Kinh tế

Làng đại gia giàu có nhờ xuất khẩu lao động: Nhiều biệt thự, ngỡ như châu Âu giữa quê nghèo

Người dân Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) kéo nhau đi “xuất ngoại” lập nghiệp rồi về xây dựng làng quê trở thành “làng tỷ phú” hay “làng Châu Âu”.

Về xã Đô Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cách TP.Vinh hơn 20 cây số, nhiều người không khỏi bất ngờ khi thấy quang cảnh những ngôi nhà được xây theo kiểu biệt thự châu Âu mọc lên san sát. Dọc con đường nhựa liên xã Đô Thành, những dãy nhà cao tầng, sầm uất như dãy phố ở các đô thị. Nhiều căn biệt thự cao 3 - 4 tầng được xây dựng với chi phí vài tỷ đồng.

Xe hơi hạng sang cũng được tậu về đây, lướt ngang phố cứ ngỡ đang lạc vào khu dân cư siêu sang nào đó tại các thành thị lớn. Người dân địa phương gọi xã Đô Thành là “làng tỷ phú”, “làng Châu Âu”... nhờ cơ sở hạ tầng hoành tráng tại nơi này.

Xã Đô Thành nhìn từ trên cao.

Theo chia sẻ của ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành, xã có hơn 4.000 hộ với gần 18.000 nhân khẩu thì 3/4 trong số đó có nhà cao tầng, biệt thự. “Giờ về Đô Thành, nếu nhìn biệt thự tiền tỷ, xe hơi hạng sang mà thốt lên ngạc nhiên thì “xưa như trái đất”, biệt thự, xe con bóng loáng được người dân ở đây xem như là một nhu cầu bình thường trong cuộc sống thường ngày mà thôi", một người dân chia sẻ.

Ít ai biết được rằng, trước đó vào những năm 80 của thế kỷ 20, Đô Thành là một vùng chiêm trũng thuần nông, cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu sống bằng cây lúa, một nắng hai sương, cần cù lam lũ nhưng cái đói cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Cuộc sống của người dân nơi đây trở nên khá khẩm hơn nhờ “xuất ngoại”, Đô Thành cũng từ hướng đi đó mà thay da đổi thịt, trở thành xã giàu nhất tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

“Đổi đời” nhờ “xuất ngoại”

Trước năm 80, nhiều người dân ở đây đi buôn gỗ, làm mộc, đồ gỗ Đô Thành từng nổi tiếng khắp cả vùng vì mẫu mã đẹp. Và chính nghề này đã giúp bà con thoát nghèo chứ không phải nghề buôn gỗ nguy hiểm, dễ mất tính mạng. Lúc đầu chỉ là một vài điểm nhỏ lẻ, thủ công, sau đó người ta mở xưởng, mở rộng kinh doanh và xem đây là nghề chính trong gia đình. Những làng nghề mộc còn ít nên mỗi sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ ngay.

Nhờ xuất ngoại, bà con nơi đây xây nhà xịn, xe sang…

Thế nhưng, đến đầu những năm 1990, thị trường đồ gỗ trở nên bão hòa, sản phẩm làm ra ế ẩm nên người dân bỏ nghề. Một số người bắt đầu chuyển hướng tìm kiếm tương lai bằng việc xuất ngoại. Ban đầu toàn xã cũng chỉ có một vài người đi Nga, Ba Lan, Đức để lao động kiếm sống. Nhờ cần cù, chịu khó chắt chiu, cuộc mưu sinh ở xứ người đã mang lại hiệu quả.

Về sau thấy làm ăn được, những người xuất ngoại kiếm được nhiều tiền về kéo anh em, họ hàng cùng “đi Tây”, lượng người xuất khẩu lao động ngày một tăng lên. Kể từ năm 2000, nhiều người đang làm ở Nga, Ba Lan, Đức, Pháp đã sang Anh để tìm việc làm. Trong 400 hộ dân thì có gần 1/3 đi làm ăn ở các nước. Có thời điểm con số này lên đến hơn 1 nửa, có những hộ gia đình tới 99% người thân đi làm ở nước ngoài. Chính nhờ hướng đi này mà người dân nơi đây đã đổi thay một cách chóng mặt.

"Hầu hết nhà lầu, biệt thự, ô tô,… ở đây đều là tiền đi làm từ nước ngoài gửi về”, ông Vũ Hồng Sơn (SN 1965, xóm trưởng xóm Phú Vinh, xã Đô Thành, huyện Yên Thành) chia sẻ. Sau nhiều năm lao động ở xứ người, nhiều người ở Đô Thành đã quay về quê đầu tư làm ăn, không đầu tư làm ăn thì cũng gửi tiền về quê cho người thân xây nhà dựng cửa.

Hiện toàn xã có gần 9.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó có 1.353 người đi xuất khẩu lao động ở các nước châu Âu, hơn 1.000 người đi làm việc, buôn bán tại Lào, gần 500 người đang làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Tính trung bình một nhà có ít nhất một người đi xuất khẩu lao động. Ước tính hằng năm chi phí người xuất khẩu lao động gửi về hơn 200 triệu USD (tương đương gần 5.000 tỷ đồng).

Tại Đô Thành chủ yếu là trẻ con, người già vì người trẻ đa phần đều xuất ngoại đi làm ăn.

Hầu hết thanh niên lớn lên đều đi làm ăn xa nên đến Đô Thành chỉ toàn bắt gặp trẻ con, người già. Đó cũng là lý do mà có những ngôi nhà xây khang trang dù trong đó chỉ vài người ở, hoặc quanh năm chủ nhà mới về nước và mở cửa ở một lần, còn lại đóng cửa im lìm. Ruộng lúa thênh thang - từng là nguồn sống của bà con nơi đây giờ bỏ hoang, dân chỉ cày cấy 2 vụ thay vì 4 vụ như trước đây. Mà người làm ruộng cũng không hẳn là vì cuộc sống, nhiều hộ làm chỉ để... cho khuây khỏa, cho có "hương vị nhà nông".

Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP