn ghế được làm bằng mây, tre, nứa … bán tại chợ Tiên, chợ Giang Đình làm kế sinh sống của người dân.
Làng nghề ở Tiên Điền hôm nay chỉ tồn tại thợ mộc, thợ nề và vài ba nhà làm nghề hàng mã. Các làng nghề chằm tơi Bảo Kệ, lợp nón Tiền Giáp, rèn đúc đồ Đồng, đồ Nhôm Văn Trường đã được giải thể vì thiếu đầu ra cho sản phẩm. Nhưng người thợ làm tơi, nón, thợ đúc…nuối tiếc nghề và muốn khôi phục làng nghề thủ công truyền thống của cha ông để lại. Việc khôi phục làng nghề để sản xuất sản phẩm lưu niệm bán cho du khách đến tham quan đất văn vật Tiên Điền, khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, di tích Quốc gia đặc biệt là hướng đi đúng cần được ủng hộ trong phong trào vận động xây dựng nông thôn mới trên quê hương Nguyễn Du. /.
Đặng Viết Tường