19 năm tù cho một lần nhẹ dạ
Trước khi bước chân vào trại giam, Phạm Văn Đeng, SN 1973 ở Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, chưa biết chữ. Sau 2 lần tham gia lớp học xóa mù chữ do trại giam Hồng Ca tổ chức, giờ Đeng đã đọc thông viết thạo. Nhớ lại lần đầu nhận được thư con trai gửi vào, Đeng xúc động bảo, vừa đọc vừa chảy nước mắt vì sung sướng.
Nhắc lại chuyện đã qua khiến bản thân phải vào trại giam, Phạm Văn Đeng bảo tại trình độ không có, không hiểu pháp luật nên phải trả giá đắt. “Tôi đã trả một cái giá quá đắt mà nếu được sửa sai thì tôi phải chừa cái tính bài bạc sau đó rồi mới đến chừa cái tính cả tin”, Đeng bộc bạch suy nghĩ của mình khi tiếp xúc với chúng tôi.
Đeng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mẹ không may mất sớm, đến 19 tuổi lấy được vợ. Vợ Đeng, một phụ nữ cùng thôn, cùng cảnh ngộ nên sớm thông cảm cho nhau. Phải mấy năm sau họ mới có con. Hiện 2 con của Đeng đã yên bề gia thất. Đeng đã có 4 đứa cháu nội.
“Gia đình tôi nghèo, ăn còn không đủ thì lấy đâu ra chuyện đi học. Với lại thời đó chuyện học hành cũng không được quan tâm như bây giờ. Anh em tôi đùm bọc nhau cứ thế lớn lên, chẳng có ai biết chữ cả nhưng cầm đồng tiền thì chưa khi nào tính sai”, Đeng kể.
Là người dân tộc Nùng lại sống ở vùng hẻo lánh nên ít nhiều Đeng cũng có cái chân chất, thật thà của người ít giao du, tiếp xúc. Đeng bảo chẳng nhớ mình đã lớn lên như thế nào rồi làm thế nào mà tán được vợ. Chỉ biết rằng sau khi lấy vợ rồi, cả hai lại quày quả ra đường biên làm thuê. Cũng có năm vợ chồng Đeng vượt biên sang bên kia biên giới làm thuê, hết vụ lại quay về. “Thời điểm đó nói là vợ chồng chứ sang kia làm thuê lại mỗi người một nơi. Tôi làm thuê cho một lò gạch còn vợ tôi thì đi trồng chuối cho những nhà dân quanh đó. Chúng tôi hoàn toàn bặt tin nhau, chỉ đến Tết về nhà thì vợ chồng mới gặp nhau”, Đeng kể.
Chính vì thế mà mãi 4 năm sau kể từ khi có vợ, Đeng mới được làm bố. Có con, Đeng không cho vợ vượt biên đi làm thuê nữa mà ở nhà làm rẫy, còn anh ta ra đường biên làm cửu vạn. Công việc chủ yếu là bốc vác và thức đêm. Những lúc ngồi chờ hàng sang, Đeng lại túm tụm với mấy người nữa ngồi chơi bài, từ đó thành thói quen khó bỏ.
Nói về việc tại sao lại đi tù về tội ma túy, Đeng gãi gãi cái đầu trọc lốc: “Hôm đó có thằng bạn gần nhà rủ đi chơi, đến nửa đường thì nó bảo có người nhờ mang 2 bánh ma túy ra đường biên sẽ trả công 20 triệu đồng. Nó rủ tôi đi cùng sẽ cho 2 triệu đánh bạc. Nghĩ mình không cầm ma túy, không mua bán thì chắc không phạm tội nên tôi đồng ý”, Đeng kể.
Nhớ lại ngày bị CA tới nhà bắt đi, Đeng bảo khi đó người run bắn, chân khụy xuống không đi nổi. “Tôi ú ớ một lúc mới nói được. Tôi bảo họ là bắt nhầm người rồi, tôi có biết ma túy là cái gì đâu nhưng họ bảo tôi cứ lên CQCA rồi sẽ biết. Đến lúc lên đó, nhìn thấy thằng bạn đang bị xích tay vào ghế, tôi mới ngẩn người ra và rồi tôi đã khóc rất to”, Đeng nhớ lại.
Người đàn ông này cho biết đã rất hoảng sợ và sau đó là hối hận. Cảm giác hoang mang khi đứng trước vành móng ngựa, với Đeng vẫn chưa ngày nào quên. Nhiều đêm mơ ngủ, Đeng lại giật mình thon thót. “Tôi quá sợ và nếu bây giờ được về, có cho vàng tôi cũng không làm như thế nữa. Chỉ vì 2 triệu đồng mà tôi đã đánh mất tất cả, thật chẳng đáng chút nào”, Đeng bảo.
Phạm nhân Phạm Văn Đeng đang hướng dẫn các phạm nhân trong đội chăm sóc vườn hoa trong khuôn viên trại giam. Ảnh: N.Vũ |
Cải tạo tốt để sớm trở về
Từ khi bị bắt tới nay, Đeng đã có chục năm đón Tết trong trại giam. Người đàn ông này bảo không có ấn tượng nhiều về Tết bởi những ngày đó ở nhà cũng chẳng có gì khác biệt so với ngày thường. Đeng chỉ thấy thương vợ, có lỗi với con vì chưa làm tròn bổn phận của một người cha. “Vào đây rồi, được học hành, được cán bộ giảng giải tôi mới thấy mình là người chồng vô trách nhiệm chứ ngày ở nhà, tôi chưa khi nào nghĩ đến điều đó. Tôi chỉ biết đi làm kiếm tiền để tiêu, thừa thì đưa cho vợ. Con cái chúng sống thế nào, tôi đâu có để ý. Mọi chuyện phó thác cho vợ tất, nên giờ mới ân hận”, Đeng tâm sự.
Nói về chuyện được tham gia lớp xóa mù chữ trong trại giam, Đeng bảo ngày đầu thấy cán bộ bắt đi học còn sợ, trong lòng cứ thắc mắc là tại sao mình lại phải đi học, mình mắc khuyết điểm gì chăng. Nhưng khi được học chữ, được làm phép tính, Đeng cảm thấy thích thú.
“Vào đây rồi mới được học chữ, tôi mới biết là mình thiệt thòi chứ ngày ở nhà làm gì hiểu được điều đó. Ngày đó cứ nghĩ không biết đoc, không viết được cũng không sao, miễn là cầm tiền tiêu không trả nhầm là được. Giờ biết chữ rồi tôi có thể xuống thư viện mượn truyện lên đọc”, Đeng bộc bạch. Ông ta bảo xúc động nhất là lần nhận được thư con gửi vào.
“Lúc bạn tù bảo tôi viết thư về nhà đi, quên chữ nào họ bảo cho, tôi cứ đắn đo mãi rồi mới viết. Đến lúc gửi thư đi rồi thì ngày nào cũng ngóng tin”, Đeng kể.
Vài ngày lại hỏi cán bộ xem mình có thư không. Không có thì Đeng lại tự an ủi rằng có khi vợ con ở nhà lại tưởng thư ai đó gửi nhầm địa chỉ. Tới khi nhận được thư con, nhìn nét chữ nghuệch ngoạc ngoài bì thư, Đeng đã không giấu nổi xúc động. “Em đã rơm rớm nước mắt vì mừng rồi khi đọc xong thì thấy chữ con trai cũng xấu như chữ mình. Tối đó tôi lại viết tiếp lá thư nữa về cho con. Tôi bảo con phải tập rèn chữ đi, viết xấu quá. Thư sau nó gửi vào bảo tôi giờ bận làm, không có đầu óc đâu để luyện chữ”, Đeng tâm sự.
Đeng bảo từ ngày biết chữ, đầu óc như được mở mang nên hiểu rằng không được học hành là một thiệt thòi lớn. Chính vì thế mà lá thư nào gửi về, Đeng cũng khuyên con trai nên cố gắng cho các cháu được đi học, đừng để chúng nó thất học.
Về trại giam Hồng Ca cải tạo, mất thời gian đầu làm ở đội nông nghiệp là Đeng bị kỷ luật vì vi phạm nội qui. Nhưng từ khi chuyển về lao động ở đội vệ sinh, tháng nào Đeng cũng vượt chỉ tiêu đăng ký. Đeng đã 2lần được giảm án và hai năm nay được cán bộ tín nhiệm cho làm tự quản, đôn đốc, nhắc nhở các phạm nhân trong tổ làm việc. Hỏi Đeng làm “cán bộ”có vui không, người đàn ông này tỏ ra bối rối: “Được cán bộ tin tưởng, bạn tù tín nhiệm giao cho công việc này thì phải làm cho tốt để không phụ lòng tin của mọi người”.
Đeng ít được người nhà thăm gặp. Đeng bảo lần gặp người nhà gần đây nhất cách đây 2 năm, còn thư từ thì mỗi năm cũng vài lá. Đeng không trách người nhà vì hiểu hoàn cảnh gia đình, chỉ mong mọi người ở nhà khỏe mạnh. “Trong này tôi không thiếu thứ gì cả. Ốm đau còn được bác sỹ khám bệnh và cấp thuốc. Những chuyện này ở nhà làm gì có được”, Đeng kể. Ông ta bảo chỉ cầu mong được khỏe mạnh để tháng nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, năm nào cũng được giảm án, sớm trở về với gia đình. Ông ta cho biết sau này ra trại sẽ về phụ giúp vợ con chăn nuôi trồng trọt chứ không đi làm thuê như trước kia nữa.
Tác giả: Nguyễn Vũ
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội